Tặng quà Tết: Tự trọng để mà sống

Thời sựThứ Ba, 08/01/2013 04:08:00 +07:00

(VTC News) Ông Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng khoa Văn hóa học, Trường ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ quan điểm về việc nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà tết cho cấp trên.

(VTC News) – Xu hướng thương mại hóa trong việc tặng quà trong dịp tết đã khiến cho không ít lãnh đạo của các ngành, địa phương năm nào cũng phải ra những chỉ thị, văn bản nghiêm cấm việc cán bộ, nhân viên tặng quà. Song việc chấp hành tốt quy định này đến đâu thì còn là một dấu hỏi lớn.

Liên quan tới Chỉ thị số 21 do Ủy viên bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh ký ban hành về các vấn đề văn hóa trong dịp tết Quý Tỵ 2013, trong đó đề cập nhiều đến việc "nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên", phóng viên VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng khoa Văn hóa học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM).

- Sau khi chỉ thị đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng nó chưa thực sự khả quan và khó kiểm soát. Dưới góc nhìn văn hóa, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Chỉ thị này rất đúng và chắc chắn mọi người sẽ ủng hộ trên tinh thần. Nhưng điều quan trọng là quản lý việc đó ra sao và thật khó để ứng xử như vậy trong đời sống thực.

Trong đời sống của chúng ta, nhiều khi không dễ phân biệt chuyện tặng quà liệu có chỉ đơn thuần là vì tình cảm hay không?


Theo truyền thống của người Việt, chuyện tặng quà cũng là một trong những cách để thể hiện tình cảm. Do vậy, Nhà nước chủ trương “cấm mọi hình thức tặng quà Tết cho cấp trên” là đúng về mặt chủ trương.

Trong xã hội, mọi thứ chúng ta phải quản lý bằng luật pháp. Nếu như một ai đó tặng quà cấp trên theo kiểu “điếu đóm” hoặc vi phạm luật thì phải bị xử lý.

Chuyện tặng quà cũng là một trong những cách để thể hiện tình cảm. (Ảnh minh họa: Internet) 

Tuy nhiên, sẽ rất khó để quản lý những biểu hiện như vậy trong đời sống hàng ngày bởi tình cảm thì không thể đưa vào pháp luật.


Tôi hi vọng, từ chủ trương trên của Nhà nước, mọi người sẽ ý thức hơn về cách ứng xử với nhau để chủ trương trên đi vào đời sống. Cá nhân tôi cho rằng, sẽ rất khó khăn để áp chỉ thị trên vào những tình huống ứng xử cụ thể.

Một Chỉ thị muốn đi vào đời sống phải có quá trình. Nhanh hay chậm còn tùy vào nhận thức, cảm nhận của mọi tầng lớp xã hội. Chúng ta phải kiên nhẫn chờ nó đi vào đời sống và cái đó phải bắt đầu từ văn hóa.

Thế còn quản lý thì không được bởi chúng ta phải phân biệt đâu là luật pháp, đâu là đời sống thường nhật. Luật pháp làm sao kiểm tra hết cái thường nhật được.

 

Ứng xử như thế nào khi “được tặng” phong bì là tùy thuộc vào văn hóa ứng xử của mỗi người chứ không thể truyền kinh nghiệm được.

Ông Nguyễn Văn Hiệu – Trưởng khoa Văn hóa học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn
 
- Tặng quà cho nhau là một nét văn hóa đẹp đã có từ lâu của người Việt. Liệu Chỉ thị trên có làm mất đi nét văn hóa đó?


Đây chính là cái khó xử khi ban hành Chỉ thị đó. Tuy nhiên, ai chứng minh được tặng quà ngày Tết là một nét đẹp thực sự nếu người ta lồng vào những nội dung khác? Ví dụ, người đân tặng quà ngày Tết nhưng lại thể hiện những tình cảm riêng tư.

Lấy một tình huống cụ thể: Một người muốn bạn nhớ đến mình đem tặng một chai rượu. Chai rượu đó nếu là do anh ta không uống, không dùng đến đem tặng bạn thì đó sẽ là món quà rất trong sáng. Nhưng không loại trừ khả năng, qua chai rượu này tôi muốn anh biết đến tôi hơn.

- Có người cho rằng, phong bì giờ đây là lựa chọn số một khi đi tết ai đó. Bản thân ông trong nhiều năm công tác đã từng nhận được những món quà như vậy chưa?

Việc tặng phong bì đã thành thói quen chung? 

Từ xưa đến nay, tôi tuyệt đối không ủng hộ văn hóa phong bì. Rất nhiều người mang phong bì tới tặng tôi, nhưng tôi tự hào là chưa bao giờ nhận phong bì. Nhưng tôi phải thừa nhận gặp khó trong cách ứng xử với phong bì bởi vì xưa nay việc tặng phong bì đã thành thói quen chung rồi.


Ứng xử như thế nào khi “được tặng” phong bì là tùy thuộc vào văn hóa ứng xử của mỗi người chứ không thể truyền kinh nghiệm được.

Bản thân chuyện tặng sếp phong bì, hay tiền bạc đã là không đúng về mặt pháp luật rồi. Luật pháp không ủng hộ chuyện nhận phong bì, thậm chí cấm, nhưng rồi người ta cứ nhận, ai biết được?! Cho nên theo tôi, chúng ta phải đưa văn hóa đó sâu rộng vào đời sống để mọi người ứng xử đẹp với nhau thôi.

Với tôi thì chuyện từ chối phong bì rất đơn giản. Mình là thầy giáo, giảng dạy họ, họ mang phong bì tới cảm ơn thì mình trả lại thôi và mình cũng không trách họ. Biết là họ quý mình, nhưng mình không nhận là chuyện của mình.

- Ông có đề xuất biện pháp gì để Chỉ thị trên sớm đi vào đời sống, để giới chức quản lý tốt hơn nữa việc nhân viên biếu xén quà Tết cho cấp trên?

Thực ra tôi nghĩ là không có biện pháp gì hết. Không thể nghĩ ra biện pháp gì được. Cái chính là làm sao chúng ta xây dựng được một nền văn hóa, nền giáo dục mà ở đó người ta trên cơ sở tự trọng để mà sống, làm việc.

Xin cảm ơn ông!

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn