Tăng giá điện: Bộ Công thương lý giải thay EVN

Kinh tếThứ Hai, 12/08/2013 08:01:00 +07:00

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định thép và xi măng đang làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định thép và xi măng đang làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế.

Ngay sau khi dự thảo áp mức giá điện riêng cho 2 ngành Xi măng và Thép vì công nghệ lạc hậu, tiêu tốn, lãng phí điện được đưa ra lấy ý kiến, đại diện Hiệp hội Thép và Xi măng đã lên tiếng phản đối, trong đó các lập luận nhấn mạnh đến việc: không phải công nghệ của Thép hay Xi măng lạc hậu mà chính công nghệ của EVN mới lạc hậu.

Tuy nhiên, phản bác lại ý kiến này, đại diện Bộ Công thương đã chính thức lên tiếng và cho rằng: Xi măng, Thép tiêu tốn điện nên cần thiết phải tăng giá bán điện.

Thép và xi măng rất lãng phí điện

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định: "Thép và xi măng là 2 ngành chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng tiêu thụ điện thương phẩm cả nước (khoảng 10,5%) và đang làm gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu sử dụng điện của cả nền kinh tế".

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc đầu tư quá lớn vào 2 ngành này (dẫn đến cung vượt cầu, lãng phí vốn đầu tư của xã hội) những năm vừa qua có một phần nguyên nhân là do giá điện còn thấp; thậm chí có ý kiến còn cho rằng giá điện thấp đã dẫn đến một số trường hợp sản phẩm thép xuất khẩu của ta bị nước ngoài áp dụng các biện pháp chống bán phá giá.

Sau khi xem xét, đánh giá hiệu quả sử dụng điện của ngành thép và xi măng, Bộ Công Thương đã nhận thấy, trừ một số ít nhà máy mới đầu tư và có mô hình quản lý tốt, còn lại phần lớn các cơ sở sản xuất sắt thép và xi măng hiện đang hoạt động có suất tiêu thụ điện năng còn cao (gấp 1,2-1,5 lần so với mức trung bình của khu vực).

Một số nhà máy (cả trong ngành thép và xi măng) xét về mặt công nghệ/thiết bị hoàn toàn không thua kém các nhà máy hiện đại nhất ở nước ngoài, song tiêu thụ điện năng (và cả các nguyên vật liệu khác) cho 1 đơn vị sản phẩm vẫn cao hơn khá nhiều. Đó là điều buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Trong khi giá điện chưa hoàn toàn được thị trường hóa thì việc quy định mức giá bán điện cho các ngành này cao hơn so với mức trung bình của các ngành sản xuất khác, về nguyên tắc sẽ buộc các nhà sản xuất phải áp dụng mọi biện pháp (cả về quản lý lẫn kỹ thuật - công nghệ) để tiết kiệm điện.

Ngoài ra, việc áp mức giá bán điện khác nhau cho các nhóm đối tượng sử dụng khác nhau cũng là cách làm phổ biến ở nhiều nước trên thế giới".

Cũng theo Thứ trưởng Quang, Công nghệ tiên tiến là yếu tố hết sức quan trọng, song yếu tố quyết định lại là khả năng làm chủ, khai thác, sử dụng công nghệ. Cùng một công nghệ sản xuất, nhưng với các nhà cung cấp thiết bị khác nhau sẽ có những thiết bị mà năng suất, chất lượng sản phẩm, độ tin cậy vận hành, suất tiêu hao điện năng... khác hẳn nhau.

Ngoài ra, Thứ trưởng Quang nhấn mạnh đến lĩnh vực quản lý còn khá nhiều tiềm năng chưa được chú trọng khai thác, trong đó có tiềm năng về tiết kiệm năng lượng. Cùng một công nghệ, cùng một nguồn gốc thiết bị, cùng một gam công suất, nhưng vẫn có nhà máy này hoạt động hiệu quả hơn nhà máy khác.

"Đối với các nhà máy đã đầu tư thì việc tranh luận về công nghệ lạc hậu hay tiên tiến cũng không giải quyết được vấn đề gì nhiều...

Thực tế cho thấy bất kể một chính sách nào được ban hành cũng không thể nào thỏa mãn được mọi đối tượng mà nó điều chỉnh do mục tiêu, lợi ích của các nhóm đối tượng khác nhau, nhiều khi đối lập nhau" - Thứ trưởng Quang nói.

Công nghệ của ngành điện mới là lạc hậu, tiêu tốn

Trước đó, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết: công nghệ của ngành thép là rất hiện đại, tiêu tốn ít điện, còn công nghệ của chính ngành điện mới là lạc hậu.

"Nếu nói công nghệ của ngành thép lạc hậu thì chỉ đúng từ năm 2005 trở về trước, còn từ năm 2005 trở lại đây ngành thép đã đầu tư quá hiện đại.
 
Chúng tôi, sẵn sàng cung cấp thông tin về các nhà máy cho ngành điện xem và đánh giá mức tiêu hao điện là bao nhiêu. Thế cho nên ngành điện cứ nói đại, nói theo thói của một anh được bao cấp, được chiều chuộng, phán quyết người khác mà người khác không được phán quyết mình.
 
Tiếp theo nữa, tôi hỏi ngành điện là có bao nhiêu nhà máy nhiệt điện xếp vào loại tiên tiến? Có những nhà máy mà tôi nhớ Vinashin đã nhập cực kỳ lạc hậu ở Nam Định mà báo chí đã nói rất nhiều.
 
Với loại máy móc lạc hậu như vậy mà anh lại nhập khẩu về để sản xuất điện thì giá điện sẽ lên đến bao nhiêu? Tại sao ngành điện không kể đến những cái như thế? Đấy là tôi lấy một ví dụ thôi chứ chưa kể đến những anh khác nữa mà báo chí đã công khai.
 
Vấn đề tiếp nữa mà tôi muốn nói đến là nếu chỉ áp riêng mức giá đối với ngành thép và xi măng, còn bỏ qua các ngành khác cũng tiêu tốn điện là không công bằng. Có lẽ vì EVN thấy có mỗi ngành thép và xi măng hiền lành và chí thú làm ăn quá nên nhắm vào chăng?" - Ông Nghi đặt ra câu hỏi.
 
Cũng theo ông Nghi, nếu hiện nay ngành điện cũng phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường thì sẽ thế nào? Khi có nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh ngành điện chứ không phải một mình EVN, thì khi EVN tuyên bố tăng giá sẽ còn có người mua điện của EVN không? Hay người ta sẽ mua của doanh nghiệp khác, và EVN sẽ chết?
 
"Giờ có mỗi một anh EVN, anh bảo làm thế và anh làm thật thì tôi cũng phải chịu thôi, tôi còn cách nào khác. Đâu có anh thứ hai cho tôi lựa chọn.
 
Còn anh điện bảo tôi đầu tư quá, làm tiêu tốn điện thì tất cả các ngành khác cũng đều phải đầu tư. Khi tôi bắt đầu làm, anh đã cam kết, thỏa thuận sẽ cung cấp điện cho tôi thì tôi mới dám làm. Bây giờ anh lại bảo ngành thép làm nhiều nhà máy quá, tiêu hao điện nhiều quá, phải tăng giá là vô lý" - Ông Nghi nói.

Theo Duyên Duyên/Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn