'Taxi điện trên không ở đô thị' - chuyên gia lên tiếng

Kinh tếThứ Ba, 21/02/2017 14:11:00 +07:00

Các chuyên gia lên tiếng về ý tưởng triển khai taxi điện trên không nằm trong giải pháp chống kẹt xe ở các đô thị lớn nước ta.

Đề án taxi điện trên không khá táo bạo nhưng các chuyên gia không đánh giá cao đề án này. Có chuyên gia giao thông nhận xét taxi điện trên không chỉ ngang cáp treo.

Năng lực vận chuyển thấp

Ông Trần Thanh Sơn, một kỹ sư đang làm việc tại TP.HCM, mới đây đã công bố ý tưởng xây dựng hệ thống “taxi điện trên không” như một giải pháp mà ông cho rằng “có thể giải quyết được mọi vấn đề tình trạng giao thông kẹt cứng tại các thành phố lớn hiện nay”.

A1

 Mô hình taxi điện trên không của KS Trần Thanh Sơn.

Hệ thống “taxi điện trên không” của kỹ sư Trần Thanh Sơn là hệ thống taxi phổ thông, tự động, không người lái, sử dụng điện, chạy trên hệ thống đường trên cao, độc lập. Tốc độ chạy liên thông, trên dưới 50 - 60km/h trong khu vực thành phố và trên dưới 100km/h ở khu vực ngoại ô.

Kỹ sư Trần Thanh Sơn cho rằng, hệ thống này có ưu điểm thiết kế lắp ráp kết cấu nhẹ, bê tông đúc sẵn, thép tiền chế, chi phí rẻ tiền. Không ô nhiễm môi trường nhưng lại là hệ thống vận chuyển hành khách năng động nhất, tốc hành và hiệu quả nhất, không tốn điện tích mặt đất, có tính thẩm mỹ cao, đặc biệt thiết kế ở khu đô thị đông đúc là một giải pháp thấu đáo giải quyết vấn đề ách tắc giao thông ở các thành phố lớn trong hiện tại và trong tương lai.

Video: Lô cốt nhan nhản khắp đường TP.HCM, kẹt xe gia tăng

Ý tưởng của kỹ sư Trần Thanh Sơn đã nhận được nhiều ý kiến phản biện của các chuyên gia về giao thông đô thị.

Trả lời phóng viên báo điện tử VTC News, chuyên gia giao thông TS. Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học GTVT) nói: “Phương án xây dựng hệ thống taxi điện trên không không hiệu quả nếu đưa vào giải quyết bài toán giao thông của Hà Nội và TP.HCM".

Luong-Hoai-Nam

 

Đường phố nước ta đang dị dạng với xe cá nhân (đặc biệt là xe máy) so với đường phố các đô thị văn minh, hiện đại trên thế giới thế nào thì sửa cái "dị dạng" đó cho giống người ta đi đã. Khi đó nó sẽ bớt tắc.

Tiến sỹ Lương Hoài Nam.

Nguyên nhân, theo TS. Đinh Thị Thanh Bình, taxi điện trên không chỉ phù hợp trong những khu du lịch, vận chuyển khách từ sân bay ra bên ngoài và từ ngoài vào sân bay…

“Năng lực vận chuyển của taxi điện trên không chỉ ngang cáp treo nên không thể là giải pháp để giải quyết bài toán kẹt xe tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay,” TS. Đinh Thị Thanh Bình, nói.

“Một xe chở 6 khách, chạy đường dành riêng, nếu tính trung bình nửa phút (30 giây) một chuyến thì 1 giờ là 120 chuyến/làn. Như vậy, mỗi giờ vận chuyển được 720 khách/một hướng. Nếu so sánh lượng hành khách trên các trục chính đô thị Việt Nam từ 20.000 - 30.000 hành khách/giờ/hướng (trục nhỏ khoảng 15.000 khách/giờ/hướng) thì gấp gần 30 lần năng lực phục vụ của hệ thống taxi đó” – TS. Bình phân tích.

Theo TS. Bình, với năng lực vận chuyển chỉ khoảng 720 khách/giờ/hướng, taxi điện trên không còn thua xa xe buýt “khoảng 1300 – 1500 khách/giờ/hướng”.

TS. Bình cũng cho hay, xét về năng lực vận chuyển, ưu thế đang thuộc về đường sắt đô thị: “Năng lực vận chuyển đường sắt đô thị gấp nhiều lần taxi điện trên không. Trung bình, một toa chở khoảng 240 hành khách, chạy tần suất 2 phút/chuyến, tức là 30 chuyến/giờ. Mà mỗi tàu có 6 toa, nhân lên là 43.000 hành khách. Gấp rưỡi đến gấp đôi nhu cầu đi lại hiện nay”.

Cũng theo TS.Bình, hiện đường sắt đô thị chúng ta đang thiết kế 40.000 - 45.000 hành khách/giờ/hướng.

Giao thông đô thị đang “dị dạng”

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên báo điện tử VTC News, tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Lương Hoài Nam nói rằng, ông không ủng hộ “ý tưởng taxi điện trên không”.

A

 Ga hành khách theo thiết kế của KS Trần Thanh Sơn.

“Đường phố nước ta đang dị dạng, với xe cá nhân (đặc biệt là xe máy) so với đường phố các đô thị văn minh, hiện đại trên thế giới thế nào thì sửa cái "dị dạng" đó cho giống người ta đi đã. Khi đó, nó sẽ bớt tắc”, ông Lương Hoài Nam nói.

9-2015-chuyengiagt-hc-1

 

Năng lực vận chuyển của taxi điện trên không, chỉ ngang cáp treo nên không thể là giải pháp để giải quyết bài toán kẹt xe tại các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay.

TS. Đinh Thị Thanh Bình.

TS. Nam vốn rất nổi tiếng khi kiên trì với ý tưởng hạn chế phương tiện cá nhân (trong đó có loại bỏ dần xe máy) khi tham gia giao thông nội đô trong những năm qua.

Trong các tọa đàm hiến kế giải cứu giao thông tại Hà Nội và TP.HCM, ông Nam luôn đưa ra cảnh báo với số lượng xe gắn máy tăng chóng mặt, nếu cơ quan chức năng không có lộ trình cấm xe máy từ bây giờ thì vài năm nữa, đường sá sẽ không thể nhúc nhích được.

Chia sẻ với VTC News, chuyên gia giao thông Phạm Sanh khẳng định, hệ thống “taxi điện trên không RR” không thể giải quyết được tình trạng kẹt xe ở các thành phố lớn hiện nay.

Nguyên nhân, theo tiến sỹ Phạm Sanh, hệ thống taxi điện trên không không thể giải quyết được tình trạng kẹt xe ở thành phố vì số dân quá đông trong khi lượng xe hạn chế và nếu chẳng may hư hỏng thì lại kẹt xe, phức tạp hơn nữa.

“Giải pháp này không thực tế, và sẽ không hiệu quả để chống kẹt xe ở TP.HCM và Hà Nội. Trên thế giới cũng chưa có một nước nào thực hiện giải pháp taxi điện trên không để giải quyết vấn nạn kẹt xe. Giải pháp này chỉ hữu hiệu đưa đón khách tham quan trong ngành du lịch”, ông Sanh nói.

“Để “taxi điện trên không RR” hoạt động được cần phải đầu tư xe điện, tuyến đường trên không, hệ thống trạm, thang máy, tuyến ngã tư không giao nhau nên rất phức tạp, và khó đảm bảo được chất lượng và sự an toàn”, tiến sỹ Phạm Sanh quan điểm.

Theo ông, để giải quyết tình trạng kẹt xe cần phải nhận dạng được hậu quả vấn đề nghẹt, phải có tính thực tế và chuyên nghiệp chứ không thể đưa ra giải pháp mà không có tính toán, không có số liệu mô phỏng.

Ông Sanh cho biết: “Trong ngắn hạn là phải tận dụng hết khả năng mạng lưới giao thông hiện có và cải thiện tình hình tổ chức giao thông, kiên quyết không cho phép đào và tái lập mặt đường nữa; áp dụng từng phần hệ thống giao thông thông minh, ví dụ như tín hiệu giao thông.

Lâu dài, các giải phải cần dựa trên các kết quả nghiên cứu chuyên nghiệp. Ví dụ điều chỉnh lại các đồ án quy hoạch giao thông của TP.HCM, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị theo hướng tích hợp với quy hoạch giao thông vận tải, nghiên cứu bổ sung các quy chuẩn liên quan đến giao thông đô thị, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, sổ tay giao thông hàng năm…”.

Nói về phương án “gỡ rối” giao thông đô thị hiện nay, TS Lương Hoài Nam cho rằng “xe buýt sẽ là phương tiện để giải quyết bài toán đi lại của người dân”, ông Nam phát biểu tại tọa đàm hiến kế “giải cứu” giao thông TP.HCM hồi tháng 10 năm ngoái, được báo Tuổi trẻ trích đưa.

Theo ông Nam, hiện nay xe buýt và xe máy không thể chung sống trên một làn đường được. Tuy nhiên, cấm xe máy thì phải đầu tư song song các phương tiện công cộng đáp ứng việc đi lại. Đặc biệt, nên khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển xe. Cùng đó, phải phát triển hạ tầng để giải quyết kẹt xe.

Hoàng Hưng – Quang Hải
Bình luận
vtcnews.vn