Tăng xử phạt vi phạm hành chính tối đa 2 tỷ đồng

Thời sựThứ Tư, 12/10/2011 08:55:00 +07:00

(VTC News) – Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, khung phạt tiền đối với các vi phạm hành chính được điều chỉnh tăng lên khá nhiều so với quy định hiện hành.

(VTC News) – Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, khung phạt tiền đối với các vi phạm hành chính được điều chỉnh tăng lên khá nhiều so với quy định hiện hành.

Phạt vi phạm hành chính tối đa đến 2 tỷ đồng

Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) cho ý kiến về dự án Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Tại buổi làm việc, nội dung về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính được nhiều thành viên UB TVQH quan tâm thảo luận.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo Luật bổ sung một số hình thức xử phạt mới như buộc lao động phục vụ cộng đồng, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, buộc học tập các quy định của pháp luật có liên quan đến hành vi vi phạm và một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra…

Dự thảo Luật xử lý vi phạm hành chính đã điều chỉnh khung phạt tiền áp dụng chung đối với các vi phạm hành chính theo hướng tăng mức phạt tiền tối thiểu lên gấp 5 lần và mức phạt tiền tối đa lên gấp 4 lần so với quy định hiện hành (Ảnh: congannghean.vn).  

Về khung phạt tiền, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nêu, dự thảo Luật đã điều chỉnh khung phạt tiền áp dụng chung đối với các vi phạm hành chính theo hướng tăng mức phạt tiền tối thiểu lên gấp 5 lần so với quy định hiện hành (từ 10 ngàn đồng theo Pháp lệnh XLVPHC tăng lên 50 ngàn đồng) và tăng mức phạt tiền tối đa lên gấp 4 lần so với quy định hiện hành (từ 500 triệu đồng theo Pháp lệnh XLVPHC tăng lên 2 tỷ đồng).

Dự án luật bổ sung 3 hình thức xử phạt chính mới và bổ sung thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, và điều này được Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành.

Về mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính như trong dự án luật, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, quy định mức phạt tiền trong dự thảo Luật là quá cao so với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như thu nhập của nhân dân.

Đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong Bộ luật hình sự, ví dụ, đối với người có hành vi huỷ hoại rừng sẽ bị Toà án tuyên phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng theo Bộ LHS, nhưng dự thảo Luật XLVPHC xử phạt tiền tối đa đến 2 tỷ đồng.

“Đề nghị cần làm rõ căn cứ lý luận và thực tiễn để tăng mức phạt tiền cao như dự thảo Luật” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói.

Các ý kiến của Thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng cho rằng, nếu chỉ chú trọng nâng mức xử phạt tiền cao mà không quan tâm các giải pháp khác về kinh tế - xã hội, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì sẽ không đạt được mục đích để giảm vi phạm mà sẽ tạo ra bất lợi về nhiều mặt như đẩy người vi phạm vào đường cùng, hoặc chống đối hoặc thỏa thuận với người xử phạt dẫn đến tiêu cực.

“Thực tế cho thấy, để bảo đảm xử lý hành chính có hiệu quả thì phải chú trọng công tác tổ chức, thực hiện nghiêm các biện pháp khác; chẳng hạn đối với hành vi xây dựng trái phép chỉ cần phạt cảnh cáo nhưng áp dụng tốt biện pháp “buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép” sẽ có tác dụng tốt hơn; tránh trường hợp phạt tiền cao nhưng lại “cho tồn tại” – Chủ nhiệm UBPL phân tích.

Đưa hay không đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh?

Tại buổi làm việc, một nội dung trong dự án luật cũng cần xin ý kiến của UB TVQH, đó là vấn đề bỏ quy định đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh.

Theo đó, có hai loại ý kiến, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần tiếp tục duy trì biện pháp đưa đối tượng này vào cơ sở chữa bệnh để phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm hiện nay.

Ý kiến thứ 2 lại đề nghị bỏ quy định này vì điều này có nghĩa là đưa họ vào cơ sở chữa bệnh vì hành vi vi phạm của họ chứ không phải là để chữa bệnh (khác với người nghiện ma túy là đưa họ vào cơ sở chữa bệnh để cai nghiện ma túy).

Các ý kiến đồng tình với việc bỏ quy định này cho rằng, mục đích của việc áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là cách ly họ khỏi cộng đồng, buộc họ lao động, học văn hóa, chữa bệnh, học nghề, song về bản chất vẫn có phần hạn chế quyền tự do của công dân. Như vậy, quy định này quá nghiêm khắc vì hành vi vi phạm của người bán dâm không… nghiêm trọng, không gây nguy hiểm cho xã hội đến mức phải bị hạn chế tự do.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường (Ảnh: TTXVN) 

“Người có hành vi bán dâm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và Nhà nước cần có biện pháp cần thiết mang tính kinh tế - xã hội để hỗ trợ và tạo điều kiện để người mại dâm hoàn lương. Dự thảo Luật XLVPHC được thể hiện theo tinh thần này” – Bộ trưởng Hà Hùng nhấn mạnh.

Đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhất trí quy định của dự thảo Luật và cho rằng, đối với người vi phạm đã bị xử phạt hành chính nhiều lần thì có thể bị xử lý theo các biện pháp khác.

Theo Phó Chủ tịch QH Tòng thị Phóng, đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu. “Chúng ta chưa có hình thức khác quản lý người hành nghề mại dâm (như công khai, cấp phép hành nghề) nên nếu bỏ quy định này, họ sẽ trở lại nghề cũ ngay. Hậu quả hành vi của họ là bệnh tật đối với xã hội, vì vậy phải có biện pháp phù hợp” – bà Phóng nói.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận, biết người ta mắc bệnh mà mình không giữ, bệnh sẽ lan ra, công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ thất bại. Nhưng chỉ vì bệnh mà hạn chế quyền công dân cũng không được.

“Phải giải quyết câu chuyện đối với người có bệnh thì làm thế nào, chữa trị ở đâu, quản lý, theo dõi và giúp đỡ họ như thế nào” – Chủ tịch QH đặt vấn đề.

Làm rõ những băn khoăn trên, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, người có bệnh thì phải buộc chữa bệnh theo quy định, phải có cơ chế khám bệnh cho họ, còn người không có bệnh thì chỉ xử lý hành chính.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn