Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa quyết liệt chống tham nhũng

Thời sựThứ Năm, 07/04/2016 11:00:00 +07:00

Phát biểu trước Quốc hội sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền.

(VTC News) - Phát biểu trước Quốc hội sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền.

Sáng 7/4, với 96% phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi tuyên thệ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu trước Quốc hội:


"Một lần nữa tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã bầu tôi làm Thủ tướng Chính phủ. Đây là vinh dự to lớn và là trách nhiệm nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Tôi sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ trước Quốc hội 

Là người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành Quốc hội, tôi sẽ cùng đồng chí thành viên nỗ lực xây dựng Chính phủ vững mạnh, đoàn kết nhất trí, hiệu lực hiệu quả, hành động quyết liệt, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt chức nặng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, hợp tác ủng hộ của Quốc hội, của Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc và toàn thể nhân dân, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đạt được của các Chính phủ tiền nhiệm, nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào, cử tri cả nước, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém.

Nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.


Video: Giây phút ông Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức Thủ tướng


(Nguồn: Truyền hình Quốc hội)

Tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính Nhà nước và trong toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần, đem lại cuộc sống ấm lo, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân".

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng trân trọng cảm ơn ông Nguyễn Tấn Dũng và các Thủ tướng tiền nhiệm đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi tặng bó hoa tươi thắm đến ông Dũng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách bầu Thủ tướng. Các đại biểu Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ theo hình thức bỏ phiếu kín.

Theo danh sách đề cử bầu Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng là người duy nhất được đề cử thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng vừa được Quốc hội miễn nhiệm.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh ngày 20/7/1954 tại Quảng Nam. Ông Phúc có học vị cử nhân. Ông Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII

"Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao", tờ trình nêu.

Video: Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ


Tóm tắt quá trình công tác của ông Nguyễn Xuân Phúc

1973-1978: Sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội; Bí thư chi đoàn.

1978-1979: Cán bộ Ban Quản lý kinh tế Quảng Nam – Đà Nẵng.

1980-1993: Chuyên viên, Phó Văn phòng rồi Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; Bí thư Đảng ủy cơ quan, Đảng ủy viên Đảng ủy khối Dân Chính Đảng Quảng Nam – Đà Nẵng khóa 1, 2. Học quản lý hành chính nhà nước tại Học viên Hành chính Quốc gia.

Từ 1993 – 1996: Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa 15, 16 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore.

1997 – 2001: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17, 18; Phó Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam: Chủ tịch Liên minh các Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 6.

2001 – 2004: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 1999 – 2004); Bí thư Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Đại biểu Quốc hội khóa XI, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

2004 – 2006: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (nhiệm kỳ 2004-2009); đại biểu HĐND tỉnh khóa 7; Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI; Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT tỉnh Quảng Nam.

Từ 3/2006-5/2006: Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Từ 6/2006 – 8/2007: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI.

Từ 8/2007 đến nay: Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị; Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn