Tàu Trung Quốc không được xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam

Thế giớiThứ Bảy, 20/07/2019 12:08:00 +07:00

Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS 1982.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 19/7 cho biết, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông.

nguoi_phat_ngon_agau

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. 

Tại cuộc họp báo ngày 16/7/2019, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng một lần nữa nhấn mạnh: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và các nước ở biển Đông đều là thành viên. Do đó, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS 1982, pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982…”

Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, các khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán  của Việt Nam.

Nơi đây, Việt Nam đang  tiến hành thăm dò khai thác dầu khí và đã xây dựng các cụm dịch vụ  mang tên DK, phù hợp với các quy định  về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60 UNCLOS 1982 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế và Điều 80 quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

tran_cong_truc_znyd

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ.

Điều 77 của UNCLOS1982 quy định các quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa. Theo đó, 1/ Quốc gia ven biển thực hiện các quyền thuộc chủ quyền đối với thềm lục địa về mặt thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của mình; 2/ Các quyền nói ở khoản 1 có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.

Như vậy đối với những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chỉ có Việt Nam mới có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Mọi hành động thăm dò và khai thác của quốc gia khác mà không được sự đồng ý và thỏa thuận của Việt Nam là xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

vov_nha_gian_iuge 3

Nhà giàn DK1/18. (Ảnh: Vũ Hạnh/VOV.VN) 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và quốc tế rất nhạy cảm và phức tạp hiện nay, trước những hành vi vi phạm nói trên, chủ trương nhất quán của Việt Nam là: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, thiện chí và sẵn sàng giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình.

Đây là chủ trương mang tính nguyên tắc, nhưng khi vận dụng trong thực tế, các lực lượng có liên quan còn xuất phát từ những diễn biến cụ thể về mức độ, phạm vi, tính chất của các vi phạm, tranh chấp… để có phương thức ứng xử thích hợp, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu  phía Trung Quốc tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật trên vùng biển Việt Nam.

PV/VOV
Bình luận
vtcnews.vn