Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam: Vì đâu rơi vào khó khăn chưa từng có?

Kinh tếThứ Hai, 03/04/2017 09:16:00 +07:00

Từ khi nào và vì sao mà Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), một “ông lớn” chuyên đào bán tài nguyên lại rơi vào thua lỗ với gánh nợ tới cả trăm nghìn tỷ đồng là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Lợi nhuận sụt giảm, nợ tăng, trong khi thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp đang đẩy ngành than vào khó khăn chưa từng có.

Z1

TKV đang ở thời điểm khó khăn nhất kể từ khi thành lập do sản lượng giảm, giá bán thấp và nợ nần ngập đầu. (Ảnh minh hoạ)

Có thể thấy, từ 2012, mặc dù doanh thu của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có tăng nhưng lợi nhuận sau thuế lại tỷ lệ nghịch.

Cụ thể, doanh thu năm 2012 của TKV là 75.619 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.588 tỷ đồng; doanh thu năm 2013 là 78.913 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.322 tỷ đồng; doanh thu năm 2014 là 78.105 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.118 tỷ đồng; doanh thu năm 2015 là 76.410 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 423 tỷ đồng; sang năm 2016, doanh thu là 101,180 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 800 tỷ đồng.

Chủ nợ tí hon

Trước những con số kinh doanh không lấy gì làm đẹp, mới đây, TKV đã chủ động thông tin than thở về việc bị hàng loạt khách hàng lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) nợ tiền mua than khiến nguồn vốn doanh nghiệp bị chiếm dụng.

Z2

 Nghịch lý doanh thu tăng nhưng lợi nhuận liên tục sụt giảm. (Ảnh: Zing)

Theo TKV, tính đến hết năm 2016, tổng số nợ phải thu của các doanh nghiệp thuộc EVN là 3.318 tỷ đồng, tăng 5,46% so đầu năm (3.146 tỷ đồng).

Trong đó, số dư nợ vay tiền mua than đến hạn trả của các doanh nghiệp thuộc EVN lên tới 2.837 tỷ đồng, chiếm tới 86% tổng dư nợ, tăng so với đầu năm 2016 là 304 tỷ đồng.

Dù không ngất ngưởng như EVN nhưng một số doanh nghiệp thuộc họ xi măng cũng nợ tiền nợ mua than của TKV khoảng 305 tỷ đồng.

Trong số con nợ của TKV tính đến hết 2016, các doanh nghiệp sản xuất phân đạm có số nợ khoảng 95 tỷ đồng.

Tuy nói không lo lắng nhiều về mức độ rủi ro đối với các khoản nợ trên song Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng, tập đoàn đang bị chiếm dụng vốn rất lớn do các khoản nợ đến hạn chưa được thanh toán.

Con nợ khổng lồ

Ở chiều ngược lại, TKV đang nằm trong danh sách các "ông lớn" doanh nghiệp Nhà nước sở hữu khoản nợ phải trả khổng lồ. Tại thời điểm cuối năm 2015, chỉ tiêu này lên tới hơn 100.000 tỷ đồng.

Video: Nhiều lãnh đạo thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam bị bắt

Theo báo cáo tình hình tài chính của TKV 2015, tổng tài sản tập đoàn đến cuối năm 2015 đạt 138.526 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 38.182 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nợ phải trả lên tới 100.343 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn là 37.609 tỷ đồng, nợ dài hạn lên tới 62.734 tỷ đồng.

Đầu tư không hiệu quả và sa lầy ở các dự án lớn là những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thua lỗ ở TKV những năm qua. Trong đó, điệp khúc đội vốn, chậm tiến độ cũng diễn ra nhan nhản tại các dự án lớn của TKV.

Nổi bật là dự án Khai thác hầm lò mỏ Khe Chàm III, Công ty than Khe Chàm, tổng mức đầu tư ban đầu 2.768 tỷ đồng, điều chỉnh tăng 2 lần lên 5.345 tỷ đồng, chậm tiến độ 5 năm.

Dự án Khu liên hợp gang thép Lào Cai tổng mức đầu tư phê duyệt là 1.499 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 1.955 tỷ đồng, hiện tạm dừng.

Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng có tổng mức đầu tư theo phê duyệt là 7.787,5 tỷ đồng, qua 4 lần điều chỉnh lên gần gấp đôi 15.414,4 tỷ đồng, sau 3 năm hoạt động thua lỗ khoảng 3.696 tỷ đồng…

Chậm tiến độ, đội vốn chưa phải là tất cả màu xám của bức tranh kinh tế bết bát tại TKV. Ở một góc khác, hàng loạt công ty khoáng sản con cũng đang rơi vào vòng xoáy thua lỗ chưa lối thoát.

Có thể kể một số cái tên như: Tổng công ty Điện lực - Vinacomin lỗ hơn 828 tỷ đồng; Công ty cổ phần Vận tải thủy - Vinacomin lỗ 139 tỷ đồng; Công ty cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV lỗ 115 tỷ đồng; Công ty đóng tàu Sông Ninh - Vinacomin lỗ 90 tỷ đồng; Công ty cổ phần Than Tây Nam Đá Mài - Vinacomin lỗ gần 70 tỷ đồng…

Gỡ khó cách nào?

Có thể thấy, từ đầu năm 2009 đến nay, xuất khẩu than của TKV liên tục giảm mạnh. Thậm chí, từ 2015, Việt Nam đã nhập siêu về than. Dự kiến, đến năm 2020, sản lượng than nhập khẩu đạt khoảng 8 - 9 triệu tấn. TKV gặp khó ngay chính thị trường trong nước, sân nhà.

Áp lực trả nợ cũng tạo sức ép khủng khiếp lên TKV trong thời gian tới. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu 2016, tính trung bình mỗi ngày, TKV phải trả tới 12,1 tỷ đồng tiền lãi vay.

Thêm vào đó, ngành than hiện tồn kho một lượng khá lớn, khoảng 10 triệu tấn gây sức ép trực tiếp việc giữ ổn định sản xuất và tăng trưởng của TKV.

Nhận định kết quả sản xuất kinh doanh giảm sút có nhiều vấn đề đáng lo ngại, khi một số dự án đầu tư kém hiệu quả, chưa thu hồi vốn đầu tư… mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu TKV có báo cáo tổng thể tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của mình.

Theo đó, TKV phải báo cáo tổng thể, đầy đủ và hoàn chỉnh về tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính, đầu tư, dòng tiền, cơ chế quản lý tập đoàn và các công ty con, quản trị; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đến thời điểm 31/12/2016.

Tháng 10 năm ngoái, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho TKV.

Trước đó, TKV cũng nhiều lần kêu cứu và được cứu. Theo TKV, khó khăn nhất mà họ gặp phải là thuế, đặc biệt thuế tài nguyên đối với than, khoáng sản. TKV đã từng xin giảm thuế môi trường, thuế khai thác bauxite. Tuy nhiên, việc cho TKV những ưu đãi về thuế có thực sự là phương án tốt khi con bệnh đòi hỏi liều thuốc mạnh hơn?.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn