Tập đoàn kinh tế truyền thông là một xu hướng tất yếu

Tổng hợpThứ Sáu, 04/03/2011 02:25:00 +07:00

Cùng với Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" được phê duyệt, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC...

Cùng với Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" được phê duyệt, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để trở thành Tập đoàn Truyền thông. Tại sao phải hình thành Tập đoàn truyền thông? Ai sẽ là người được hưởng lợi? Liệu điều kiện ở Việt Nam đã thuận lợi cho việc hình thành các tập đoàn truyền thông chưa?... Tạp chí Truyền hình Số đã có buổi trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan xung quanh những vấn đề "nóng" đang được quan tâm này…

Bà có thể cho biết thực trạng phát triển của các tập đoàn kinh tế truyền thông trên thế giới?

Hiện nay, các tập đoàn truyền thông đang phát triển ngày càng mạnh mẽ ở trên thế giới, nhất là các nước phát triển: Mỹ, Anh, Thụy Điển, Hàn Quốc…. góp phần đưa truyền thông trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu giải trí, thông tin… của công chúng. Nói cách khác, đây là các quốc gia đã xây dựng thành công nền kinh tế truyền thông.

Những tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới hiện nay như: Viacom (Tập đoàn sở hữu không chỉ một mà rất nhiều những kênh truyền hình danh tiếng như: MTV, Nickledeon…), NewsCorp của ông trùm truyền thông Murdoch…

 

Trên thế giới, Hoa Kì là quốc gia có nền kinh tế truyền thông phát triển mạnh nhất. Đây là đất nước dân chủ, xã hội cởi mở, người dân có quyền cũng như khát khao tiếp cận nguồn thông tin lớn, cũng là nơi mà những khái niệm về nền kinh tế tri thức xuất hiện đầu tiên… Tôi cho rằng, chính sự phát triển của xã hội cùng nền kinh tế tri thức đã đẩy truyền thông của Hoa Kì ra đời sớm hơn, nhanh hơn và mạnh hơn các quốc gia khác. Rất nhanh sau đó là sự ra đời của các tập đoàn truyền thông lớn và có tầm ảnh hưởng vượt ra khỏi biên giới Hoa Kì.

Tại châu Á, tôi đánh giá Hàn Quốc là một quốc gia đang xây dựng rất thành công nền kinh tế truyền thông.

Bà đánh giá thế nào về vai trò của các tập đoàn kinh tế truyền thông đối với sự phát triển chung của một quốc gia?

Mặc dù ra đời sau các loại hình tập đoàn kinh tế khác, nhưng trong những thập kỉ gần đây, truyền thông là một lĩnh vực phát triển mạnh mẽ và tạo nên sức mạnh lớn ảnh hưởng tới cả xã hội, kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao… Đáp ứng những nhu cầu của con người trong thời đại thông tin, tri thức. Nhu cầu trao đổi tri thức của con người là vô cùng lớn và truyền thông là một kênh lớn để chia sẻ những tri thức ấy. Đối tượng được hưởng lợi ích từ truyền thông không chỉ là những người giàu có mà còn là những người có thu nhập thấp, có mức sống bình dân… Với sự hình thành của các tập đoàn truyền thông, thông tin sẽ được chuyển tải tới công chúng nhanh hơn, cập nhật hơn và đa chiều hơn.

Đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, sản phẩm của các tập đoàn truyền thông sẽ là một cầu nối giúp giảm bớt khoảng cách giữa các quốc gia. Truyền thông là phương tiện quảng bá văn hóa hiệu quả, khẳng định vị trí của công ty và quốc gia mình trên thế giới.

Bên cạnh đó, kinh tế truyền thông cũng đem lại nguồn thu lớn cho nhà nước, chủ yếu là qua thuế. Tuy vậy, ngành kinh tế này có thực sự phát triển được hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào chính sách của nhà nước.

Theo bà, với thực trạng kinh tế và chính sách như hiện nay, Việt Nam đã có đủ điều kiện để thành lập các tập đoàn truyền thông chưa?

Tôi nghĩ việc hình thành các tập đoàn kinh tế truyền thông ở Việt Nam là một điều tất yếu. Chúng ta có rất nhiều thuận lợi để thúc đẩy phát triển mạnh nền kinh tế này. Trong mấy năm gần đây, truyền thông ở Việt Nam phát triển với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, công chúng chưa hài lòng về các sản phẩm dành cho họ. Với trình độ tri thức ngày một nâng cao, họ không còn phải chấp nhận tất cả những thông tin mà truyền thông đưa ra nữa, họ có quyền lựa chọn. Chính những nhu cầu này của thị trường đã tạo ra một khả năng, một động lực lớn cho các tập đoàn truyền thông ở Việt Nam hình thành và phát triển.

 

Bên cạnh đó, nguồn tài chính ở Việt Nam cho truyền thông cũng khá rộng mở. Tôi cho rằng có rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẵn sàng đầu tư vốn cho những tập đoàn truyền thông có triển vọng. Kinh tế truyền thông đang trong giai đoạn đi lên và đầu tư cho truyền thông sẽ là một lĩnh vực có tiềm năng.

Tuy nhiên, còn tồn tại nhiều khó khăn mà lớn nhất vẫn là chính sách nhà nước đối với truyền thông. Cơ chế truyền thông ở Việt Nam vẫn còn sự kiểm soát tương đối chặt chẽ. Điều đó một phần ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm truyền thông. Mở 10 tờ báo thì thấy 10 cái tin giống hệt nhau, chắc chắn công chúng sẽ không thể đón nhận một cách hào hứng được. Tôi nghĩ nhà nước cần tạo hành lang pháp lý đủ rộng, minh bạch để cho nhiều các công ty truyền thông có điều kiện phát triển. Bản thân các công ty cũng phải thực hiện theo đúng pháp luật, không ngừng đầu tư, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào việc xuất bản phát hành.

Một khó khăn nữa là khái niệm "Tập đoàn kinh tế truyền thông" vẫn còn quá mới mẻ. Các chính sách, hồ sơ thủ tục thành lập tập đoàn, các mô hình, quy chế quản lý, phát triển… vẫn còn là bài toán khó, cần người khai phá…

Bà nhìn nhận như thế nào về việc Thủ tướng chấp thuận VTC trở thành Tập đoàn truyền thông?

Tôi nghĩ đó là một quyết định đúng đắn và hợp lý, phù hợp với điều kiện nền kinh tế phát triển của đất nước. Trong lĩnh vực nào cũng cần có người đi đầu, mở đường cho những người khác. Mặc dù ra đời sau, nhưng VTC lại là doanh nghiệp truyền thông mạnh, nhanh nhạy, táo bạo, đi tắt đón đầu và ứng dụng thành công các thành tựu kĩ thuật tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực truyền thông, truyền hình. Đây cũng là đơn vị có bề dày kinh nghiệm về phát triển kỹ thuật truyền thông, truyền hình, có cơ sở vật chất thiết bị nghiên cứu và sản xuất đầy đủ, có đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật giỏi về chuyên ngành truyền hình, viễn thông và công nghệ thông tin… Tôi cho rằng VTC thích hợp để trở thành tập đoàn.

Nếu VTC trở thành Tập đoàn kinh tế truyền thông thành công, theo bà việc đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế nước ta?

Nếu VTC thành công thì doanh nghiệp này sẽ trở thành một tập đoàn truyền thông mới, đầu tiên ở Việt Nam, với yếu tố kinh tế nhà nước chi phối, chủ đạo. Nó sẽ đóng vai trò quyết định trong việc xây dựng phát triển ngành kinh tế truyền thông trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, góp phần thúc đẩy, đưa nước ta phát triển nhanh trở thành nền kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại. Thêm nữa, điều này còn chứng minh ngành truyền thông không chỉ là ngành tuyên truyền, phải bao cấp mà là một ngành kinh doanh tự tăng trưởng bằng chính lợi nhuận của mình. Chỉ khi coi truyền thông là một ngành kinh tế thì truyền thông mới phát huy hết vai trò của mình, trong khi đó bản thân nhà nước, doanh nghiệp và công chúng đều có lợi.

Bên cạnh đó, tôi tin mô hình tập đoàn VTC sẽ tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng thu hút, tích lũy các nguồn lực tài chính của các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp trong nước và gọi vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tập trung đầu tư phát triển các ngành kinh doanh truyền thông.

 

Với ưu thế của tập đoàn kinh tế Nhà nước, việc hình thành tập đoàn truyền thông VTC có đủ tiềm lực và năng lực sẽ giúp chính phủ đảm bảo sự chỉ đạo, quản lý điều tiết của nhà nước thống nhất trên lĩnh vực truyền thông, tư tưởng văn hóa và an sinh xã hội.

Tôi hi vọng, khi trở thành tập đoàn, VTC sẽ tiếp tục vươn lên phát triển, vượt những gì đang có hiện nay, táo bạo, mới mẻ hơn nữa về tư duy, học hỏi theo những kinh nghiệm của các tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới để tìm cho mình con đường đúng đắn nhất…

Theo bà, chúng ta nên học tập theo mô hình của quốc gia nào?

Tôi nghĩ là Hàn Quốc. Tôi đánh giá cao hướng đi của truyền thông Hàn Quốc, dù phát triển nhưng vẫn dung hòa được giữa truyền thống với hiện đại. Truyền thông của Hàn Quốc cũng góp phần giúp sức tối đa hỗ trợ cho nền kinh tế của quốc gia này phát triển. Theo tôi đó là một hướng đi hợp lý và chúng ta cũng có khá nhiều điểm tương đồng với nước bạn…

Xin cảm ơn bà!

Mạnh Tiến

Bình luận
vtcnews.vn