Tăng liều lượng thuốc ho để gây 'phê', học sinh 14 tuổi ngộ độc phải nhập viện

Sức khỏeThứ Ba, 18/04/2017 12:41:00 +07:00

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) chia sẻ, bệnh nhân nhỏ tuổi nhất ông từng gặp là cậu học sinh 14 tuổi (Hà Nội), phải nhập viện vì ngộ độc chất gây ảo giác từ thành phần thuốc ho dễ mua trên thị trường.

Đa số là người trẻ

Tại Hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng ngày càng có nhiều loại ma túy mới.

Đáng nói, giới trẻ dễ bị thu hút, dụ dỗ, thậm chí lừa dùng bởi nhiều loại ma túy thế hệ mới, được bào chế thành những viên kẹo bắt mắt và được trộn vào bánh quy.

Trong một số trường hợp, ma túy xuất hiện dưới dạng tem giấy dán dưới lưỡi. Đôi khi, chính các loại thuốc điều trị trong y tế đã bị lạm dụng để mang lại cảm giác này. Đã có bệnh nhân bị ngộ độc ma túy do ăn bánh có trộn ma túy cần sa vào bánh.

Hinh anh

Tem giấy hay còn gọi là "bùa lưỡi" rất dễ xâm nhập học đường bởi sự tò mò của giới trẻ. 

Một số loại thuốc điều trị có thành phần ức chế thần kinh, khi dùng ở liều cao sẽ gây cảm giác phê, ảo giác. Điều nguy hiểm là, nhiều bạn trẻ chấp nhận tác dụng phụ, dùng tăng liều để gây phê, gây nhiều hệ lụy nguy hiểm.

“Trung tâm từng tiếp nhận một học sinh 14 tuổi, lạm dụng thuốc ho để tăng cảm giác. Lúc đầu, học sinh này chỉ dùng ít, sau đó tăng lên hàng chục viên, vài chục viên rồi tiếp tục tăng liều do thời gian.

Bệnh nhân này bị ngộ độc do tăng liều, nhưng còn tỏ ra là một bệnh nhân rất thông thái khi tranh luận với thầy thuốc về hội chứng cai, tác dụng thuốc”, BS Nguyên nói.

Video: Kinh hãi những kẻ hít keo gây ảo giác điên cuồng nơi công viên

Theo đó, bệnh nhân chia sẻ, họ đọc được những thông tin này trên mạng. “Thông tin y tế trên mạng có nhiều sự méo mó dẫn đến sự lạm dụng nguy hiểm. Loại thuốc bệnh nhân uống tạo cảm giác phê là từ thuốc cảm chữa ho, thuốc chống dị ứng kháng histamin có tác dụng lên thần kinh”, BS Nguyên cho biết.

Nếu như trước kia, tại trung tâm rất hay tiếp nhận các trường hợp ngộ độc heroin (tháng nào cũng có vài ca), thì khoảng chục năm trở lại đây, số ca ngộ độc này giảm hẳn (mỗi năm chỉ còn vài trường hợp).

Tuy nhiên, thay vào đó là các ca ngộ độc những loại ma túy mới (ma túy tổng hợp) như: Amphetamin và các chất cùng loại, lá Khat, cần sa, ma túy dạng thấm (LSD) có phần nhiều lên. Các trường hợp vào viện chủ yếu là người trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên.

Hệ lụy lên thần kinh, tim mạch

Có một đặc điểm chung của các ca ngộ độc ma túy thế hệ mới khi vào viện đó là, hầu như họ đều bị ngộ độc nặng kèm ảo giác. Đa phần, các trường hợp này đều không hợp tác điều trị với nhân viên y tế. Thậm chí, có trường hợp còn mang theo dao.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân chỉ đến viện khi các biểu hiện vượt quá giới hạn chịu đựng như co giật, kích thích, vật vã không kiểm soát được… Bệnh viện cũng chỉ là nơi điều trị triệu chứng, còn để cách ly được với nguồn chất gây nghiện cần sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và chính bản thân người nghiện.

Các chất ma túy thế hệ mới thường gây ra các triệu chứng nhiễm độc thần kinh, tim mạch, loạn nhịp tim, tăng huyết áp.

Về triệu chứng thần kinh, bệnh nhân nhập viện đều có biểu hiện như: kích thích, lơ mơ, lẫn lộn, tâm thần hoang tưởng, ảo giác, có những hành vi và ý tưởng nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh. Thậm chí, có bệnh nhân đã nhảy lầu vì bị các triệu chứng ảo giác, hoang tưởng.

Dùng lâu dài các chất gây nghiện này sẽ gây hệ lụy rối loạn tâm thần.

Bên cạnh đó, khi sử dụng các chất gây nghiện, bệnh nhân cũng có thể bị co giật, có biểu hiện khác như tăng thân nhiệt, rối loạn bên trong cơ thể, tổn thương tim mạch.

BS Nguyên cũng khuyên cáo, ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều loại thuốc, trò chơi mà không dễ nhận biết. Vì thế, các bậc phụ huynh luôn cần để mắt tới con trẻ, kịp thời phát hiện những bất thường, phòng nguy cơ con bị lừa, bị dụ dỗ dùng các chất gây nghiện nguy hiểm.

(Nguồn: Dân Trí)
Bình luận
vtcnews.vn