Tăng cường kiểm soát quyền lực, xóa bỏ các nhóm lợi ích

Thời sựThứ Bảy, 29/04/2017 13:32:00 +07:00

Nhiều chuyên gia cho rằng vấn đề kiểm soát quyền lực đối với những người có chức có quyền trong Đảng hiện nay là rất quan trọng và là “việc cần làm ngay”.

Bài học ‘đau đớn’ về tổ chức cán bộ

GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực cho rằng đề nghị kỷ luật ông Đinh La Thăng của Ban Kiểm tra Trung ương là có cơ sở, xuất phát từ lợi ích chung thì sẽ được nhiều người đồng tình.

GS Hoàng Chí Bảo nhận xét: “Tôi cho rằng kết luận và đề nghị của Ban Kiểm tra Trung ương Đảng là có cơ sở. Cũng xuất phát từ lợi ích chung thôi. Mà vì cái chung, vì nhân dân, vì đất nước thì sẽ được nhiều người đồng tình.

Hinh anh

GS Hoàng Chí Bảo cho rằng đề nghị của Ban Kiểm tra Trung ương Đảng hợp lòng dân.

Nhưng phải nói rằng đây là một bài học vô cùng đau đớn của Đảng ta trong khâu công tác tổ chức cán bộ, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phải nói là lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, đây là một đề nghị kỉ luật một Ủy viên Bộ Chính trị mới được đưa ra công khai như vậy. Điều đó nói lên mức độ nghiêm trọng như thế nào rồi”.

“Tôi không bàn luận về chuyện cá nhân ông Thăng, mà điều tôi muốn nói đến ở đây sâu xa hơn là về khâu tổ chức cán bộ, phải nói là ta đang có kẽ hở. Công tác cán bộ là rất quan trọng. Trong và trước cách mạng tháng Tám 1945, phải nói là cán bộ của ta khi đó rất là tốt, vì dân vì nước, hết lòng vì cách mạng, vì nhân dân, vì Đảng mà sẵn sàng hi sinh. Đó là những con người hết sức tâm huyết. Nhưng kể từ khi chúng ta bước vào thời kì Đổi mới thì công tác cán bộ của chúng ta dần dần bộc lộ những mặt yếu kém”, GS Hoàng Chí Bảo nói.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, sau 30 năm tiến hành đổi mới, đến nay dần dần chúng ta đã tiếp nhận cơ chế kinh tế thị trường để phát triển được. Nhưng vấn đề kinh tế thị trường chúng ta cũng chưa nghiên cứu sâu, nên chưa hoàn thiện. Vì vậy vẫn có những cán bộ bị ảnh hưởng hoặc lợi dụng kẽ hở của cơ chế này, nghĩ đến lợi ích cá nhân, coi lợi ích cá nhân trên cả lợi ích tập thể, vượt trên tất cả.

Con người ta bản chất đã có lòng tham, mong muốn cho mình. Nhưng nếu thường xuyên học tập, trau dồi đạo đức tốt, làm việc trong một cơ chế tốt thì những thói xấu trên bị hạn chế, còn khi cơ chế giám sát lỏng lẻo thì những thói xấu trên có điều kiện để bộc lộ, phát triển.

Chính vì vậy mà từ đó đến nay, nạn tham nhũng của ta rất đáng lo ngại. Tại Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI cũng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII này, Đảng đều chỉ rõ vấn đề đạo đức nói chung, đặc biệt là tệ nạn tham nhũng, đó là nguy cơ của Đảng. Nó khiến uy tín của Đảng trong nhân dân suy giảm, đây là điều rất nguy hiểm.

“Nên, khâu tổ chức cán bộ, rồi khâu quản lí, giám sát quyền lực như thế nào, hiện nay phải nói thực là chúng ta rất yếu. Những vụ việc vừa qua là minh chứng cho những hạn chế này. Đây là điều mà Đảng ta đã nhìn nhận ra và đang từng bước hoàn thiện”, GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm soát quyền lực, xóa bỏ các nhóm lợi ích

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, từ những sai phạm của ông Đinh La Thăng mà trong báo cáo kết luật của Ban Kiểm tra Trung ương nêu ra, cho thấy vấn đề kiểm soát quyền lực đối với những người có chức có quyền là rất quan trọng và là “việc cần làm ngay”.

Hinh anh  3

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương Đảng cho rằng đề nghị của Ban Kiểm tra Trung ương là có cơ sở.

“Muốn kiểm soát quyền lực thì cần phải phát huy vai trò của Quốc hội, vai trò của nhân dân cũng như các cơ quan kiểm tra của Đảng. Kiểm soát quyền lực ở đây phải được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật và được Quốc hội thông qua. Chúng ta đang chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền thì kiểm soát quyền lực sẽ phải thông qua nhà nước pháp quyền. Ở đây, vai trò của Quốc hội rất lớn”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, kiểm soát quyền lực phải thể hiện trong cương lĩnh, đường lối, mà một trong những việc quan trọng lúc này là phải nghiên cứu, bổ sung điều lệ Đảng. Thông qua đó mới xác định rõ các cơ quan, cá nhân trong Đảng có quyền lực đến đâu và chịu sự giám sát, quản lý như thế nào.

Ông Lê Như Tiến, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng qua vụ việc trên cho thấy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã rất cân nhắc khi đưa ra đề nghị trên.

Hinh anh  4

Ông Lê Như Tiến: "Cần xóa bỏ các nhóm lợi ích".

“Tôi cho rằng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã rất cân nhắc khi đưa ra đề nghị trên. Quan điểm của tôi là ai sai đến đâu thì xử lí đến đó, không thể để tạo tiền lệ xấu. Mọi việc phải xuất phát từ lợi ích chung”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, vấn đề Đảng cần làm lúc này là phải loại bỏ các “nhóm lợi ích” đang lũng đoạn, có như vậy thì Đảng mới thực sự mạnh và được lòng dân.

“Các nhóm lợi ích ở Việt Nam theo đuổi không chỉ là lợi ích vật chất mà bao hàm tất cả những lợi ích con người muốn có, như danh tiếng, quyền lực, điều kiện thuận lợi, sự thăng tiến, vị trí làm việc cho bản thân, gia đình, thân hữu... mà bất chấp tất cả. Đây đang là vấn nạn mà tôi nghĩ Đảng cũng sẽ có giải pháp để chấn chỉnh thôi”, ông Tiến nhận xét.

Cũng theo ông Tiến, cái sâu xa cốt lõi là Đảng phải tăng cường giám sát, tăng cường kỷ luật, từ đó hạn chế vào xóa bỏ các nhóm lợi ích tiêu cực. Đó là những thứ lợi ích chỉ phục vụ cho một nhóm người nhất định dựa vào quyền lực để tạo lập cơ chế, chính sách thuận lợi nhất nhằm mang lại lợi ích từ việc bòn rút, chia chác của công, tìm mọi cách để thâu tóm lợi ích, đặt lợi ích của nhóm mình lên trên lợi ích chung, mâu thuẫn với lợi ích chung của nhân dân, quốc gia và dân tộc.

Video: Vì sao ông Đinh La Thăng bị đề nghị kỷ luật?

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn