Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội

Đời sốngThứ Năm, 11/02/2021 06:45:00 +07:00
(VTC News) -

Hơn 30 năm qua, vợ chồng ông Hải (82 tuổi, ở phố Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đón Tết trong căn nhà tuềnh toàng dựng trên nóc nhà vệ sinh tập thể.

Phố Hàng Bạc (phường Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được biết đến là con phố cổ sầm uất với nhiều cửa hàng chế tác, buôn bán trang sức vàng bạc. Tuy vậy, trong khoảng 1.000 hộ dân nơi đây vẫn còn một ngôi nhà “ổ chuột” dựng trên nóc nhà vệ sinh suốt hơn 40 năm qua.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2021, tiết trời se lạnh, trong căn phòng rộng khoảng 10m2 ở cuối con ngõ 107 Hàng Bạc của vợ chồng bà Nguyễn Thị Xâm (71 tuổi) thi thoảng vẫn bốc mùi xú uế từ nhà vệ sinh ngay bên dưới.

“Sáng nào tôi cũng dọn dẹp sạch sẽ nhưng vẫn không tránh được mùi. Ở lâu nên chúng tôi cũng quen rồi”, người phụ nữ 34 năm sống trong căn nhà "ổ chuột" cho hay.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 1

Căn phòng vợ chồng bà Xâm ở trước kia là sân phơi, phía dưới là nhà vệ sinh và nhà tắm.

Được xây dựng qua hơn 40 năm với kết cấu thô sơ, đến giờ tường nhà nứt toác, bong tróc, nền nhà làm từ gạch đất nung cũng bị mài mòn. Bên trong căn nhà của vợ chồng bà cũng không có gì giá trị ngoài chiếc quạt, đầu DVD cũ được người thân cho, vài món đồ mới hơn thì được cậu con trai và con gái sắm sửa.

Bà Xâm mắc bệnh xương khớp, đi lại khó khăn nên chỉ quanh quẩn ở nhà, còn người chồng 82 tuổi thì bơm vá, sửa chữa xe đạp, xe máy ở đầu ngõ. Mọi chi phí sinh hoạt của bà đều do con trai chu cấp.

Nói về Tết Nguyên đán, bà Xâm thở dài bởi với bà Tết nào cũng buồn tẻ. Bà nói, gần cuối năm bà đi sắm sửa thịt thà, bánh kẹo, còn trang trí thì không bởi “nhà có ra nhà đâu”.

“Bánh chưng Tết thì tôi nhờ cậu em ở dưới quê gói hộ năm, sáu cái. Đêm Giao thừa, tôi làm lễ cúng ngoài sân, chứ chồng tôi ngoài sửa xe có biết làm gì đâu”, bà Xâm cho biết Tết năm nay vợ chồng bà cũng chưa có dự định gì mới.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 2

Bà Xâm giờ đau chân chỉ quanh quẩn trong căn nhà tuềnh toàng dựng trên nóc nhà vệ sinh.

Trong những ngày Tết, bà Xâm ở nhà, còn chồng bà thì đi chúc Tết người thân, hàng xóm gần đó. Tuy nhiên, không ai đến nhà bà cả, bởi họ ngại cái mùi khó chịu bốc lên từ nhà vệ sinh.

Bà Xâm nói niềm vui nhất trong những ngày Tết là gia đình cậu con trai về ăn Tết cùng cha mẹ và bà được về quê ở Hoài Đức, Hà Nội.

Khoảng hơn 10h, ông Nguyễn Phùng Hải (chồng bà Xâm) dọn dẹp đồ đạc sửa xe về nhà. Dù đã bước sang tuổi 82 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, xốc vác như một thanh niên.

Lấy tấm ảnh chụp cùng cậu con trai 5 tuổi trong căn nhà lợp mái và quây cót ép, giấy dầu, ông nói, hơn 40 năm về trước, căn phòng này là sân phơi quần áo của các hộ dân sinh sống trong ngõ, phía dưới vẫn là hố xí hai ngăn hôi hám.

“Tôi thuê nhà nhưng không có tiền trả nên bị đòi nhà, sau đó tôi dọn lên chỗ sân phơi cơi nới ra được khoảng vài mét vuông để ở”, ông Hải nói.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 3

Ông Hải giơ tấm ảnh chụp cùng cậu con trai trong căn nhà khi xưa.

Gần 50 tuổi, ông Hải bén duyên với bà Xâm khi đó 39 tuổi qua mai mối. Ngày cưới cũng là ngày đầu tiên về nhà chồng, bà Xâm bàng hoàng khi nhà không ra nhà, nóc còn trông thấy cả trời, dây dưa lê mọc đầy nhà.

“Ngày tôi về, căn phòng trống trơn, nắng rọi vào tận nhà. Đêm tân hôn, tôi nhất quyết không ngủ ở nhà mà đi ngủ nhờ ở nhà người thân, sau nghĩ lại thì dù sao cũng là vợ chồng nên quay về”, bà Xâm nhớ lại.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là tất cả nỗi kinh hoàng với bà Xâm, bởi điều đáng sợ nhất vẫn là mùi hôi thối từ hố xí bốc lên hàng ngày. Hố xí này là nơi sử dụng chung của gia đình bà với 6 hộ dân trong ngõ, tổng cộng khoảng 30 con người.

Hai năm sau ngày cưới, bà Xâm sinh được cậu con trai và vài năm sau sinh tiếp được cô con gái. Niềm an ủi với cặp vợ chồng nghèo là hai người con của ông bà luôn ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, chịu khó học hành.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 4

Những đồ vật cũ kĩ trong căn nhà của ông Hải, bà Xâm.

Bà Xâm kể bà từng bươn chải đủ nghề, sau đó chuyển sang bán hàng rong bún riêu, còn chồng bà dù kiếm được từ nghề sửa xe nhưng "tiền ai người đó tiêu". Mọi sinh hoạt của gia đình, học hành của con cái đều do bà gánh vác. Mỗi ngày, bán hàng về, bà lại nhét 50 nghìn đồng để lấy tiền cho con đóng học.

Nói về nơi ở của gia đình, ông Hải cho hay, mái lá khi xưa được chính quyền hỗ trợ thay bằng mái tôn. Vài năm trở lại đây, hố xí hai ngăn phía dưới được một hộ dân trong ngõ xây dựng thành hố xí tự hoại. Giờ chỉ có mỗi gia đình ông và khách đến mua hàng của cửa hàng đầu ngõ sử dụng nhà vệ sinh này.

Ông Hải chia sẻ, con trai ông cũng muốn gom góp để đón ông bà về sống nhưng vợ chồng ông muốn tự do, không muốn làm phiền con cháu. Còn với cô con gái, vợ chồng ông cũng có chút lo lắng bởi đã gần 30 tuổi nhưng con gái ông vẫn chưa dẫn người yêu về ra mắt. Hai ông bà cho rằng có thể con gái ngại vì nhà nghèo khổ, tuềnh toàng quá.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 5

Con ngõ dẫn vào nhà ông Hải chỉ vừa để dắt chiếc xe đạp.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 6

Phía bên trái là nhà vệ sinh, tiếp đó là phòng tắm và bếp của gia đình ông Hải.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 7

Mặt nhà hướng ra ngoài ngõ được dựng bằng nhiều vật liệu thô sơ.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 8
Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 9

Bên trong, tường bị rạn nứt, cửa sổ được che chắn đơn sơ.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 10

Những mảng tường cũ kĩ, bong tróc.

Tết của cặp vợ chồng già hơn 30 năm sống trên nóc nhà vệ sinh phố cổ Hà Nội - 11

Cầu thang dẫn lên căn phòng của vợ chồng ông Hải cũng xuống cấp, có lần ông bà bị ngã do trơn trượt.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn