Tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp thu mua, tạm trữ lúa gạo ĐBSCL

Tài chínhThứ Năm, 26/08/2021 16:28:48 +07:00
(VTC News) -

Ngân hàng tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp lúa gạo với thời hạn và lãi suất hợp lý.

Ngày 26/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến Giải pháp của ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực ĐBSCL.

Theo NHNN, thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ tín dụng đối với ngành lúa, gạo. Về chính sách lãi suất, NHNN quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bao gồm ngành lúa gạo) thấp hơn so với lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường khác, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng (hiện nay là 4,5%/năm).

Tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp thu mua, tạm trữ  lúa gạo ĐBSCL - 1

Hội nghị trực tuyến Giải pháp của ngành ngân hàng diễn ra sáng 26/8.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đã kịp thời thực hiện giải pháp tài chính để hỗ trợ một số doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo gặp khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tăng hạn mức tín dụng, tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đánh giá khả năng tài chính và tín nhiệm của khách hàng...

NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng dư nợ 5 giai đoạn 2016-2020 ngành lúa gạo luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (bình quân/năm lúa gạo tăng 24%, nông nghiệp, nông thôn tăng 18,16%).

Đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt hơn 144,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2020.

Trong đó, theo mục đích vay vốn: Dư nợ trồng, sản xuất lúa chiếm 24%; Dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo chiếm 67,3%, tăng 15,7% so với 2020; Dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Riêng tại ĐBSCL, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt trên 74 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4%, chiếm 51,2% dư nợ lúa gạo toàn quốc.

Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ thóc, gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93 nghìn tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51,5 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.

Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho biết, do nhiều địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội, một số nhà máy của doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động do nằm trong vùng dịch, lưu thông khó khăn, nhiều doanh nghiệp chỉ xuất khẩu cầm chừng vì không có nhiều đơn hàng…

Vì thế, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, trong thời gian tới ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo quy định của Chính phủ.

Mở rộng, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ Hè Thu, tới đây là vụ Thu Đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa.

Phó Thống đốc cho biết sẽ yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc quy định về trần lãi suất cho vay; tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm...

Linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền. Tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng.

Hội nghị sáng nay cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất lúa gạo của chi nhánh các tỉnh vùng ĐBSCL.

Cụ thể, lưu thông hàng hóa của khách hàng gặp rất nhiều khó khăn: Các hộ nông dân thu hoạch thì không tiêu thụ được do không tiếp xúc được với thương lái mua; thiếu hụt nghiêm trọng tài xế xe tải/xe container, tài công ghe/sà lan vận chuyển gạo, lúa. Khó khăn nhất về thu mua lúa cho nông dân lúc này là khâu vận chuyển lúa từ ruộng về nhà máy.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên tình hình xuất khẩu gạo rất khó khăn, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu cầm chừng vì không có nhiều đơn hàng.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp tạm trữ, thu mua thóc, gạo đã có ý kiến về việc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của NHNN chưa hoàn toàn được thuận lợi.

Vì thế, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN xem xét, chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp