Tên lửa Mỹ ‘mới, đẹp, thông minh’ hóa ra tầm thường, bị đánh chặn gần hết

Thế giớiThứ Bảy, 14/04/2018 17:12:00 +07:00

Trong vụ không kích ngày 14/4 do Mỹ dẫn đầu, ước tính sơ bộ có hơn 100 tên lửa hành trình được sử dụng nhưng những tên lửa này bị lực lượng phòng không Syria bắn hạ gần hết.

Ngày 14/4, Mỹ cùng Anh, Pháp phát động vụ không kích nhằm vào nhiều mục tiêu dân sự và quân sự tại Syria, ước tính sơ bộ có hơn 100 tên lửa hành trình được sử dụng, trong số này có “sứ giả chiến tranh”Tomahawk được Tổng thống Mỹ Donald Trump mô tả là “mới, đẹp và thông minh”.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng phòng không của Quân đội chính phủ Syria (SAA) bắn hạ hầu hết số tên lửa mà Mỹ cùng các đồng minh ồ ạt phóng vào nước này. Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, quân đội Nga không tham gia đánh chặn các tên lửa này và cho biết không có bất cứ tên lửa nào xâm nhập vùng phòng không của Nga tại Syria.

Press TV dẫn nguồn tin Syria cho biết, có tổng cộng 103 tên lửa được Mỹ, Anh và Pháp dùng trong cuộc không kích. Tuy nhiên, các hệ thống phòng không của Syria bắn hạ được 71 tên lửa trong số đó.

1052386713

 Khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Ross (DDG-71) phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria ngày 10/4/2017. (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, lực lượng phòng không Syria sử dụng các tổ hợp phòng không được Liên Xô sản xuất từ 30 năm trước để đánh chặn tên lửa hành trình: “Các hệ thống phòng không của Syria, bao gồm hệ thống S-125, S-200, Buk và Kvadrat được huy động để ngăn chặn vụ không kích”.

Tomahawk mạnh cỡ nào?

Tên lửa hành trình Tomahawk, được mệnh danh là “sứ giả chiến tranh”, là tên lửa được trang bị trên các chiến hạm cũng như tàu ngầm của Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh. Tomahawk được đưa vào biên chế từ năm 1983 và được sử dụng cho tới tận ngày nay, loại tên lửa này có khả năng mang nhiều loại đầu đạn khác nhau trong đó có đầu đạn hạt nhân.

Trong 35 năm qua, tên lửa hành trình Tomahawk liên tục được nâng cấp để tăng khả năng tác chiến, trong đó đáng chú ý nhất là việc trang bị hệ thống để tiếp nhận thông tin từ hàng loạt cảm biến khác nhau có mặt trên chiến cơ, UAV, vệ tinh, xe tăng, chiến hạm và thậm chí là từ các nhóm trinh sát dưới mặt đất.

1023076029

 Tên lửa hành trình Tomahawk. (Ảnh: Justin Owens)

Năm 2016, Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos thực hiện dự án đột phá với tham vọng sử dụng nhiên liệu trong tên lửa chưa được dùng hết trong quá trình bay để tăng sức công phá của Tomahawk.

Thậm chí, Mỹ được cho là đang phát triển phiên bản tên lửa siêu thanh dựa trên cơ sở tên lửa hành trình Tomahawk với động cơ phản lực dòng thẳng, cho phép tên lửa đạt được vận tốc tối đa là Mach 3, tức là nhanh hơn 3 lần so với vận tốc âm thanh.

Điểm nguy hiểm của tên lửa hành trình Tomahawk là tên lửa này có thể bay ở độ cao thấp và rất thấp, khoảng 30-50 m so với mặt đất, đồng thời có khả năng thay đổi đường bay để tránh bị phát hiện cũng như giảm khả năng bị các hệ thống tên lửa phòng không đánh chặn.

Chuyên gia quân sự Nga từng nhận định, tên lửa hành trình Tomahawk là mục tiêu hết sức phức tạp và không có bất cứ quốc gia nào đủ khả năng đánh chặn 100% tên lửa hành trình này, đặc biệt trong trường hợp cả loạt tên lửa Tomahawk được phóng vào mục tiêu.

Video: Khu trục hạm Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria tháng 4/2017

Quân đội Mỹ và đồng minh nhiều lần phóng hàng loạt tên lửa hành trình Tomahawk, điển hình là vào năm 1991 với 288 tên lửa trong Chiến tranh Vùng vịnh, ngày 16/12/1998 với 325 tên lửa đồng loạt phóng vào Iraq, đầu năm 1999 với 218 tên lửa tấn công các mục tiêu của Nam Tư. Tính riêng tại Syria tới thời điểm này, có 2 vụ phóng tên lửa Tomahawk vào ngày 10/4/2017 và ngày 14/4/2018.

Điểm yếu

Tuy nhiên, điểm yếu của Tomahawk dẫn tới việc dễ dàng bị bắn hạ hay sai mục tiêu là khả năng dẫn đường và tốc độ.

Hệ thống dẫn đường của Tomahawk không thể hoạt động được khi phải tìm mục tiêu ở các khu vực phức tạp.

Cơ chế dẫn đường tốt nhất của Tomahawk là TERCOM, đòi hỏi các bản đồ vệ tinh về đường bay và mục tiêu cần phải nạp sẵn vào hệ thống máy tính của tên lửa trước khi nó được phóng đi. Điều đó có thể khiến Tomahawk bay nhầm đường do thông tin tình báo từ các hình ảnh vệ tinh sai dẫn đến các tham số về tọa độ, góc bay sai so với thực tế và khiến tên lửa không bao giờ đến được mục tiêu.

1025479855 3

Khu trục hạm mang tên lửa có điều khiển USS Lassen (DDG-82) phóng tên lửa Tomahawk. (Ảnh: Stuart Rankin)

Cơ chế dẫn đường tiếp theo mà Tomahawk sử dụng là DSMAC, cho phép tên lửa cập nhật hành trình và tọa độ mục tiêu liên tục trong quá trình bay. Nhưng nhược điểm lớn nhất của hệ thống này là dễ bị đánh lừa bởi các hệ thống ngụy trang gây nhiễu. Các thiết bị làm nhiễu hồng ngoại có thể khiến quả tên lửa bị trục trặc trong quá trình bay.

DSMAC cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, mưa gió hoặc bão có thể cản trở tín hiệu dẫn đường được truyền và gửi liên tục tới tên lửa khiến quá trình điều chỉnh quỹ đạo đường bay bị gián đoạn, dẫn đến việc thiếu chính xác.

Bên cạnh đó, dù Tomahawk có thể bay 800 km/h nhưng tốc độ này vẫn chậm, khiến nó có thể dễ dàng bị đánh chặn bởi pháo phòng không hay tên lửa vác vai. Thêm vào đó, chiến thuật phóng một lúc nhiều tên lửa với quỹ đạo bay giống nhau của Mỹ khiến việc đánh chặn loại tên lửa này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi đối phương có đủ thông tin tình báo và thời gian thiết lập một hệ thống phòng không nhiều tầng.

1063540356 4

 Tên lửa phòng không Syria xé toạc màn đêm lao lên đánh chặn tên lửa của liên minh Mỹ - Anh - Pháp, ngày 14/4/2018. (Ảnh: AP)

Trong vụ phóng tên lửa tháng 4/2017, Mỹ tuyên bố 58 trong tổng số 59 tên lửa Tomahawk bắn trúng mục tiêu và phá hủy sân bay quân sự Shayrat của Syria, tuy nhiên các nguồn tin và hình ảnh cho thấy sân bay này không bị thiệt hại nặng nề và có đến 36 tên lửa Tomahawk “mất tích” trên đường bay.

Ngày 14/4, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu phóng 103 tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu dân sự và quân sự của Syria, Lầu Năm Góc tuyên bố các tên lửa này đánh trúng mục tiêu.

Tuy nhiên, thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga và cả những thước phim hiện trường cho thấy lực lượng phòng không Syria đánh chặn được 71 trong số 103 tên lửa “mới, đẹp và thông minh” này của Mỹ.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn