Tết buồn tủi của những lao động có nhà không dám về vì sợ lây lan COVID-19

Đời sốngThứ Ba, 11/01/2022 11:26:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều lao động xa quê chọn ở lại công ty làm việc xuyên Tết, họ không dám hồi hương để sum họp cùng gia đình vì sợ mang dịch về quê.

“Dịch bệnh, Tết này vợ chồng con không về được, bố mẹ ở nhà đừng buồn nhé. Hết dịch, chúng con cho cháu về chơi với ông bà sau.” Nghe con trai thông báo vậy, ở đầu dây bên kia, ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1970, quê huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) lập tức tắt máy.

Vì là năm đầu tiên có cháu nội nên ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1973) và bà Đỗ Thị Phương (SN 1970) đều rất mong ngóng con cháu. Tết này, ông Bằng dự định ăn đụng nửa con lợn chừng 40kg vừa để gói giò vừa làm nhân bánh chưng. Phần thịt thừa ông sẽ cho vào tủ lạnh, để ra Giêng các con mang đi làm. Chiều 28 Tết, hai bố con sẽ cùng đi chợ sẽ mua một cành đào to để cả nhà cùng chụp ảnh, ngày 29 cả nhà sẽ quây quần gói bánh chưng. 

Nghe tin con trai không về ăn Tết, ông Bằng giận lắm, đang nghe điện thoại ông lập tức cúp máy. Ông Bằng sang hàng xóm hủy kèo thịt lợn và nhắc bà Tám hàng xóm không cần để phần lá dong nữa. "Có hai vợ chồng thì mua hai cái bánh chưng cũng gọi là xong Tết, cần gì thịt lợn với gà...", ông Bằng nói giọng hờn trách.

Nguyễn Hải (25 tuổi; con trai ông Bằng) tâm sự: "Biết bố mẹ buồn, nhưng mình cũng chẳng thể làm gì khác. Cực chẳng đã mình mới phải quyết định như vậy. Đây cũng là năm đầu tiên mình ăn Tết xa nhà nên mình cũng chưa biết phải xoay sở thế nào".

Sợ mang dịch về quê

Hải hiện làm nhân viên Quản lý chất lượng tại công ty bao bì tỉnh Thái Nguyên. Tính đến nay, Hải đã có 7 năm gắn bó với công việc này. 

Những ngày gần đây, Hải đang cách ly tại phòng trọ do tiếp xúc gần với F0. Ngày thứ 6, xét nghiệm PCR kết quả âm tính, hết ngày mai, anh bắt đầu đi làm trở lại. "Mình sốt ruột lắm, Tết nhất đến nơi không làm ra tiền thì chớ, còn phải cách ly”, Hải nói.

Tết buồn tủi của những lao động có nhà không dám về vì sợ lây lan COVID-19 - 1

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm nay anh Hải không thể về quê ăn Tết. (Ảnh: NVCC)

Nhà có hai anh em, anh trai Hải là Nguyễn Văn Thuận (28 tuổi) đang làm việc ở Bình Dương, năm nay cũng không thể về quê ăn Tết. Vì vậy, bố mẹ Hải chỉ còn trông mong duy nhất vào gia đình cậu con út. 

"Gần đây, tỉnh Thanh Hóa ra thư ngỏ khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết. Không chỉ riêng mình mà bất kì người con xa quê nào khi đọc được thông báo này cũng cảm thấy rất buồn. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại cũng đúng, về nhà không may mang bệnh cho mọi người thì lại ân hận. Vì vậy, năm nay mình quyết định không về quê ăn Tết nữa", Hải nói.

Vợ Hải sinh con gái đầu lòng được 4 tháng, trước đây dù bận đến mấy, cuối tuần Hải luôn tranh thủ về Cao Bằng (quê ngoại) thăm vợ con. Hai tháng gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, anh không thể về được. "Nhiều đêm nhớ vợ con đến chảy nước mắt, nhưng cũng không biết làm cách nào khác", Hải nói.

Từ giờ đến Tết Nguyên đán, Hải dự tính nghe ngóng tình hình nếu dịch bệnh ổn hơn, anh sẽ xét nghiệm PCR rồi về quê ngoại ăn Tết cùng vợ con. Còn không Hải sẽ ở lại phòng trọ ăn Tết một mình.

"Cày" Tết để hưởng lương gấp 3

7h sáng, mở cửa căn phòng lạnh lẽo, chị Lò Thị Trong (26 tuổi, quê ở huyện Lục Yên, Yên Bái) thở dài mệt mỏi, sau ca làm đêm 12 tiếng. Cắm ấm nước siêu tốc, ăn gói  mì… chị vội vã lên giường ngủ.

Chị Trong đang làm việc tại công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Thăng Long II, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Đến nay, chị đã có gần 1 năm gắn bó công việc này. Ngày làm việc của chị bắt đầu lúc 7h tối và kết thúc lúc 7h sáng. Tháng này, chị được công ty bố trí ăn - ngủ - nghỉ tại chỗ, vừa sản xuất, vừa chống dịch.

"Giai đoạn này công việc áp lực, cường độ cao, nhiều hôm mệt lả người nhưng mình vẫn cố dậy đi làm. Gần Tết rồi phải cố gắng cày cuốc để con có thêm bộ quần áo mới." chị Trong tâm sự.

Tết buồn tủi của những lao động có nhà không dám về vì sợ lây lan COVID-19 - 2

Chị Lò Thị Trong và con trai. (Ảnh: NVCC)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ ngày 30/4/2021 đến nay, chị Trong chưa được về quê thăm chồng con. Những tưởng Tết này cả gia đình sẽ được đoàn viên thì dịch bệnh ở Hưng Yên lại bùng phát. Công ty chị làm cũng ghi nhận vài chục ca nhiễm COVID-19.

Nhớ nhà lắm nhưng mình cũng không dám về vì sợ lây bệnh cho hai đứa nhỏ. Với lại, Tết âm được nghỉ 6 ngày, mình ở vùng dịch về phải cách ly 7 ngày nên cũng không muốn về", chị Trong nghẹn ngào tâm sự.

Tết đầu tiên không có vợ ở nhà, anh Văn (28 tuổi, chồng chị Trong) vẫn chưa biết xoay sở thế nào. Mọi năm, vợ anh sẽ là người quán xuyến mọi việc, từ đi chợ mua thực phẩm, sắm quần áo mới cho hai con… Nhiều lần anh khuyên chị: "Hay vợ nghỉ việc về quê ăn Tết cùng bố con anh. Tết không có mẹ nó ở nhà thấy thiếu thiếu thế nào ấy". Nghĩ cả năm đi làm chỉ trông chờ vào thưởng Tết, bây giờ nghỉ thì không được gì cả nên chị Trong phải động viên chồng ở nhà cố gắng.

Thương nhất vẫn là hai đứa nhỏ, biết Tết này mẹ không về, chúng nhèo nhẽo đòi mẹ qua điện thoại: “Mẹ ơi mẹ về với con, con nhớ mẹ lắm rồi”. Nghe con nói vậy, chị Trong cúi mặt, lau vội hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Để dỗ dành con, chị hứa ra Tết sẽ đưa hai anh em Lân và Kiên đi mua thật nhiều đồ chơi. Hoàng Lân (8 tuổi) nghe vậy lắc đầu: “Con không cần đồ chơi, con muốn mẹ về với anh em con cơ”. 

Lo cho hai đứa nhỏ ở nhà chưa có áo mới diện Tết, chị Trong lên mạng đặt cho hai anh em 2 bộ quần áo. Mất nửa tiếng chị mới chọn được hai bộ đồ tạm ưng. Chị bảo, mẹ vắng nhà gần 6 tháng nay, không biết các con cao lớn như nào rồi, nhỡ đặt không vừa lại mất công đổi. 

Chị Trong cho biết thêm, Tết này nếu công ty tạo cơ hội chị sẽ đăng kí đi làm thêm để hưởng lương gấp 3. "Làm 5 ngày Tết bằng lương cả nửa tháng, tội gì không làm. Với lại Tết này mình cũng chỉ có một mình, đi làm cũng là một cách hay để quên đi nỗi nhớ nhà", chị Trong nói về kế hoạch làm việc xuyên Tết.

VŨ VÂN
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp