Tàu ngầm Nga gặp nạn khiến 14 thủy thủ thiệt mạng là tàu ngầm tối mật?

Thế giớiThứ Tư, 03/07/2019 11:54:00 +07:00

14 thủy thủ thiệt mạng sau một vụ hỏa hoạn trên tàu ngầm biển sâu của Nga - được cho là một trong những khí tài tối tân tuyệt mật của nước này.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lửa được dập tắt nhờ sự hy sinh của thành viên đoàn, nhưng chưa đưa ra nguyên nhân sự cố hay tiết lộ liệu có người nào còn sống, theo Sky News.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, tai nạn xảy ra trong khi tàu chưa xác định tên – được cho là hoạt động với mục đích nghiên cứu đáy biển – đang thực hiện các bài kiểm tra. Tàu hiện được đặt ở cảng Severomorsk, căn cứ chính của Hạm đội phía Bắc, Liên bang Nga.

Theo Sky News, loại tàu gặp nạn là tàu lặn, thường nhỏ hơn tàu ngầm thông thường. Không giống như tàu lặn, tàu ngầm có thể hoạt động ở phạm vi rộng, tự động hóa và không cần hỗ trợ bề mặt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ thị điều tra toàn diện những gì đã xảy ra sau khi ông hủy một sự kiện và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga gấp để nghe thông tin về sự cố.

putin-7-6160-1561385955

Tổng thống Nga Vladimir Putin 

Cơ quan chức năng Na Uy ngày 2/7 nói họ không phát hiện mức phóng xạ cao bất thường sau khi tàu lặn bắt lửa trong khu vực biển Barents. Per Strand, Giám đốc cơ quan Phóng xạ và An toàn hạt nhân Na Uy, cho biết các quan chức Nga nói một vụ nổ gas đã xảy ra trên tàu.

Truyền thông Nga cho rằng đây là một trong những tàu ngầm bí mật nhất của nước này, tàu hạt nhân AS-12 Losharik, được thiết kế cho các nhiệm vụ nhạy cảm dưới sâu đáy đại dương – nhưng thông tin này chưa được xác nhận.

tau-ngam-nga1

Kích thước tàu Losharik so với các tàu khác.

Losharik đi vào hoạt động từ năm 2010, được đặt tên theo tên nhân vật hoạt hình thời Liên Xô – một con ngựa đồ chơi làm từ những quả cầu nhỏ. Tên này được cho là để giải thích cho thiết kế đặc trưng của thân tàu bên trong, làm từ nhiều quả cầu titan có khả năng chịu được áp lực cao ở độ sâu lớn.

Các nhà phân tích cho rằng một trong những nhiệm vụ của tàu có thể làm là gián đoạn cáp liên lạc dưới lòng đại dương.

Hải quân Nga còn sử dụng các khí tài nước sâu lớp Priz và Bester, có phần thân làm từ titan có khả năng hoạt động ở độ sâu 1.000 m.

tau-ngam-nga2 3

 Bên trong tàu Losharik.

Tai nạn ngày 2/7 là sự cố hải quân gây chết người lớn nhất kể từ năm 2008 của Nga, khi 20 người chết do một hệ thống chữa cháy vô tình bị kích hoạt trong khi tàu ngầm hạt nhân Nerpa của Hạm đội Thái Bình Dương, Nga đang thực hiện các thử nghiệm. Trong tai nạn hải quân thảm khốc nhất ở nước Nga hậu Liên Xô, tàu ngầm hạt nhân Kursk nổ và chìm ngày 12/8/2000 khiến cả 118 thành viên trên tàu thiệt mạng.

"Mười bốn thủy thủ chết vì ngộ độc do khói từ đám cháy", Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu nói. Ông Putin đã chỉ thị Bộ trưởng Quốc phòng bay đến nơi đặt tàu để giám sát quá trình điều tra. “Đây là một mất mát to lớn với hải quân (Nga)” – ông Putin nói. “Tôi xin gửi lời chia buồn chân thành nhất đến gia đình các nạn nhân.”

Tổng thống Nga cũng nói thêm rằng tàu gặp nạn có một nhiệm vụ đặc biệt và một đoàn thành viên ưu tú. “Đây không phải là tàu bình thường. Đây là một tàu nghiên cứu với đội ngũ có chuyên môn cao” – ông Putin cho biết 7 trong số 14 người chết có hàm đại tá và 2 người được trao huân chương Anh hùng Nga – huân chương cao quý nhất của nước Nga.

Năm 2012, Losharik tham gia vào hoạt động nghiên cứu của Nga ở đáy biển Bắc Cực, thu thập các mẫu từ độ sâu 2.500 m. Các tàu ngầm thông thường có thể lặn khoảng 600 m. Một số nhà quan sát suy đoán Losharik thậm chí có khả năng đi sâu tới 6.000 m, nhưng tuyên bố chưa được xác nhận.

Losharik được mang theo dưới thân một tàu ngầm mẹ, tàu Orenburg chạy bằng năng lượng hạt nhân và được cho là có đoàn thủy thủ gồm 25 người, tất cả đều là sĩ quan. Theo báo Nga, dù Losharik thuộc Hạm đội phương Bắc, họ báo cáo trực tiếp với Bộ Nghiên cứu Biển sâu thuộc Bộ Quốc phòng Nga, phản ánh độ nhạy cảm cao của nhiệm vụ.

Igor Britanov, người chỉ huy tàu ngầm hạt nhân K-219 của Liên Xô bị nổ năm 1986 khiến 4 thủy thủ thiệt mạng, cho rằng vụ cháy tàu này của Nga có thể do chập điện hoặc chất lỏng dễ cháy lọt vào bộ lọc không khí – hai nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hỏa hoạn tàu ngầm.

Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn