Tên tôi là 30 tháng Tư

Tổng hợpThứ Sáu, 22/04/2011 02:33:00 +07:00

Lại đánh bom ở một khu chợ thủ đô Islamabad. Tin cập nhật tối nay trên Đài Truyền hình VTC. Tình hình đánh bom khủng bố liên miên ở Pakistan, máu đổ,...


 

     Lại đánh bom ở một khu chợ thủ đô Islamabad. Tin cập nhật tối nay trên Đài Truyền hình VTC. Tình hình đánh bom khủng bố liên miên ở Pakistan, máu đổ, Taliban, lại là Taliban, làm tôi quan tâm lo lắng, bởi ở nơi đó có một người bạn của tôi đang sống: Mashuda. Hai mươi mốt năm rồi bặt tin chị. Kể từ năm chúng tôi cùng theo học một khóa đào tạo sản xuất chương trình truyền hình ở Học viện Truyền thông Pakistan.

     Năm ấy, sau một đêm bay từ Thái Lan, tôi tới phi trường Islamabad vào sáng hôm sau, một đất nước Hồi giáo còn qúa xa lạ với người Việt Nam ở thời điểm  năm 1990, thậm chí chưa có quan hệ ngoại giao, phải nhập cảnh qua một nước thứ ba.

 Những tài xế taxi, người nào cũng để râu quai nón, súng sính trong bộ đồ dài trắng ngà quây lấy tôi chèo kéo:

      - Ông bạn! Trung Quốc phải không?

Tôi lắc đầu.

 - Hàn Quốc?

Tôi lại lắc đầu.

 - Nhật Bản rồi?

Tôi tiếp tục lắc đầu.

Họ thất vọng nhìn nhau. Tôi mỉm cười: “Từ Việt Nam!”

     Thật bất ngờ họ đồng thanh reo lên:

- Việt Nam! Ô hô Việt Nam! Đánh Mỹ pằng pằng pằng pằng!

Vừa nói họ vừa khom người lò cò trong tư thế ôm khẩu AK lia đi lia lại quạt đạn, rồi cùng phá lên cười. Mấy chú nhóc bán đồ lưu niệm cũng ào chạy tới, hỉ hả làm động tác “xả đạn” pằng pằng pằng pằng.

Một trong số lái xe taxi nhanh tay kéo tôi đẩy vào cửa xe anh và khoát tay nói với các đồng nghiệp:

- Nhường khách này cho tôi. Vui lòng đi!

Tất cả diễn ra qúa đột ngột và lạ lùng. Chẳng lẽ tôi là người Việt Nam đầu tiên họ gặp sao?

Người lái xe mời tôi ngồi cùng hàng ghế trước. Anh giơ bàn tay to bè xạm màu chì và đầy lông lá bắt tay tôi, ngắm nghía tôi:

- Nào! Ba mươi - Tháng Tư - Bảy nhăm - Việt Nam. Đi đâu đây?

Tôi không nhịn được cười vì cách dùng một “đại từ nhân xưng” ấn tượng của anh. Anh tên là Mushaf. Mushaf hoạt bát, nhiều chuyện. Anh biết những thông tin về Việt Nam, về cuộc chiến tranh ở Việt Nam qua truyền hình, báo chí, và thực sự phấn khích lúc này đây ngồi cạnh anh lại là một nhà báo Việt Nam. Chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh không dễ dàng gì, nhưng cũng đủ để hiểu, thậm chí còn cười rũ ra với nhau khi tôi cố gắng mô tả ý nghĩa của những thành ngữ đại loại “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “nắm thắt lưng địch mà đánh”, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”…

 Xe dừng bánh trước cổng Học viện Truyền thông Pakistan. Đồng hồ báo giá 120 rupee. Tôi rút tờ 10 dollar Mỹ. Mushaf cười cười xua tay:

      - Không lấy tiền. Cho tôi mấy tờ tiền Việt làm kỷ niệm. Mushaf đón tiền tôi đưa, từ từ đưa lên ngắm nghía rồi đặt lên môi hôn vào chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh siết chặt tay tôi, chúc khỏe và tạm biệt. Tôi bỗng thấy xứ sở này không còn xa lạ.

      Người quan tâm thân thiết đặc biệt tới tôi trong suốt khóa học là Mashuda, Biên tập viên Đài Truyền hình Pakistan. Chị qúy tôi vì tôi biết nhiều điều về đất nước của chị. Ấy là nhờ sự chỉ bảo của nhà thơ Chế Lan Viên. Ông khuyên, trước khi tới một quốc gia nào đó, nên biết đôi điều về quốc gia ấy. Nhờ có chuyến thăm Albania, mà ông đã đọc cuốn tiểu thuyết “Viên tướng của những đạo quân chết”. Bắt chước ông, khi nhận được học bổng tu nghiệp tại Học viện Truyền thông Pakistan, tôi đã kịp đọc cuốn hồi ký của bà Bhutto, Thủ tướng đương nhiệm của Pakistan lúc đó. Thành thử, tôi có thể thảo luận với Mashuda những khía cạnh cần quan tâm về văn hóa, tôn giáo, phong tục, tập quán của đất nước Pakistan của chị, đặc biệt là nữ chính trị gia Bhutto xinh đẹp và hiếm hoi hàng đầu thế giới cùng dòng họ danh giá của bà. Ngược lại, Mashuda cũng am tường Việt Nam, có lẽ chị cũng đọc nhiều. Chị hỏi tôi rất kỹ về Chiến dịch Hồ Chí Minh và Chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 75. Chị muốn biết từ tôi vì tôi là “người trong cuộc”. Tôi kể cho chị nghe câu chuyện lại chính là chuyện của gia đình tôi.

     Tôi có người anh em thúc bá với vợ, tên anh là Triệu, từ chiến khu Việt Bắc “dinh tê” vào Sài Gòn năm 1954. Đây là người họ hàng duy nhất bỏ kháng chiến vào sống ở Sài Gòn. Anh là người đa cảm. Có làm thơ.

     Nhà anh ở một con hẻm quận Tân Bình. Tiếp tôi có vợ chồng anh, mẹ anh, các con anh. Có thêm người bề trên là cô Bình và chồng cô. Gương mặt cô chú đều rạng rỡ, không một chút buồn, nhưng có phần đay nghiến:

     - Chào cháu nhà báo cộng sản! – Cô Bình nói - Đến thăm người nhà ngụy Sài Gòn mà không ngại liên lụy sao?

     Tôi cười:

     - Sợ, thì cháu đã không có mặt ở đây thưa cô!

     Cô Bình giàu có. Thương nhân chỉ quan tâm tới làm ăn và cầu mong yên ổn. Cô bỏ lại tất tật của cải ở Đà Nẵng chạy vào Sài Gòn. “Bỏ của chạy lấy người!” Tuy nhiên, như cô nói, chồng cô có vướng chút “bụi”. Chú là thiếu tá ngụy nhưng chuyên ngành tin học. Không phải đi cải tạo. Chỉ cần trình diện và học tập ít ngày. Còn anh Triệu lại làm công việc văn phòng. Bỗng con gái lớn anh Triệu tung ra một câu:

     - Phúc đức là gia đình chúng ta không ai có nợ máu!

     Mẹ anh Triệu giật thót người:

     - Lạy Chúa lòng lành! Cháu nói gì mà rợn cả người?

     Cô Bình hỏi:

     - Nghe tin ngoài Bắc sống phân phối?

     Tôi bật cười về cách dùng từ của cô:

     - Vâng. Phân phối để đủ dùng. Ăn no và mặc ấm. Cô thấy cháu đủ khỏe để “thần tốc” vào đây!

     - Giỏi! Một lúc cô chưa thể hiểu hết anh.

     - Cô sẽ hiểu nhanh thôi mà. Chắc mọi người Sài Gòn đều biết linh mục Nguyễn Ngọc Lan, làm việc ở Tạp chí “Đứng Dậy”, rồi “Đối Diện” thời Mỹ - ngụy. Giải phóng rồi lại là “Đồng Dao”. Ông mới có một phóng sự in dài kỳ về những khó khăn đời sống của Hà Nội, của người Hà Nội. Để cuối cùng, ông có lời kết: “Phong cách người Hà Nội là nhịn ăn để mặc. Còn người Sài Gòn là nhịn mặc để ăn. Nhưng người Hà Nội hai chục năm qua đã phải nhịn cả ăn lẫn mặc, để vì một thứ cao quý hơn rất nhiều, đó là Tự do và Độc lập”.

     - Linh mục Nguyễn Ngọc Lan chịu chức ở La Mã – con gái anh Triệu góp chuyện – hình như ông làm báo cùng linh mục Chân Tín?

     - Đúng thế. Các linh mục sống trong lòng Mỹ - ngụy mà lại dám “Đối Diện”, “Đứng Dậy”. Thật là quý!

     - Cô cứ lo lo anh à – cô Bình dè dặt – liệu cứ để hai miền, có khi tránh được thương vong…

     - Năm còn hội đàm ở Paris – tôi nói – Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có lần qua viếng thăm Tòa thánh Vatican. Đức Giáo hoàng Paul VI cũng đã có ý kiến như vậy, và Người còn dùng tới thành ngữ “huynh đệ tương tàn”. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã thưa với Người rằng, đây là cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ. Và ông cũng đặt ra một câu hỏi với Người, rằng, nếu có một đạo quân nào đó đến đánh chiếm Đất Thánh của Người, thì Người có bảo vệ không?

     Cả nhà lặng im. Rồi chồng cô Bình nói:

     - Tôi có nghe chuyện đó. Vào thời ông Thiệu làm Tổng thống. Kể cũng phải. Nếu không có Mỹ thì hai năm sau năm 1954 đã có Tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève.

     Cô Bình phát nhẹ vào đùi chồng:

     - Một tháng đi học tập không uổng! Ông thiếu tá cũng vỡ ra nhiều điều. Rồi cô than: - Nhưng nhanh quá. Xốc. Không tưởng tượng nổi. Mà Mỹ nó cũng chán chường, bỏ mặc ông Thiệu để chạy lấy người.

     - Vâng thưa cô! Chúa Jésus đã chẳng trả lời quan Philato, rằng, của Thiên Chúa thì trả về cho Thiên Chúa. Còn của César hãy trả lại cho César đó sao? Đất Việt là của người Việt Nam ta mà.

     Cả nhà cùng cười vang. Xem chừng đã hoàn toàn thoải mái.    

     Anh Triệu ngắm lại tôi một lượt từ đầu đến chân, rồi nói:

     - Nhà báo cộng sản mà thuộc Phúc Âm Thiên Chúa tới thế ư?

     - Vâng. Phúc Âm thời Jésus là chân lý.

     Thực ra anh Triệu có ghi nhật ký giải phóng, đưa cho tôi xem. Từ khi có Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột, cho tới xuống miền Trung giải phóng Đà Nẵng. Rồi thừa thắng xốc tới với Chiến dịch Hồ Chí Minh thẳng tiến giải phóng Sài Gòn. Chi tiết ngày giờ, sự kiện, lại ghi cả cảm xúc. Chỗ nào cần nhấn anh dùng bút mực đỏ gạch chân. Khá hay. Như một cuốn phim tài liệu.

     Nghe tôi kể chuyện nhà mà Mashuda cười rũ. Chị bảo tôi thuyết khách tài. Lại bạo gan thuyết phục ngay chính người thân nhà mình.

Mashuda tính với tôi theo số học. Có ba đại lượng: Mỹ hơn Việt Nam về tiềm lực kinh tế và tiềm lực quân sự. Việt Nam hơn Mỹ về ý chí, mà ý chí là khái niệm khôn lường. Tôi bật cười: Tiềm lực kinh tế và quân sự của Việt Nam cũng khôn lường như ý chí. Kinh tế Việt Nam có tiềm lực trong dân, tự cung tự cấp. Đá bóng trên sân nhà có lợi thế là vậy! Quân sự ư? Việt Nam có chiến tranh du kích, thoắt hiện, thoắt ẩn. Mỗi người dân đều có thể tự chặt cây tre ở vườn nhà mình ra vót những cây chông nhọn, làm bàn chông, găm thành qủa chông, loại vũ khí thô sơ mà ám ảnh kẻ địch đến nhụt ý chí thậm chí khiếp đảm. Đến đàn ong cũng còn biết kéo ra từng bày đốt giặc thì kinh khủng qúa đi. Tôi nắm tay chị, đọc câu thành ngữ “Rừng che bộ đội rừng vây quân thù”. Chị tròn mắt nhìn tôi. Vâng. Tinh thần dân tộc ấy mà. Vùng Casmia của đất nước chị giáp với Ấn Độ cũng thế thôi.

Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Bộ Văn hóa - Thông tin năm đó, anh Vương Thịnh, có lưu ý tôi, khóa học này nằm trong thời gian có ngày Quốc khánh Việt Nam mồng 2 tháng 9. Họ sẽ chúc mừng. Anh chuẩn bị qùa. Tôi mang theo hai chai rượu Lúa Mới, cùng với một cân lạc rang húng lìu nổi tiếng của cửa hàng bà Vân ở phố Bà Triệu. Đúng như dự đoán. Phòng họp nhỏ khách sạn Dreamland nơi chúng tôi ở được chọn làm nơi tụ hội. Các học viên đều là những người chuyên sản xuất các chương trình truyền hình của các đài truyền hình thuộc các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cùng các giáo sư, chuyên gia truyền thông của Học viện AIBD. Chưa ai tới Việt Nam. Trừ Julian, giáo viên dạy quay phim và dựng phim người Malaysia. Họ nâng ly chúc mừng tôi, chúc mừng Việt Nam. Họ khen vodka Việt Nam ngon. Khen lạc rang húng lìu của Việt Nam ngon và độc đáo. Tôi bỗng trở thành người đại biểu của Việt Nam anh hùng mặc dù thân phận tôi sao xứng. Và tôi cũng là tâm điểm để họ hỏi chuyện về Chiến thắng lịch sử 30 tháng 4 năm 75, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về hai cuộc chiến tranh ái quốc chống Pháp và chống Mỹ. Tôi tin là họ chân thành khi bầy tỏ lòng khâm phục Việt Nam là một nước nghèo như hai quốc gia có học viên đang ngồi tại đây: Banglades và Sri Lanka, mà lại làm nên một kỳ tích lịch sử đánh bại một đế quốc lớn, thống nhất đất nước, làm chấn động dư luận thế giới.

Cuối buổi họp mặt, không phải tôi mà là chị Mashuda, đúng là một bình luận viên thời sự quốc tế có hạng, chị tổng kết về ba cuộc chiến tranh ái quốc của Việt Nam trong 30 năm giữa thế kỷ XX: Chống chế độ thực dân kiểu cũ (Pháp), Chống chế độ thực dân kiểu mới (Mỹ), và Chống bành trướng. Vừa sung sướng vừa sửng sốt, tôi hỏi, chị dựa vào khái niệm nào mà đặt tên cho các cuộc chiến tranh ái quốc của đất nước tôi như thế? Mashuda lập luận: Đưa quân xâm chiếm quốc gia khác theo truyền thống là thực dân kiểu cũ. Dùng viện trợ để chỉ đạo chiến tranh cục bộ, là thực dân kiểu mới. Dùng sức mạnh nước lớn o ép nước bé liền kề, là chủ nghĩa bành trướng.

Qúa bất ngờ và lòng tràn đầy tự hào về Tổ quốc  mình, tôi đứng lên cầm ly rượu: “Thank you very much Mashuda!” Cả phòng họp ròn rã tiếng vỗ tay.

Một lần, vào ngày nghỉ cuối tuần, Mashuda lái xe đón tôi đến nhà chị. Chị sống độc thân. Tôi ngạc nhiên thấy trong phòng khách có treo một bức ảnh cắt báo một phụ nữ nhỏ bé đang áp giải một lính Mỹ cao lêu đêu. Thì ra chị phụ trách thời sự quốc tế khu vực Đông Nam Á. Tôi cũng hiểu thêm ra vì sao chị qúy tôi. Tôi đọc cho chị nghe lời chú thích của bức ảnh này in trên báo chí Việt Nam, là một câu thơ: “O du kích nhỏ giương cao súng, thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu!” Cả hai cùng cười vang. Tôi ngắm chị từ đầu tới chân, vẫn súng sính trong bộ đồ dài với khăn phủ đầu. Tôi nói: “Chị hãy bắt chước Thủ tướng Bhutto. Năm 18 tuổi, bà là người phụ nữ Hồi giáo đầu tiên bỏ mạng che mặt, mặc quần bò jean, tới Mỹ học Đại học Harvard!”

Chị mỉm cười: “Nếu tôi có dịp đến Việt Nam, tôi cũng sẽ làm như thế!”

Nhiều năm sau và tận tới bây giờ, hình ảnh Mashuda vẫn in sâu trong tâm trí tôi, nhờ chương trình truyền hình của chị, mà người dân Pakistan hiểu và biết Việt Nam, yêu qúy Việt Nam mà tôi là người hưởng lợi từ tình yêu đó.

Mashuda! Giờ chị đang ở nơi nao và sống ra sao? Cứ mỗi lần nghe tin đánh bom khủng bố là tôi lại nhớ chị và liên tưởng tới lần chúng ta cùng đi tới biên giới với Afghanistan. Tôi nhớ tới chị vì đất nước tôi giờ rất yên bình. Tôi nhớ tới chị còn vì sắp tới Ngày 30 tháng Tư. Xốn xang kỷ niệm. Và lẽ nào tôi không còn có dịp được thấy chị mặc quần bò jean bỏ khăn che mặt như chị hứa khi tới Việt Nam sao? Mashuda!                                                      

          Đêm 12 – 4 - 2011

Hồi ký của Khiếu Quang Bảo

Bình luận
vtcnews.vn