Tăng cường năng lực cho các nhà khoa học Việt thông qua Quỹ Newton

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 21/11/2017 14:19:00 +07:00

Sáng 16/11/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ kỷ niệm chương trình hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo Việt Nam – Vương quốc Anh và trao giải thưởng Newton Việt Nam.

Buổi lễ là dịp để các nhà khoa học chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn thực tế về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn.

anh1 3

Toàn cảnh buổi Lễ kỷ niệm chương trình hợp tác khoa học và đổi mới sáng tạo Việt Nam – Vương quốc Anh và trao giải thưởng Newton Việt Nam 

Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực kể từ chuyếnt hăm chính thức Vương quốc Anh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 3/2008. Hoạt động này được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2010”.

Đồng thời, ông cũng bày tỏ kỳ vọng sự kiện ngày hôm nay trở thành cơ hội tốt để các nhà khoa học tìm hiểu thêm về các chương trình trong khuôn khổ chương trình Newton Việt Nam và một số chương trình khác.

“Tôi tin tưởng rằng, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp cận được nhiều thông tin để từ đó có cơ hội phát triển mối quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp Vương quốc Anh, cùng nhau trao đổi những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Từ đó hai bên cùng xây dựng những dự án hợp tác nghiên cứu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam” – Thứ trưởng chia sẻ.

anh2 3

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cùng với Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever thảo luận về các dự án tiêu biểu của Chương trình Newton tại Việt Nam (Ảnh: Minh Hà)

Quỹ Newton Việt Nam bắt đầu khởi động vào năm 2014, là chương trình hợp tác tổng thể đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam và Vương Quốc Anh trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tạo. Theo đó, chương trình hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội thông qua khoa học và đổi mới sáng tạo cũng như giải quyết những thách thức trong hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để hoạt động này trở nên hiệu quả hơn.

Cụ thể, chương trình hướng tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu chung, tăng cường năng lực cho các nhà khoa học, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế và giải quyết các thách thức chính của Việt Nam bằng cách tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên: y tế, nông nghiệp, môi trường và năng lượng, đô thị hóa và kỹ thuật số; gồm 3 nhóm hoạt động chính: Đào tạo cá nhân (học bổng nghiên cứu và đào tạo cho cá nhân), Nghiên cứu (các dự án hợp tác nghiên cứu chung về các chủ đề phát triển) và Chuyển giao (đào tạo và hợp tác để đưa kết quả nghiên cứu thành giải pháp phát triển thực tế).

Từ khi triển khai đến nay, hai nước đã đồng cung cấp gần 5 triệu bảng Anh (gần 150 tỷ đồng Việt Nam) cho 162 suất tài trợ với gần 400 người hưởng lợi – chủ yếu là các nhà khoa học thuộc 60 tổ chức nghiên cứu của Việt Nam và 43 tổ chức nghiên cứu Anh quốc như Đại học Cambridge, Đại học Oxford, University College Lodon. Có 106 lượt nhà khoa học của Việt Nam đã được đào tạo tại Anh và 25 dự án hợp tác nghiên cứu chung đang tập trung vào các vấn đề như tình trạng kháng kháng sinh, ô nhiễm không khí đô thị, tài nguyên nước bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, v.v…

Sau 3 năm hoạt động, Quỹ Newton Việt Nam đã trở thành cầu nối hiệu quả đưa nhà khoa học hai nước đến gần nhau, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cơ sở vật chất và cùng góp phần giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội thiết thực tại Việt Nam.

anh3 3

TS Dương Ngọc Tú – Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên VN – Anh Quốc; Trưởng Phòng Sinh dược – Viện Hóa học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Một trong những nhà khoa học đã được sự hỗ trợ của Hội đồng Anh và chương trình Newton Việt Nam, thương mại hóa thành công kết quả nghiên khoa học là tiến sỹ Dương Ngọc Tú – Phó GĐ kiêm điều phối viên Trung tâm nghiên cứu xuất sắc liên ngành về lĩnh vực các hợp chất thiên nhiên VN – Vương Quốc Anh; Trưởng Phòng Sinh dược – Viện Hóa học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

TS Dương Ngọc Tú đã cùng các nhà khoa học hai bên đã triển khai thành công dự án “Thực hiện các giải pháp tổng thể để phát triển các sản phẩm có giá trị cao từ cây nghệ (Curcuma longa) tại Việt Nam” (giai đoạn 2013-2015). Để đảm bảo dự án hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện đối ứng đầu tư nghiên cứu sản xuất sản phẩm ra thị trường, các nhà khoa học đã thành lập công ty khởi nghiệp Techbifarm tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao - Khu Công nghệ cao Hòa lạc.

