Tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng có ý nghĩa thế nào với quan hệ Việt - Mỹ?

Thế giớiThứ Ba, 06/03/2018 11:26:00 +07:00

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nhận định ý nghĩa của sự kiện tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam.

Ngày 5/3, tàu sân bay USS Carl Vinson cùng tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer có chuyến thăm Việt Nam.

VTC News có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an về sự kiện này.

- Thưa ông, sự kiện tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam có ý nghĩa gì đối với quan hệ Việt - Mỹ?

Phải thấy rằng việc tàu chiến Mỹ đến thăm Việt Nam cũng là sự kiện bình thường, tàu chiến Mỹ đến khoảng 180 quốc gia rồi, nhưng nó thể hiện thông điệp quan hệ Việt - Mỹ được củng cố và ngày càng mang tính toàn diện như tuyên bố chung năm 2013. Toàn diện ở đây bao gồm cả kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, văn hóa…

IS-10 6

 Tàu sân bay USS Carl Vinson. (Ảnh: Tùng Đinh)

Tổng thống Mỹ Obama trước đây và Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay đều quyết tâm hiện thực hóa quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Vì thế, việc tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng là biểu hiện bước tiến mới trong mối quan hệ Việt Nam - Mỹ trên lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên xin nhắc lại sự kiện tàu Mỹ đến biển Đông là bình thường, tàu chiến Mỹ đến gần hai trăm quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.

- Trong thời gian qua, Mỹ bàn giao một số chiến hạm cỡ nhỏ cho Việt Nam. Theo ông, liệu có cơ hội hay khả năng Mỹ chuyển giao tàu chiến cỡ lớn sau chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson không?

Thực ra mà nói, việc chuyển giao, trao đổi hay việc Việt Nam mua tàu chiến lớn hơn của Mỹ không phải là điều dễ dàng. Mỹ không sẵn sàng chuyển giao các tàu chiến cho các nước lớn, không có chuyện cứ có tiền là mua được tàu chiến của họ, nên thứ nhất là tuỳ tiến bộ trong quan hệ Việt Nam và Mỹ. Thứ hai là tuỳ năng lực tài chính của Việt Nam, không đủ khả năng tài chính thì cũng không thể mua được.

Video: Cận cảnh bên trong tàu sân bay USS Carl Vinson

Sau chuyến đi này, khó có khả năng Mỹ sẽ chuyển giao tàu chiến hiện đại cho Việt Nam, do tiến bộ trong quan hệ Việt Nam và Mỹ có tốc độ còn chậm, đồng thời năng lực tài chính của chúng ta chưa cho phép.

Tuy nhiên Việt Nam cũng nên nghĩ đến phương án đa dạng hóa chủng loại vũ khí trong bối cảnh 70 năm nay chúng ta sử dụng vũ khí của Liên Xô và Nga để tránh bị động bất ngờ. Đây là chuyện bình thường và là nhu cầu chính đáng của Việt Nam.

- Theo ông, sự kiện tàu sân bay Mỹ tới thăm Việt Nam vào thời điểm hiện tại có gửi thông điệp nào hay không?

Quan điểm của tôi là chuyến thăm này của tàu sân bay Mỹ không mang theo thông điệp nào cả, bởi vì Việt Nam là quốc gia có chủ quyền và là thành viên của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam có toàn quyền hợp tác về quốc phòng và an ninh với mọi quốc gia trên thế giới, mục đích của việc hợp tác này là để bảo vệ đất nước, chứ không liên kết với bất cứ quốc gia nào để chống lại quốc gia khác.

Chúng ta có quyền mời tàu chiến hay cả trăm tàu ngầm Mỹ đến Việt Nam, đây là điều bình thường.

Việc tàu chiến, tàu sân bay hay tàu ngầm đến cảng Đà Nẵng hay nơi nào khác chỉ góp phần vào giữ gìn hòa bình, ổn định của khu vực này, điều này có lợi cho cả Việt Nam cũng như toàn bộ khu vực.

Sự xuất hiện của tàu sân bay hay các loại tàu chiến khác của Mỹ tại đây không gây chiến, không nhằm mục đích đe dọa ai.

IS-8 4

Tàu USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng là một sự kiện đặc biệt.

- Theo ông, vì sao tàu sân bay Mỹ chọn Đà Nẵng làm điểm đến thay vì Cam Ranh?

Việc chọn Đà Nẵng không phải là chuyện bây giờ mới có, trong lịch sử, trước khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam năm 1858, thì vào năm 1850 tàu thương mại của Mỹ tới Đà Nẵng rồi. Vào thời đấy, Mỹ muốn thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng triều đình nhà Nguyễn không đồng ý.

Lý do tàu sân bay Mỹ tới Đà Nẵng, thứ nhất là bởi Đà Nẵng là cảng quan trọng ở miền Trung, hướng về phía Biển Đông thì Đà Nẵng có tầm nhìn rộng hơn. Đấy là cách nhìn dưới con mắt của các chuyên gia quân sự và quốc phòng.

Cam Ranh là một trong những quân cảng tốt nhất hành tinh, quân cảng như Cam Ranh chỉ có khoảng 10 cảng như vậy trên thế giới với vị trí đắc địa, địa hình và thủy văn tuyệt vời. Trước đây Mỹ đóng quân tại Cam Ranh, sau đó ta để cho Liên Xô và Nga sử dụng, còn hiện tại không có hải quân nước ngoài thường trú tại đây. Việc tàu sân bay Mỹ vào Cam Ranh là điều không cần thiết vì điều này có thể gây hiểu nhầm.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn