Tăng thuế VAT, chuyên gia nhận định: 'Chính phủ đang lấy ngắn nuôi dài'

Kinh tếThứ Hai, 21/08/2017 19:00:00 +07:00

Chuyên gia kinh tế nhận xét, việc tăng thuế VAT chỉ là giải pháp cực chẳng đã của Chính phủ khi bội chi ngân sách quá lớn mà nguồn thu không ổn định và đây chỉ được xem là giải pháp tạm thời 'lấy ngắn nuôi dài'.

Đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12 - 14% của Bộ Tài chính đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi phạm vi tác động rộng lớn đến mọi đối tượng, tầng lớp. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng thuế VAT lên cao là "tận thu" và "đi ngược với thế giới".

Báo điện tử VTC News đã phỏng vấn ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế́ Tư nhân Việt Nam (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO để làm rõ hơn vấn đề này.  

Video: Tăng thuế VAT là cách Chính phủ đang phải 'lấy ngắn nuôi dài'

- Thưa ông, mới đây Bộ Tài chính vừa mới đưa ra đề nghị nâng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% lên 12 - 14%. Đề nghị này của Bộ Tài chính đang thu hút sự quan tâm của dư luận và cũng có nhiều ý kiến khác nhau về đề nghị này. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Phải nói rằng, chính sách thuế của Việt Nam ra đời khá muộn và cho đến nay hệ thống thuế của ta vẫn chưa kiện toàn.

Thuế VAT được nghiên cứu từ khi tiến hành cải cách thuế bước 1 (năm 1990), áp dụng thử nghiệm năm 1993 ở 11 đơn vị (ngành đường, dệt, xi măng). Qua một thời gian thực hiện thử nghiệm, Luật Thuế GTGT số 57/1997/L-CTN lần đầu tiên được ban hành vào ngày 10/5/1997, chính thức đưa vào áp dụng từ 1/1/1999 thay thế cho thuế doanh thu.

Năm 2008, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH ra đời thay thế cho Luật Thuế GTGT 57/1997/L-CTN; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT số 07/2003/QH11; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế GTGT số 57/2005/QH11. Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH ra đời đã đánh dấu sự phát triển mới về chính sách thuế GTGT của nước ta và điều chỉnh bao quát, đầy đủ lĩnh vực thuế GTGT, nhất là trong mặt quản lý thuế.

daohuygiam

Ông Đào Huy GIám, Tổng thư ký VPSF. 

Phải khẳng định đây là một sắc thuế tiên tiến góp phần làm cho hệ thống thuế của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với sự vận động và phát triển của nền kinh tế thị trường.

Trở lại với đề nghị tăng thuế VAT của Bộ Tài chính mới đây, thì có thể thấy việc trong dư luận có nhiều ý kiến khác nhau cũng là điều dễ hiểu, bởi nó tác động rất rộng đến mọi giai tầng, mọi đối tượng trong xã hội.

Ở đây, Bộ Tài chính cũng đã có những đánh giá, so sánh trước khi đưa ra đề nghị tăng thuế, nghĩa là cũng phải có cơ sở. Tất nhiên, khi so sánh thì có nước mức thuế VAT cao, có nước mức thuế VAT thấp, song cơ bản là Việt Nam phải đưa ra được một mức thuế sau khi tăng cũng phải phù hợp với tình hình thực tế của mình.

 
Chính phủ phải chứng minh được cho người dân thấy rằng, những đồng thuế thu được từ người dân đó sẽ được Chính phủ đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả chứ không bị thất thoát bởi những mục đích đầu tư sai, do tham nhũng, do cơ chế thực thi kém.

Ông Đào Huy Giám

Nhưng theo tôi, việc đề nghị tăng thuế VAT cũng như việc Chính phủ tăng nhiều loại thuế, phí khác còn xuất phát từ áp lực nguồn thu ngân sách, cụ thể là nguồn thu không ổn định trong khi bội chi ngân sách lại lớn.

Điều này cũng đặt Chính phủ buộc phải có những giải pháp có thể chỉ mang tính tạm thời để bù vào những khoản thâm hụt kia.

- Việc tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp và trong khi thông điệp của Chính phủ đưa ra là kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thì việc tăng các loại thuế, phí nói trên có gì mâu thuẫn không?

Trên thực tế, thuế VAT ảnh hưởng đến người tiêu dùng chứ không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi đối với hàng xuất khẩu, VAT là 0%, nghĩa là doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn lại toàn bộ số thuế VAT đã nộp ở đầu vào.

Việc này thực chất là hình thức trợ giá của Nhà nước cho hàng hóa xuất khẩu, điều này đã giúp các doanh nghiệp tập trung được nguồn hàng trong nước để xuất khẩu và có điều kiện cạnh tranh được với hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Thuế VAT có chức năng chống thất thu thuế. Nên khi thuế VAT được áp dụng tính theo phương pháp khấu trừ, việc khấu trừ thuế được thực hiện căn cứ trên hóa đơn mua vào, điều này thúc đẩy người mua đòi hỏi người bán phải phát hành hóa đơn hợp pháp, khắc phục được tình trạng thông đồng giữa người mua và người bán để trốn lậu thuế.

Ngoài ra, VAT chỉ áp dụng nhiều đối với hàng nhập khẩu do được tính trên giá mua (đã có thuế nhập khẩu) nên làm cho phần chi trả của doanh nghiệp cao hơn nhiều so với cùng loại hàng mua trong nước. Vì vậy, ở một góc độ nào đó, thuế VAT còn có tác dụng hạn chế nhập khẩu, tích cực bảo hộ sản xuất kinh doanh hàng nội địa.

Bởi vậy, tôi cho rằng thuế VAT cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Nên giữa thông điệp Chính phủ kiến tạo, hành động phát triển với việc tăng thuế VAT như vừa rồi cũng sẽ không có gì là mâu thuẫn.

- Được biết hiện nay, thuế VAT của nhiều nước trên thế giới phần lớn chỉ dao động từ 6 - 10%, thậm chí có nước còn thấp hơn. Vậy việc Việt Nam tăng thuế VAT lên 12% - 14% có đang đi ngược với thế giới và đây có phải là giải pháp tối ưu?

Như trên tôi đã nói, việc tăng thuế VAT phần lớn là do áp lực từ nguồn thu ngân sách. Ngân sách nhà nước đang phải chi quá nhiều, trong khi nguồn thu lại thiếu ổn định nên việc tăng thuế VAT cũng như một số thuế, phí khác theo tôi là điều dễ hiểu.

Ở đây, có lẽ dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp cũng nên có cái nhìn rộng hơn để có sự thông cảm và đồng hành với Chính phủ.

Nếu hỏi đây có phải là giải pháp tối ưu hay không thì tôi xin trả lời ngay là không phải là giải pháp tối ưu. Đây chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt. Có thể nói là Chính phủ đang phải lấy ngắn nuôi dài.

Còn giải pháp lâu dài vẫn phải là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện doanh nghiệp phát triển, hướng đến phát triển bền vững thì lúc đó mới ổn định được nguồn thu ngân sách.

- Ông có kiến nghị giải pháp gì đối với Chính phủ trong việc ổn định nguồn thu ngân sách hiện nay?

Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Muốn thế, các bên như nhà nước, doanh nghiệp... phải ngồi lại cùng nhau để cùng tìm ra giải pháp tối ưu cho môi trường kinh doanh thuận lợi.

Bên cạnh đó, Chính phủ phải làm sao duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững, chỉ có như thế thì mới tạo đà để nền kinh tế có thể đi lên.

Một điều quan trọng mà tôi muốn nói đến ở đây nữa là Chính phủ cần phải đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, tinh giản bớt bộ máy đang cồng kềnh hiện nay. Bội chi ngân sách cao một phần cũng là do chi phí quá nhiều cho bộ máy hành chính quá cồng kềnh hiện nay.

Đối với việc tính các loại thuế, phí, theo tôi Chính phủ nên có sự chọn lọc và phân loại đối tượng khi áp dụng chứ không nên cào bằng như hiện nay. Cụ thể, cách tính thuế phải dựa trên thu nhập và tài sản. Người có thu nhập cao, nhiều tài sản thì cách tính thuế phải khác so với những người có thu nhập thấp. Thu nhập cao, tài sản nhiều thì phải đóng mức thuế cao và ngược lại.

Ví dụ ở Pháp người ta tính thuế lên đến 75% đối với người có mức thu nhập cao gấp 30 - 40 lần mức thu nhập bình quân của xã hội. Chúng ta mới chỉ áp dụng 10%, còn Pháp thì gấp nhiều lần... Điều đó nói lên rằng, chúng ta cần phải có một cơ chế giám sát, cơ chế công khai minh bạch tài sản cá nhân và thu nhập sao cho thực sự khoa học thì mới có thể áp dụng được cách tính thuế này.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh là bên cạnh cách tính và thu thuế thì Chính phủ phải tạo dựng niềm tin đối với người dân. Tạo dựng bằng cách nào? Đó là bằng hành động cụ thể. Đó là Chính phủ phải chứng minh được cho người dân thấy rằng những đồng thuế thu được từ người dân đó sẽ được Chính phủ đầu tư đúng mục đích, có hiệu quả chứ không bị thất thoát bởi những mục đích đầu tư sai, do tham nhũng, do cơ chế thực thi kém.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn