Tăng cường quản lý dịch vụ ngân hàng mô máu cuống rốn

Tin tứcThứ Năm, 30/12/2021 19:32:00 +07:00

Bộ Y tế vừa có văn bản ý kiến về việc xử lý hoạt động dịch vụ ngân hàng mô máu cuống rốn của một số đơn vị chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Với kỹ thuật y học hiện đại, việc ứng dụng tế bào gốc cuống rốn trong điều trị những căn bệnh nan y đang ngày càng phổ biến. Vì vậy, nhiều gia đình lựa chọn lưu trữ máu cuống rốn, nhằm tạo nguồn tế bào gốc có sẵn trong trường hợp cần sử dụng để điều trị bệnh cho bản thân đứa trẻ hoặc các thành viên trong tương lai.

Tăng cường quản lý dịch vụ ngân hàng mô máu cuống rốn - 1

Tế bào gốc máu cuống rốn mang lại nhiều lợi ích trong việc chữa bệnh (Ảnh minh họa).

Chính vì những lợi ích từ tế bào gốc máu cuống rốn đem lại nên hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều đơn vị xây dựng ngân hàng để lưu trữ hoặc ký hợp đồng với một số bệnh viện để thu thập, tiếp nhận, vận chuyển ra nước ngoài để xử lý, lưu trữ. Tuy nhiên, xảy ra tình trạng, một số cơ sở không đạt tiêu chuẩn và chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ảnh hưởng đến tâm lý của người sử dụng dịch vụ.

Việc ngân hàng tế bào gốc chưa đạt tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, không đáp ứng đầy đủ các điều kiện cũng như đảm bảo quy trình, môi trường lưu giữ rất dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng của mẫu. Điều này khiến người sử dụng dịch vụ có thể chịu những tổn thất không mong muốn.

Tăng cường quản lý dịch vụ ngân hàng mô máu cuống rốn - 2

Sở Y tế TP.HCM ra văn bản đề nghị các đơn vị chấn chỉnh hoạt động hợp tác thu thập tế bào gốc máu cuống rốn.

Theo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (khoản 2 Điều 35) quy định: "Ngân hàng mô được tiếp nhận, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển mô; cung ứng mô cho các cơ sở y tế hoặc cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học và hợp tác quốc tế trong việc trao đổi mô".

Hoạt động tiếp nhận, vận chuyển mô máu cuống rốn của các công ty, văn phòng đại diện là những hoạt động thuộc phạm vi của ngân hàng mô. Tuy nhiên, để được hoạt động buộc phải có giấy phép hoạt động ngân hàng mô theo quy định tại Điều 35 nói trên.

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã ra văn bản siết chặt và yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vi phạm của một số cơ sở không đảm bảo điều kiện và chưa có giấy phép hoạt động dịch vụ ngân hàng mô máu cuống rốn.

Ngay sau khi nhận được công văn của Bộ Y tế về vấn đề trên, Sở Y tế TP.HCM cũng đã đề nghị các bệnh viện, văn phòng đại diện trên địa bàn có triển khai hợp tác liên quan đến một số ngân hàng mô máu cuống rốn trong việc trong việc thu nhập, lấy mẫu cần thực hiện đúng hồ sơ pháp lý và nghiêm theo quy định của pháp luật.

Để tránh những rủi ro không đáng có, người dân nên chọn những địa chỉ uy tín để đặt niềm tin, đảm bảo lợi ích của mình. Tại Việt Nam, một số ngân hàng lưu trữ máu cuống rốn đạt chuẩn và được cấp phép có thể kể tên như: Bệnh viện Truyền máu Huyết học; Ngân hàng tế bào gốc MekoStem; Ngân hàng tế bào gốc Tâm Anh; Ngân hàng lưu trữ tế bào gốc Vinmec và Ngân hàng Mô CryOviva Việt Nam.

(Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống)
Bình luận
vtcnews.vn