Được biết, trong giai đoạn 2016-2019, với sự hỗ trợ của Quỹ Newton - Chính phủ Anh thông qua chương trình hợp tác giữa trường Dược và Sinh học Phân tử - thuộc Đại học Tổng hợp Brighton, Vương quốc Anh với Viện Hóa học - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Công ty Techbifarm cùng triển khai tiếp tục thực hiện dự án nhằm đổi mới công nghệ bào chế Curcumin tăng sinh khả dụng để sản xuất sản phẩm ở quy mô công nghiệp tại Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Dương Ngọc Tú cho biết, cho đến nay, dự án của ông đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Sản phẩm Nacumin được bào chế thành công trên 3 dạng: Nacumin dạng bột, dạng viên nang và Nacumin được bào chế dạng dung dịch kết hợp mật ong rừng tự nhiên. Bằng việc áp dụng thành công công nghệ hóa học xanh để chiết xuất và tinh chế curcumin ở quy mô công nghiệp và công nghệ bào chế tăng sinh khả dụng của curcumin (nano), cả ba dạng sản phẩm của Nacumin đã được Bộ Y tế cấp giấy phép và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu độc quyền 2017.

Đồng thời sản phẩm cũng được Hội Khoa học Công nghệ Lương thực và Thực phẩm trao tặng sản phẩm uy tín, chất lượng và an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng, được Hiệp Hội Thực phẩm chức năng Việt Nam và một số tổ chức khác trao tặng sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng, và là một trong những Thương hiệu dẫn đầu năm 2017 vừa qua. Để đảm bảo nguyên liệu ổn định và chất lượng cho sản xuất quy mô công nghiệp, công ty Techbifarm đã phát triển bền vững vùng trồng nguyên liệu nghệ theo tiêu chuẩn GACP tại Bắc Giang, Tây Nguyên và một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp.

anh5

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh và Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever trao Giải thưởng Newton cho Dự án “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: 'Xã hội kết nối' cho thành phố của tương lai”

"Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo thương mại hóa kết quả nghiên cứu LIF (leader in innovation) mà tôi đã được tham gia vào tháng 2 vừa qua tại London do Hội Kỹ Thuật Hoàng Gia Anh tổ chức thông qua chương trình quỹ Newton cũng đã cung cấp một cơ hội quý giá giúp chúng tôi có điều kiện lĩnh hội thêm các kĩ năng cần thiết để có thể phát triển các kết quả nghiên cứu trên thị trường một cách vững chắc và rộng mở.

Hơn thế nữa, bên cạnh thành công ban đầu của sản phẩm Nacumin, một phiên bản mới (NACUMAX) là thành quả mới từ quỹ Newton mà các nhà khoa học hai bên đang chuyển giao công thức sản xuất mới này cho phía công ty Techbifarm để đưa ra thị trường vào năm 2018.

Có sự hợp sức giữa các nhà khoa học Anh tại Việt Nam, nguồn hỗ trợ của Quỹ Newton và ngân sách phát triển khoa học công nghệ của các địa phương, cùng với các thành tựu mà chúng tôi đã đạt được, chúng tôi tin tưởng rằng trong tương lai sản phẩm của Techbifarm sẽ có khả năng thâm nhập vào các thị trường khó tính.” – TS Dương Ngọc Tú chia sẻ.

anh4

Các nhà khoa học tham gia chương trình Newton chụp ảnh kỉ niệm cùng với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Đại sứ Giles Lever

Đồng thời, cũng tại buổi lễ, dự án “Xây dựng nền tảng phát triển bền vững: 'Xã hội kết nối' cho thành phố của tương lai” đã giành Giải thưởng Newton trị giá 200.000 Bảng Anh. Hệ thống này do nhóm nghiên cứu gồm tiến sỹ Dương Quang Trung (Đại học Queen Belfast, Northern Ireland), tiến sỹ Võ Nguyên Sơn (Đại học Duy Tân) và được xây dựng trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm phát triển hệ thống truyền thông hoạt động hiệu quả trong điều kiện thời tiết bất lợi, thiên tai.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn