Tây du ký hài: May mà không chiếu Tết!

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 03/03/2013 12:57:00 +07:00

Đạo diễn Lê Bảo Trung từng bày tỏ sự lo ngại: Chẳng có “quả bom tấn” nào của Mỹ đáng sợ bằng ba chữ… Châu Tinh Trì!

Đạo diễn Lê Bảo Trung từng bày tỏ sự lo ngại: Chẳng có “quả bom tấn” nào của Mỹ đáng sợ bằng ba chữ… Châu Tinh Trì!


Journey To The West (tên tiếng Việt là Tây du ký – Mối tình ngoại truyện) ra mắt khán giả Việt Nam từ 20/2 là liên tục sốt vào những ngày cuối tuần tại các cụm rạp ở khu vực trung tâm TP.HCM. Nhà phát hành bộ phim, Megastar, cho biết, sau gần 2 tuần công chiếu, bộ phim vẫn trụ tại các rạp lớn trong các cụm rạp Megastar trên cả nước.

Đạo diễn Lê Bảo Trung từng bày tỏ sự lo ngại: Chẳng có “quả bom tấn” nào của Mỹ đáng sợ bằng ba chữ… Châu Tinh Trì! Hôm xem xong buổi ra mắt bộ phim mới nhất của đạo diễn họ Châu, Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện, tôi chợt nhớ đến câu nói của Trung và nghĩ thầm: Thật may mà phim này không chiếu Tết!...
Châu Tinh Trì
Xung quanh dị nhân làng điện ảnh

…May ở đây là may cho các phim Việt, khi giờ chốt – có lẽ là muốn ủng hộ các nhà làm phim nội địa trong mùa “gặt hái” lớn nhất trong năm – nhà phát hành Megastar đã rút phim này ra khỏi danh sách phim ngoại chiếu Tết Nguyên đán 2013, chứ không thì các phim Việt năm nay sẽ đụng phải một con “khủng long phòng vé” khó lòng mà đạt doanh thu như ý.

Khoảng 20 năm trở lại đây, Châu Tinh Trì (xin gọi tắt tên anh là Tinh) gần như là diễn viên nước ngoài được yêu thích nhất của đông đảo người hâm mộ Việt Nam. Ngoài việc gần như chiếm được cảm tình tuyệt đối của khán giả bình dân, phong cách hài thông minh dí dỏm của anh cũng chinh phục không ít khán giả tri thức!

Thử nhìn sang Trung Quốc, chỉ trong ngày đầu tiên ra rạp mùng 1 Tết (10/2/2013), Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện đã phá kỷ lục phòng vé với doanh thu 78 triệu nhân dân tệ (12,5 triệu đô-la Mỹ) – tức khoảng 256 tỷ đồng Việt Nam! Và tính đến nay, chỉ riêng thị trường Trung Quốc doanh thu của phim đã lên hơn 1 tỷ nhân dân tệ 160,3 triệu đô-la Mỹ)! Quá khủng!
Hình ảnh trong Tây du ký mới của Tinh. 
Có thể nói đây là phim bạo lực nhất, nhưng cũng là phim thông minh sáng tạo nhất của Châu Tinh Trì từ trước đến nay. Thật ra thì phim nào của Tinh cũng có cảnh hành động bạo lực, nhưng thường phục vụ cho ý đồ hài hước, chứ không gây kinh hãi.

Còn phim này thì mức độ bạo lực và tạo hình ghê rợn của các nhân vật yêu quái được đẩy cao hơn rất nhiều. Nhưng thực chất nếu có sự sợ hãi ở đây, thì chỉ là ngại dẫn đám trẻ con đi xem thôi (mà chưa chắc chúng đã sợ!), bởi các nhân vật quen thuộc trong Tây Du Ký giờ đây khác xa hoàn toàn với bất cứ sự tưởng tượng nào của người xem.

Đó cũng là lý do hiện phim này ở Trung Quốc đang có 2 luồng dư luận trái ngược, ủng hộ lẫn chỉ trích dữ dội (càng tỷ lệ thuận với doanh thu đang leo cao vùn vụt!).

Tây Du Ký là một trong những áng văn kỳ ảo bậc nhất của nhân loại. Đụng đến Tây Du Ký không phải chuyện đùa với những fan hâm mộ khắp bốn phương của tác phẩm này.

Trước nay cũng có nhiều bộ phim Tây Du Ký cải biên cho khác đi với nguyên bản, nhưng thường là ở mức độ vừa phải nên có thể chấp nhận được (trong số đó có 2 phiên bản khá đình đám mà Tinh đóng vai chính, A Chinese Odyssey phần 1 và phần 2, năm 1994).

Thật ra, ai xem phim Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện mà chỉ trích Tinh là hơi thiếu bất công với anh. Tuy đây là lần thứ ba cải biên Tây Du Ký, nhưng thực chất Tinh chỉ mượn cái tựa và tên của một vài nhân vật như Trần Huyền Trang (chưa là Đường Tăng Tạng), Tề Thiên Đại Thánh (Chưa là Tôn Ngộ Không), Trư Cang Liệp (chưa là Trư Bát Giới), và Ngư Tinh (chưa là Bạch Long Mã)… còn lại bắt đầu từ kịch bản trở đi – tất cả đều xuất phát từ trí tưởng tượng xuất chúng của anh.

Điểm độc đáo nhất và cũng là yếu tố nhạy cảm nhất của bộ phim chính là việc lần đầu tiên có người dám đưa nhân vật Đường tăng Trần Huyền Trang – một huyền thoại có thật và cũng là vị cao tăng rất được kính trọng trong lịch sử Phật giáo – làm nhân vật trung tâm trong thế giới giễu nhại hài hước của Châu Tinh Trì.

Trong nguyên bản Tây Du Ký, nhân vật Đường Tăng Trần Huyền Trang là nhân vật chán nhất, vậy mà trong Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện, Tinh đã đảo ngược hoàn toàn! Một điều đáng tiếc là Tinh chỉ đứng sau máy quay, chứ không hề đóng bất cứ một vai nào trong phim!
Đáng tiếc là ở Tây du ký mới, Tinh không đóng một vai nào như các phim trước của anh. 
Bước ngoặt thứ ba trong sự nghiệp

Sự nghiệp của Tinh có thể chia ra làm ba giai đoạn: Giai đoạn đầu là lúc khởi nghiệp đầy chông gai ở Đài TVB đầu thập niên 1980. Trong khi người bạn mà anh rủ rê cùng thi vào TVB là Lương Triều Vỹ trở thành gương mặt sáng chói trong “Ngũ hổ tướng” của truyền hình Hong Kong, thì vai trò “nổi bật” của Tinh chỉ là một người dẫn chương trình thiếu nhi, và là một “chuyên gia” đóng vai phụ trong các bộ phim truyền hình.

Ngụp lặn mãi mà không có tương lai, Tinh đã tính bỏ nghề, thì may sao diễn viên kiêm đạo diễn Lý Tu Hiền mời anh đóng một vai phụ trong phim Tích Lịch Tiên Phong năm 1988. Tuy là bộ phim đầu tiên tham gia, nhưng Tinh đã giành được giải Kim Tượng lần thứ 25 cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất, mở ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp của anh.

Kể từ đây, Tinh gần như chuyển hẳn sang điện ảnh, nơi anh phát hiện ra khả năng hài hước vô song của mình, một lối hài tỉnh như không, nhưng khán giả cứ thấy anh xuất hiện là chuẩn bị cười.

Tính từ bộ phim đầu tiên Tích Lịch Tiên Phong năm 1988, đến bộ phim Quan xẩm lốc cốc năm 1994, tổng cộng Tinh đã đóng 40 phim hài, trong đó 90% là vai chính! Điều thú vị là hầu hết các vai diễn của anh đều lấy tên là Tinh!
Châu Tinh Trì và Trương Mẫn. 
Cũng từ năm 1994, sự nghiệp của Tinh rẽ sang bước ngoặt thứ ba quan trọng nhất: Tự viết kịch bản và trở thành đạo diễn với bộ phim đầu tay, Quốc sản 007. Trong khoảng thời gian từ 1994 đến 1999, Tinh vẫn tiếp tục đóng vai chính thêm 12 phim nữa, trong đó có 4 phim anh kiêm biên kịch và đạo diễn.

Khoảng dừng 2 năm của Tinh là để anh lao vào nghiên cứu kỹ xảo kỹ thuật số, đang phát triển thần tốc. Cùng với thần tượng muôn đời là Lý Tiểu Long, Tinh còn rất hâm mộ những chi tiết tưởng tượng kỳ diệu trong thế giới truyện tranh Nhật Bản. Anh thật sự muốn áp dụng công nghệ số để biến những chi tiết hài không tưởng mà anh ấp ủ bấy lâu thành sự thật.

Năm 2001, Tinh gây chấn động làng điện ảnh châu Á với bộ phim Đội bóng Thiếu Lâm, trong đó anh đã làm hoa mắt khán giả với những kỹ xảo đẩy các tình huống hài lên đến cực điểm. Kể từ đó, thương hiệu phim hài kỹ xảo gắn liền với tên tuổi của anh, còn khán giả thì chờ mong và mãn nhãn với những chiêu trò mà chỉ những “dị nhân” như anh mới nghĩ ra!

Mỗi bộ phim của Tinh trong giai đoạn sau này đều có sự chăm chút đầu tư tìm tòi và sáng tạo tuyệt đỉnh. Khoảng cách giữa các phim đều từ 3 năm trở lên (với Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện là 5 năm), chứ không còn kiểu làm phim như “gà mái đẻ” trước đây (năm 1990, Tinh từng lập kỷ lục đóng vai chính 11 phim!).

Bóng dáng của Charles Chaplin

Không thể so sánh bất cứ ai với thiên tài Charles Chaplin. Nhưng con đường mà Tinh đi hiện nay có bóng dáng từ ông vua hề của nhân loại. Cũng xuất thân nghèo khổ, cũng lận đận trong bước đường sự nghiệp đầu đời, và thực sự nổi danh như cồn khi trở thành ngôi sao hài. Đóng dấu thương hiệu khi vừa đóng vai chính, kiêm biên kịch và đạo diễn.
Chưa một nghệ sĩ nào có được sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú như Châu Tinh Trì.Tuy nhiên, yêu thích hay khó chịu với nhữngsáng tạo đó, cái đó còn tùy ở mỗi khán giả.
Tinh còn giống Charles Chaplin ở chỗ luôn thích sử dụng các mỹ nhân trong phim của mình. Anh thích khám phá các gương mặt mới, cho họ một cơ hội tốt… đồng thời cũng thích “cặp kè” với các mỹ nhân xuất hiện trong phim của mình.

Thực sự không ít các mỹ nhân từ vô danh đến hữu danh, đã “lên hương” khi tham gia đóng phim cùng Tinh như: Mạc Văn Úy, Chu Ân, Khưu Thục Trinh, Thư Kỳ, Trương Bá Chi, Huỳnh Thánh Y, Trương Vũ Kỳ… Giới truyền thông  thường gọi các mỹ nhân của anh là “Tinh nữ lang” (để phân biệt với “Mưu nữ lang” – những mỹ nhân xuất hiện trong phim của Trương Nghệ Mưu).

Tinh chỉ khác Charles Chaplin ở một yếu tố – nhưng rất quan trọng: Dù đóng gần 60 phim hài, nhưng tên tuổi của anh chỉ lên ngôi ở khu vực Đông Á, chứ chưa phổ biến rộng khắp năm châu bốn biển.

Sự sáng tạo, ngôn ngữ và kiểu hài “nhảm” của anh – dù đã lên đến đỉnh – vẫn còn chưa được những thị trường lớn (Mỹ và châu Âu) chấp nhận. Tinh đã ngoài 50 tuổi (sinh năm 1962), liệu có còn đủ thời gian cho anh bứt phá?

Theo Bá Vũ (Thể thao & Văn hóa cuối tuần)

Bình luận
vtcnews.vn