Tăng sốc phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: 'Tăng cũng chỉ đủ trả 50% lãi vay'

Kinh tếThứ Tư, 23/03/2016 11:25:00 +07:00

Việc tăng phí đường cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng thêm 25% từ 1/4 tới đây mới chỉ đủ trả chưa đến 50% lãi vay mỗi năm mà chủ đầu tư VIDIFI phải gánh.

(VTC News) - Việc tăng phí đường cao tốc 5B Hà Nội - Hải Phòng thêm 25% từ 1/4 tới đây mới chỉ đủ trả chưa đến 50% lãi vay mỗi năm mà chủ đầu tư VIDIFI phải gánh.

Đó là chia sẻ của ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi xung quanh những tranh luận trái chiều về việc tăng "sốc" phí đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/4/2016.

Theo vị Chủ tịch này, lý do của việc tăng phí này là để thu hồi vốn theo phương án tài chính của hợp đồng BOT của dự án.

Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, việc tăng phí này đã được các cấp có thẩm quyền duyệt cách đây 1 năm nhưng tăng theo lộ trình. Đáng ra, việc tăng phí này đã được thực hiện sớm hơn song do lo ngại doanh nghiệp chuẩn bị không kịp nên việc điều chỉnh đã được lùi lại đến 1/4.

- Theo đánh giá từ dư luận, mức tăng phí lần này quá "sốc", ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải, sản xuất, Vidifi nói gì về việc này?

Mức phí mới của Vidifi được Chính phủ chấp thuận: Đối với quốc lộ 5 được tính toán theo Thông tư 159/2013/TT-BTC và Thông tư số 153/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính và đối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng áp dụng tương đương mức phí đường cao tốc Long thành - Dầu Giây.

Theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT VIDIFI (Người đứng thứ 3, từ phải sang): Đợt tăng phí lần này là bất khả kháng. Nếu không tăng phí doanh nghiệp sẽ lâm nguy. (Ảnh minh họa internet)
Theo ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT Vidifi (Người đứng thứ 3, từ phải sang): Đợt tăng phí lần này là bất khả kháng. Nếu không tăng phí doanh nghiệp sẽ lâm nguy. (Ảnh minh họa internet) 

Với QL5 cũ, đã 10 năm rồi, dù chỉ số giá tiêu dùng biến động mạnh nhưng mức phí vẫn không tăng. Đáng ra, việc tăng phí QL5 nên tăng từ từ, xã hội sẽ dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, việc này cũng có nhiều lý do.

Thứ nhất, do Thông tư 159 của Bộ Tài chính ra chậm.

Thứ 2, do đường cao tốc 5B chưa xây dựng xong nên bản thân Vidifi cũng không muốn tăng phí sớm.

Với biến động của giá thị trường mà mức phí trên QL5 được giữ ổn định trong 10 năm qua, giờ tăng đột ngột thì theo đánh giá từ Vidifi cũng không phải hay lắm. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc tăng là bất khả kháng.

Với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi chỉ thực hiện theo phương án đã được duyệt, nên việc tăng phí đã có lộ trình, không phải là điều gì đó bất thường.

- Dư luận cũng đồng thời cho rằng, chính sách phí mới được xây dựng theo kiểu cào bằng, doanh nghiệp đang tận thu. Ông có lo rằng điều này sẽ có tác dụng ngược với Vidifi?

Không có gì để nói rằng, việc tăng thu phí lần này có lợi hay không lợi với doanh nghiệp.

Trên thị trường, mọi người đều phải tính đến lợi nhuận với các dự án. Riêng Vidifi không tính đến lợi nhuận. Là 1 đơn vị do Ngân hàng Phát triển thành lập, Ngân hàng Phát triển lại trực thuộc Chính phủ. Nên chúng tôi hoạt động không hẳn vì mục tiêu lợi nhuận, chỉ làm sao cố gắng để thu hồi được vốn là tốt lắm rồi.

Còn về phương án tài chính là hết sức rõ ràng, bao gồm: Bản thiết kế đường rất được đánh giá  tốt; các định mức đơn giá nói chung là theo đúng quy định Nhà nước; về chất lượng con đường, theo đánh giá của đơn vị nghiệm thu nhà nước đánh giá tốt.

Về quyết toán đã có thanh tra Bộ Xây dựng, Kiểm toán Nhà nước làm việc ngoài kiểm toán độc lập ra... Tổng mức đầu tư của dự án là hợp lý. Cái khó ở đây là nhà nước không có tiền, chỉ hỗ  trợ được như thế thôi nên VIDIF đã và đang cố gắng hết sức xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao để thu hồi một phần vốn và để có thể thu phí ở mức hợp lý.

Thực ra, với dự án này, dù đã đưa vào khai thác song Nhà nước bây giờ chỉ mới có quyết định thôi, còn tiền thật thì chưa thấy đâu cả. Nếu không điều chỉnh phí thì doanh nghiệp khó có thể tồn tại được. Đây sẽ là lần tăng phí "nóng" cuối cùng trên 2 tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với vùng kinh tế trọng điểm Đông Bắc bộ này.

Chúng tôi nhận thức và chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải, sản xuất sẽ gặp phải khi cước phí đội thêm sẽ được cộng với giá thành hàng hóa, trong khi việc bán hàng hóa hiện tại là rất khó khăn. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh là nếu không điều chỉnh phí thì không cải tạo được giao thông vùng trọng điểm, trong khi nguồn lực Nhà nước là có hạn.
Từ 1/4/2016, mức phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng thêm 25% so với hiện nay (Ảnh minh họa internet)
Từ 1/4/2016, mức phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ tăng thêm 25% so với hiện nay (Ảnh minh họa internet) 
Với QL5 cũ tính đến ngày 01/12/2015, đã 10 năm dù chỉ số giá tiêu dùng biến động mạnh nhưng mức phí vẫn không tăng. Đáng ra, việc tăng phí QL5 nên tăng từ từ, xã hội sẽ dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, việc này cũng có nhiều lý do.

Thứ nhất, do một thời gian dài từ khi ban hành Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 đến ngày 14/11/2013, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư 159/2013/TT-BTC điều chỉnh mức phí

Thứ 2, do đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa xây dựng xong nên Vidifi cũng không trình tăng phí sớm.

Với biến động của giá cả thị trường mà mức phí trên QL 5 được giữ ổn định trong 10 năm qua, bây giờ lại tăng đột ngột. Tuy nhiên, như tôi đã nói, việc tăng là bất khả kháng.

Với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Vidifi chỉ thực hiện điều chỉnh mức phí theo phương án đã được duyệt, nên việc tăng phí đã có lộ trình, không phải là điều gì đó bất thường.

- Theo ông, khả năng hoàn vốn của dự án sẽ thay đổi thế nào với việc tăng phí lần này?

Sau khi tăng phí, toàn bộ số thu cũng chỉ đạt được gần 50% số tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Thời gian thu hồi vốn sẽ phải kéo dài 30 năm. Nhưng nếu không tăng để trước mắt thu được 50% tiền trả lãi đó, dự án không thể thu hồi được vốn.

Nếu việc này xảy ra, không những Vidifi khó khăn, ngân hàng cho vay cũng khó khăn thu hồi được nợ.

Bảng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/4/2016
Bảng phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/4/2016 

Với các dự án khu công nghiệp, một khi TPP có hiệu lực, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng thì mới triển khai được các khu công nghiệp. Hiện QL5 đất còn đầy mà vẫn chưa triển khai hết các dự án, huống chi giờ mình mới đi giải phóng mặt bằng.

Tất nhiên, ở đây, tôi cũng không phủ nhận là Vidifi có lợi thế là đường cao tốc. Nhưng chi phí giải phóng mặt bằng giờ rất cao. Nếu mình không lựa chọn đúng thời điểm thì cũng không triển khai được.

Với các khu đô thị thì cũng tương tự thôi. Phải chờ thời cơ thị trường tăng giá mới triển khai được, còn nếu nó cứ xuống và bình bình thì việc triển khai sẽ thiếu hiệu quả, và còn gây lỗ thêm cho doanh nghiệp.

Nói tóm lại, các dự án tăng nhằm tăng thu chưa thể triển khai được. Hiện mới chỉ lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư. Thời cơ đến sẽ làm.

- Trong chính sách được cho là có thể gỡ khó cho doanh nghiệp khi hoàn vốn, Vidifi có đề xuất cơ chế gì với Chính phủ ngay thời điểm này?

Chúng tôi chỉ mong muốn, quyết định của Thủ tướng đã có rồi. Đó là quyết định 746 về hỗ trợ cho Vidifi đã có một năm nay rồi. Nhưng hỗ trợ của Nhà nước cho cụ thể là hoàn lại tiền giải phóng mặt bằng, khoảng 4.000 tỷ đồng cũng chưa thấy Nhà nước ghi vào kế hoạch trung hạn. Chúng tôi rất lo việc này.

Khoản 100 triệu USD của Ngân hàng Tái thiết Đức, Nhà nước cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ. Đến nay, cũng chưa được giải quyết khoản này.

Nếu không được giải quyết thì vấn đề nguy hiểm ở đây, không phải là gốc mà là vấn đề lãi chồng lãi.

Đối với các dự án nhóm này, vốn ở những năm cuối cùng thì chỉ cần vài năm là có thể hoàn vốn. Nhưng nguy hiểm là lãi chồng lãi, phát sinh lãi theo cấp số nhân.

Nhà nước chậm tài trợ 4.000 tỷ đấy thì mỗi năm thêm 400 tỷ tiền lãi nữa, rồi năm sau lại là lãi của 4.400 tỷ đồng...

Với các  nhà đầu tư, việc lãi chồng lãi là điều rất khủng khiếp, ai cũng sợ cả.

Chúng tôi tâm niệm, không phải cứ làm xong là xong. Mình cũng phải có trách nhiệm với dự án, phải đi xin, thậm chí là đi năn nỉ thị trường chấp nhận để việc hoàn vốn được thực hiện đúng tiến độ. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng thị trường sẽ tiếp nhận vấn đề này để cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với 6 làn xe hiện đại nhất Việt Nam với vận tốc 120km/h, được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, chủ đầu tư phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm.

Hà Linh (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn