Tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp ngày càng nhiều

Kinh tếThứ Tư, 06/11/2019 10:59:00 +07:00

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp tăng từ 3.000 lên đến 11.800 đơn vị chỉ trong vòng 3 năm.

Sáng nay 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV.

ĐB Phạm Thu Trang, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nghị định 57 của Thủ tướng ban hành thay thế nghị định 210 nhằm mục đích khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

"Đây là sự thay đổi nhằm khuyến khích, mang lại thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tập trung đầu tư vào nông nghiệp".  

boNN

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Theo ông Cường, trong ba năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 đơn vị. Hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn trong nước đều góp mặt và đầu tư trải dài khắp vùng miền, tạo động lực lớn trong phát triển nông nghiệp. Trong đó, các tập đoàn lớn đều có xu hướng tham gia đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp như TH Truemilk, Vinamilk, Vingroup, FLC. Các doanh nghiệp này được xem như những hạt nhân trong chuỗi liên kết ứng dụng KHCN để phát triển lĩnh vực hàng hóa nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, 11.800 đơn vị nói trên cùng với 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khi chỉ chiếm 8% trong tổng số doanh 750.000 nghiệp Việt Nam hiện nay. "Con số này vẫn ít, so với nhu cầu của 86 triệu người dân Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp", ông Cường nói.

Trả lời về giải pháp căn cơ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhiều hơn vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu chính sách với Chính phủ và Quốc hội, trong đó có việc thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Người đứng đầu Bộ NN&PTNT khẳng định, khuôn khổ pháp lý tốt sẽ giúp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, hiện nay dù khó khăn nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa.

Đánh giá về tình trạng chế biến sản phẩm nông nghiệp hiện nay, ông Cường cho răng đang để lộ nhiều bất cập. Ông Cường nhấn mạnh: "Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Không ai dự báo được ngày mai giá thế nào".

Lấy ví dụ về thực trạng trồng cây công nghiệp ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa. “Chúng tôi đã bàn kỹ, tới đây sẽ tập trung chế biến. Đồng thời, tổng rà soát lại, phát triển các ngành lợi thế. Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác thì phải nhường chỗ cho cây khác”, ông Cường nói.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn