Tên lửa chưa từng được thử nghiệm của Triều Tiên mạnh cỡ nào?

Thế giớiThứ Hai, 04/12/2017 17:52:00 +07:00

Rạng sáng 28/11, Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-15 hoàn toàn mới và nước này vẫn còn 1 loại tên lửa từng xuất hiện trong lễ duyệt binh tháng 4/2017 nhưng chưa được thử nghiệm.

Triều Tiên thực hiện thử nghiệm tên lửa Hwasong-15 (Hỏa tinh 15) vào rạng sáng 29/11 theo giờ Việt Nam, đây là loại tên lửa hoàn toàn mới do nước này phát triển và đây cũng là lần đầu tiên Triều Tiên thực hiện thử nghiệm loại tên lửa này.

Nếu tinh ý, người ta sẽ nhận thấy Hwasong-15 là 1 trong 2 mẫu tên lửa bí ẩn xuất hiện vào Lễ duyệt binh Kỷ niệm Ngày Mặt trời, diễn ra vào ngày 15/4/2017.

Trong lễ duyệt binh này, có 2 mẫu tên lửa bí ẩn xuất hiện, 1 mẫu được đặt trên xe kéo và được cho là Hwasong-15, mẫu còn lại được đặt trên xe chuyên dụng 16 bánh.

BCT 3 01

 Tên lửa Pukguksong-3 trên tấm áp phích tại Viện Vật liệu Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, phần khoanh đỏ là tên của tên lửa này trong tiếng Triều Tiên. (Ảnh: KCNA)

Trong tấm ảnh chụp chuyến thăm Viện Vật liệu Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên của Chủ tịch Kim Jong-un, bức áp phích ghi tên của loại tên lửa mới chưa từng được Triều Tiên thử nghiệm xuất hiện. Đó là tên lửa Pukguksong-3 (Bắc Cực tinh 3, tiếng Triều Tiên: 북극성-3).

Họ tên lửa Pukguksong của Triều Tiên được cho là sử dụng nhiên liệu rắn, khác với họ tên lửa Hwasong sử dụng nhiên liệu lỏng. Trong đó tên lửa Pukguksong-1 là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm có tầm bắn ước tính từ 1.250 km đến 2.500 km và Pukguksong-2 là tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn ước tính từ 1.200 km đến 2.000 km.

imagesvc.timeincapp.com

 Bệ phóng di động được cho là của tên lửa Pukguksong-3 xuất hiện trong lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Mặt trời của Triều Tiên, tháng 4/2017. (Ảnh: KCNA)

Triều Tiên được cho là thực hiện 12 vụ thử nghiệm tên lửa Pukguksong-1 và 2 vụ thử nghiệm tên lửa Pukguksong-2, song chưa thử nghiệm tên lửa Pukguksong-3 lần nào.

Tên lửa Pukguksong-3 được cho là gồm 3 giai đoạn phóng, với tầm bắn ước tính hơn 3.000 km và có kích thước lớn nhất trong họ tên lửa Pukguksong tính cho đến thời điểm hiện tại.

Ưu điểm của tên lửa nhiên liệu rắn là có thể triển khai phóng trong thời gian ngắn hơn so với tên lửa dùng nhiên liệu lỏng do thời gian triển khai nhanh hơn, nhờ đó chúng khó bị phát hiện hơn.

Tuy nhiên công nghệ tên lửa nhiên liệu rắn phức tạp hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng, đây là lý do Triều Tiên được cho là sẽ không thử nghiệm Pukguksong-3 trong năm 2017 mà dời sang năm 2018.

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn