Tập Cận Bình: Những ngày tháng gian khó ở nông thôn

Thế giớiThứ Năm, 15/11/2012 01:20:00 +07:00

Tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những ngày tháng gian khó ở nông thôn, ngủ trong hầm đào sâu vào núi và có hai lần nộp đơn xin vào Đảng.

Tân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những ngày tháng gian khó ở nông thôn, ngủ trong hầm đào sâu vào núi và có hai lần nộp đơn xin vào Đảng.

Người cha

Cha Tập Cận Bình không xa lạ với công chúng: Tập Trọng Huân, nguyên Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc. Ông sinh năm 1913, mất năm 2002. Được coi là một trong những nhà chính trị xuất sắc của Trung Quốc, ông Tập Trọng Huân từng nắm các chức vụ quan trọng trong đảng như Bí thư Ban Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 11, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc khóa 12, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông…

Thân sinh của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình - ông Tập Cận Huân
Tháng 9-1952, ông Tập Trọng Huân giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương, kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục - Văn hóa. Ông đưa ra phương châm 16 chữ trong xây dựng đất nước: Đề cao chỉnh đốn, Phát triển trọng điểm, Nâng cao chất lượng, Ổn định tiến tới.

Tuy nhiên, tháng 9 - 1962, sau sự kiện cuốn tiểu thuyết Lưu Chí Đan của Khang Sinh gây nhiều tranh cãi trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc với nội dung quy chụp tội “chống Đảng” cho nhiều cán bộ lão thành, ông Tập Trọng Huân bị giam, bị quản thúc tại nhà hơn 16 năm.

Từ 4-8-1979 đến 25-2-1980, với phương châm có sai thì sửa, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ra quyết định về việc xử lý một số vụ án xảy ra trước Cách mạng văn hóa, trong đó nêu rõ: không có cái gọi là “tập đoàn chống Đảng của Tập Trọng Huân”… do Khang Sinh vu cáo.

Tháng 7-1979, Trung Quốc quyết định thực hiện chính sách nền kinh tế mở, trong đó lấy tỉnh Quảng Đông làm “cửa sổ của chính sách mở cửa, là một đặc khu kinh tế sáng tạo với các biện pháp linh hoạt”. Lúc này, ông Tập Trọng Huân đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, được coi là người có công đầu trong thực hiện chính sách kinh tế mở tại Quảng Đông.

Sinh thời, ông Tập Trọng Huân bốn lần được Mao Trạch Đông khen ngợi bởi lập được thành tích lớn. Nổi bật nhất là vào tháng 7-1952, ông Tập sử dụng các chính sách mềm dẻo, khôn khéo bình ổn khu vực Tân Cương khi ấy với 23 triệu người thuộc hơn 10 dân tộc khác nhau đang có nhiều mâu thuẫn. Khi hai người gặp nhau, Mao Trạch Đông nói: “Trọng Huân, anh thật giỏi. Xưa kia Khổng Minh bảy lần bắt, bảy lần thả Mạnh Hoạch, nay anh còn giỏi hơn Khổng Minh!”.

 Hang động nơi ông Tập Cận Bình từng sống ở làng Lương Gia Hà
Ông Tập Trọng Huân có ba con trai, hai con gái; Tập Cận Bình là con trai thứ hai. Ông được đánh giá là người rất yêu thương con cái, nhưng biện pháp giáo dục thì nghiêm khắc.

Các con trai của ông, bao gồm cả Tập Cận Bình, đều mặc quần áo, giày dép cũ của chị gái để lại.

Có lần Tập Cận Bình bị các bạn học cười giễu việc đi giày nữ đến lớp, Tập Trọng Huân bình thản bảo con: “Hãy coi đó là một đôi giày bị nhuộm màu thôi, không sao cả”. Cách giáo dục này được cho là có ảnh hưởng lớn đến tính cách của Tập Cận Bình sau này.

Về nông thôn

Trở lại câu chuyện của Tập Cận Bình. Tháng 12-1968, giống như hàng ngàn thanh niên trí thức cùng thế hệ, họ Tập khi đó 16 tuổi mang theo sách vở, tư trang xuống thôn Lương Gia Hà, xã Văn An Dịch, huyện Diên Xuyên, tỉnh Thiểm Tây theo chỉ thị của Chủ tịch Mao Trạch Đông: “Thanh niên trí thức phải về nông thôn, tiếp thu sự giáo dục của nông dân”.

Người xã Văn An Dịch kể lại, trong số 15 thanh niên trí thức từ Bắc Kinh xuống nông thôn đợt đó, Tập Cận Bình được biết đến như một người đặc biệt ham đọc sách. Ngoài những công việc thường nhật như đào than, ngăn sông đắp đập, xây hầm biogas, Tập dành toàn bộ thời gian rỗi để đọc.

Tập luôn có thói quen bày những quyển sách mình yêu thích lên bàn rồi đọc từng cuốn, không ai có thể quấy rầy trừ khi muốn chứng kiến Tập nổi cáu. Dân vùng Văn An Dịch sống gần đồi núi, thường khoét núi làm nhà. Căn phòng Tập Cận Bình sống thời đó cũng vậy, được đào sâu vào núi. Giường nằm, bàn học đều đắp bằng đất. Những hôm không có điện, Tập thường dùng chiếc đèn của thợ mỏ để đọc sách.

Nhớ lại ngày đó, lão nông Lương Hữu Xương (81 tuổi) kể: “Cậu ta là người làm được việc. Tôi luôn nhìn thấy cậu ta mặc chiếc áo bông cũ màu xanh, lưng quấn một chiếc dây lấy từ dây giật pháo của quân đội.

Ông Tập Cận Bình chụp cùng người dân làng Lương Gia Hà 

Nhìn hình dáng, mặt mũi đó, không ai nghĩ đó là người đi học. Mỗi năm, vào tháng 2, tháng 3 âm lịch trời rất lạnh do băng tan, nhưng cậu ta đều đi chân trần lao động”.

Hai lần nộp đơn xin vào Đảng

Tháng 1-1974, Tập Cận Bình được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc theo giới thiệu của chi bộ Đảng đội sản xuất Lương Gia Hà. Người giới thiệu Tập vào Đảng năm đó cho biết: “Lần đầu tiên viết đơn xin vào Đảng và được sự đồng ý của chi bộ Đảng chúng tôi, Tập không được kết nạp do cấp trên cho là bố mẹ Tập đang có vấn đề chính trị”.

Đến lần thứ hai, theo chỉ thị của Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc khi ấy – “Bố mẹ có vấn đề, không ảnh hưởng tới việc con cái xin vào Đảng”, Tập mới được kết nạp rồi sau đó được đề bạt làm Bí thư chi bộ đội sản xuất thôn Lương Gia Hà.

Năm 1975, sau bảy năm lao động ở nông thôn, Tập được cử đi học tại Đại học Thanh Hoa - một trong những trường danh tiếng nhất Trung Quốc. Và con đường thăng tiến của họ Tập cứ thế hanh thông.

Ngôi làng Lương Gia Hà ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc
Theo báo chí phương Tây, Tập Cận Bình là người có kinh nghiệm trong cải cách kinh tế, chống tham nhũng. Ông ủng hộ phát triển kinh tế thị trường, nhưng khá thận trọng về cải cách chính trị, chủ trương phát triển Trung Quốc với việc duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và ổn định xã hội.

Khi sang thăm Mexico, ông bình luận: “Có một số người nước ngoài buồn tẻ, với cái bụng căng tròn, những người chẳng có gì hay ho hơn là chỉ ngón tay vào chúng tôi. Thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng. Thứ hai, Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo và thứ ba, Trung Quốc không đến để gây ra những cơn nhức đầu, có gì phải nói thêm hay không?”. Giới phân tích nhận định, ông cũng sẽ cứng rắn trong các vấn đề quan hệ quốc tế không kém người tiền nhiệm.

Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu nhận xét: “Tập Cận Bình là người thận trọng, đã từng nếm trải rất nhiều gian nan, khổ cực... Tôi xếp ông ấy vào mẫu người như Nelson Mandela. Một người đàn ông với sự tiết chế cảm xúc đến kinh ngạc, không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của mình tác động đến các quyết định”.

Văn Việt-Xuân Thủy/TPO

Bình luận
vtcnews.vn