Tàu hải giám – Hải quân thứ hai của Trung Quốc?

Thế giớiThứ Tư, 11/07/2012 10:14:00 +07:00

(VTC News) - Một số tạp chí, trang mạng xã hội Trung Quốc không ngần ngại khẳng định tàu hải giám là lực lượng hải quân thứ hai của nước này.

(VTC News) - Một số tạp chí, trang mạng xã hội Trung Quốc không ngần ngại khẳng định tàu hải giám là lực lượng hải quân thứ hai của nước này. Trong khi đó, trên các trang báo chính thống, luận điệu “bảo vệ chủ quyền trước sự xâm lăng của nước ngoài” không ngừng được lặp lại.

Một chiếc tàu hải giám Trung Quốc

Hoàn cầu thời báo của Trung Quốc đưa tin, số lượng và chất lượng tàu hải giám nước này đạt tới mức khiến “Lầu Năm Góc phải kinh ngạc và có ấn tượng sâu sắc”.

Tờ báo này còn dẫn nguồn báo chí nước Anh khẳng định, hải giám là công cụ đắc lực trong việc “Trung Quốc thực thi chủ quyền biển, bảo vệ toàn vẹn lãnh hải trong những khu vực có tranh chấp”.


Bên cạnh việc “khoe” tàu sân bay cũ mua của Ukraine đang trong quá trình hoàn thiện cùng với lực lượng tàu ngầm đủ sức khiến “thế giới kinh ngạc”, Hoàn cầu thời báo không quên kể lể “chiến tích” đẩy lui tàu Philippines trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Trên phụ trang Quân sự của trang mạng Sina, thuyền trưởng của tàu hải giám số hiệu 83 cũng được dẫn lời cho rằng: “Trên biển, ai dũng cảm hơn, người đó thắng”.

Vị thuyền trưởng còn kể về những lần đối đầu trong tình thế căng thẳng, hiểm nguy cận kề, hải giám Trung Quốc đã đẩy lui “sự xâm phạm lãnh hải của tàu nước ngoài”.

Cuộc đối đầu được mô tả rằng tàu nước ngoài đã phải bỏ chạy sau nhiều lần hăm dọa đâm trực diện tàu hải giám Trung Quốc. Sina cũng không quên dành nhiều đoạn trong bài viết ca ngợi giọng nói đanh thép của nữ phiên dịch viên khi khẳng định cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy thế, bài viết trên Sina không nói rõ tàu nước ngoài là của nước nào.

Báo chí chính thống của Trung Quốc như các trang Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo khẳng định rằng hải giám không mang vũ khí hạng nặng. Tàu hải giám được nói là chỉ mang theo thiết bị vệ tinh viễn thông để liên lạc và kiểm soát hoạt động của tàu bè trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc.

Chiếc trực thăng trên tàu hải giám Trung Quốc 

Tìm kiếm với cụm từ: Tàu hải giám Trung Quốc có vũ khí không?, trang tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc là baidu.com cho ra hơn 1, 2 triệu kết quả. Những nguồn tin không chính thức cho rằng, hải giám được trang bị pháo hạng nhẹ. Nhân viên trên tàu hải giám cũng được nói là đã qua huấn luyện hải quân, được trang bị súng tiểu liên.

Trên trang Hoàn cầu thời báo, tàu hải giám còn được mô tả là “công cụ ngoại giao số một” của Trung Quốc, được phát triển dưới “sự yểm hộ âm thầm của hải quân”.

Một góc khoang lái của tàu hải giám Trung Quốc 

Về số lượng tàu, các trang báo Trung Quốc đưa ra nhiều con số khác nhau. Hoàn cầu thời báo đưa tin, Trung Quốc hiện có 300 tàu hải giám, trong đó có 30 chiếc tải trọng hơn 1.000 tấn. Ngoài ra, 10 chiếc trực thăng tuần tra, giám sát cũng được trang bị trên 30 chiếc tàu kể trên.

Trong năm sau, Trung Quốc được cho là sẽ có thêm 36 tàu hải giám: 7 chiếc có tải trọng hơn 1.500 tấn; 15 chiếc tải trọng 1.000 tấn; 14 chiếc tải trọng 600 tấn, kèm theo đó là 54 cano cao tốc được trang bị trên tàu.

Bên cạnh hải giám, Trung Quốc cũng đang có 200 tàu ngư chính, đa phần thuộc dạng nhỏ. Chiếc hiện đại nhất là Ngư chính 310 có tải trọng 2.500 tấn, mang vũ khí và có 1 trực thăng trên tàu.

Tàu Ngư chính 310, hiện đại nhất trong lực lượng Ngư chính Trung Quốc

Tàu Ngư chính 88 đứng thứ hai với tải trọng 15.000 tấn, là tàu hải quân chuyển sang, theo thông tin của Hoàn cầu thời báo.

Ảnh chụp vũ khí được cho là của Ngư chính 310 

Một chuyên gia quân sự giấu tên còn nói, Trung Quốc nên tăng hơn nữa số lượng tàu hải giám để bảo vệ chủ quyền biển. Ngoài ra, hải giám cũng được vị chuyên gia thuộc phe “diều hâu” cho là sự răn đe cần thiết để ứng phó với những biến động quanh thành phố Tam Sa – được thành lập trái phép trên Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Một số tướng lĩnh Trung Quốc không được nêu tên cũng tuyên bố, Tam Sa cần có thị trưởng, hải giám, ngư chính để lập tức ứng phó khi có những tranh chấp như vụ Scarborough/ Hoàng Nham vừa qua.

“Nếu chúng ta có thị trưởng Tam Sa, có lực lượng hải giám, ngư chính ứng trực, có lẽ vụ tranh chấp với Philippines sẽ được giải quyết nhanh hơn nhiều. Tam Sa không có thị trưởng, không có tàu công vụ, khác nào thành phố không có quyền lực”, một chuyên gia quân sự nói.

Tàu hải giám (ngoài cùng bên phải) thường đi kèm tàu cao tốc

Trong diễn biến mới nhất, Trung Quốc tuyên bố sẽ hiện đại hóa cho 500 tàu cảnh sát biển nước này. Trong số đó, cũng có 30 tàu tải trọng hơn 1.000 tấn và hai tàu biên chế hải quân chuyển sang.

Hiện đại nhất là chiếc Hải tuần 01 với tải trọng 5.400 tấn sẽ được đưa vào phục vụ trong tháng 7 này.


Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đang có 200 tàu tuần tiễu hạng nhẹ, một phần trong số đó trang bị vũ khí. Tuy vậy, báo chí Trung Quốc và các trang mạng không nói rõ đó là vũ khí gì.

Văn Việt


Bình luận
vtcnews.vn