Tận thấy “bảo tàng giết chóc thú” khủng khiếp ở Sơn La

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 04/06/2012 05:49:00 +07:00

(VTC News) - Khắp 4 bức tường là cả trăm cái đầu, nào là hổ, báo, trâu rừng, bò rừng, với đủ các loại màu sắc, kích cỡ, hình dáng.

(VTC News) - Căn phòng rộng thênh thang bày la liệt các loại thú. Khắp sàn nhà là hươu, nai, hoẵng, chó, cầy, khỉ, vượn… thậm chí nhiều loài tôi chưa từng biết đến.

Trong chuyến công tác ở huyện Quỳnh Nhai, vùng đất cuối trời Sơn La, đi vòng quanh dãy Huổi Luông hùng vĩ, tôi được nghe người dân kể nhiều về một thợ săn thú nổi tiếng. Ông ta là sát thủ của tất cả các loại thú trong đại ngàn Huổi Luông. Từ hổ, gấu, sói, báo, đến trâu rừng, bò rừng, nai, hoẵng, thậm chí con sóc nhỏ xíu cũng gục dưới nòng súng của ông ta. Số lượng thú ông giết hại rồi nhồi bông làm kỷ niệm đủ để lập một “bảo tàng giết chóc”.

Xin khẳng định rằng, tác giả bài viết này không có ý ca ngợi kẻ sát hại thú rừng, mà chỉ muốn nêu lên một thảm trạng diệt thú kinh hoàng, để cảnh tỉnh đến các cơ quan chức năng, nhằm ra sức bảo vệ những con thú cuối cùng trong đại ngàn Huổi Luông.

Đầu hổ treo trên tường.

Thợ săn thú kinh hoàng ấy là Điêu Chính H. Việc săn thú là bất hợp pháp, nên khi biết tôi là nhà báo, muốn tìm hiểu về chuyện sát hại thú, ông H. nhất nhất từ chối, không muốn tiếp. Tuy nhiên, khi tôi hứa sẽ không chụp ảnh ông, không đưa tên thật, địa chỉ cụ thể của ông lên báo, chỉ đăng tải những “chiến tích diệt thú dữ cứu dân bản” của ông, thì ông mới đồng ý tiếp chuyện.

Sông Đà đoạn chảy qua huyện Quỳnh Nhai. Phía xa là dãy Huổi Luông. 

Ông bảo, những loài thú cực kỳ quý hiếm như hổ, báo, gấu, trâu, bò rừng ông cũng săn được rất nhiều, nhưng những vụ sát hại thú quý ấy đã diễn ra từ hơn chục năm trở về trước. Thời gian gần đây, ông chỉ bắn một số loài như sói, nai, hoẵng, lợn rừng, cáo, cầy… Đấy là ông nói vậy, còn thực hư thế nào, chỉ có ông và đại ngàn Huổi Luông mới biết.

Ông H. là người Thái, quê chính gốc ở huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), năm nay 50 tuổi. Ông vốn là cán bộ huyện, nhưng lương ba cọc ba đồng, lại gò bó thời gian, nên ông bỏ việc để kinh doanh riêng. Cuộc sống ở vùng đất này yên bình, dân chúng nghèo khó, nên có được tư gia như ông là khá lắm rồi.

Nhóm thợ săn gấu chuẩn bị vào rừng. Ảnh: Phạm Ngọc Dương 

Ông không có ước vọng làm quan, không ham mê kiếm tiền, ông chỉ cần đủ sống, rồi được thỏa chí đi hết cánh rừng này đến cánh rừng khác để săn bắn. Ông bảo, cuộc đời mỗi người có một cái thú riêng. Ông có thú săn bắn. Cái thú ấy có trong máu tổ tiên loài người, từ khi còn đóng khố sống trong hang đá.

Ai đã từng vác súng vào rừng, ôm súng ngồi trên giàn bắn cả đêm, vừa ngắm trăng treo trên đỉnh núi, vừa phục con hổ, tiêu diệt ác mộng cho đồng bào, thì sẽ bị cái thú săn bắn hớp hết tâm trí.

Những chiếc đầu bò rừng, trâu rừng treo trên tường. 

Cha ông H. là một thợ săn giỏi. Trong con mắt người dân Quỳnh Nhai, ông chả kém gì “Võ Tòng đả hổ”. Nhưng Võ Tòng chỉ giết được một con hổ, còn cha ông đã diệt cả chục hổ dữ.

Những năm 50 của thế kỷ trước, không chỉ Quỳnh Nhai, mà khắp vùng Sơn La rừng rậm hoang vu, thú nhiều vô kể, đi lại nghênh ngang trong rừng. Cha ông H. là bộ đội chống Pháp. Vốn săn thú giỏi, nên bắn Pháp cũng giỏi.

Người dân vùng Quỳnh Nhai còn kể rằng, trong các cuộc đấu súng, lính Pháp, lính da đen chết khá nhiều ở vùng đất này. Bộ đội và dân thường cũng chết không ít. Để tránh bị thú ăn xác, người ta phải đào sâu tới 3m, rồi vùi xác, lấp bằng đá.

Con hổ nhồi bông trông dữ tợn như thật. 

Tuy nhiên, hầu như xác chết đều bị lợn lòi, hổ dữ ăn thịt trước khi quân hai bên rút đi. Sau mỗi trận càn, xác chết đầy ra đó, nhưng hôm sau, người dân tìm vào rừng gom xác, chỉ còn thấy quần áo rách rưới, súng ống, máu me và xương người.

Hổ báo nhiều, nên thời kỳ đó, người dân trong vùng liên tục mất trâu, bò. Hổ mò tận về bản bắt trâu, bắt người. Hễ ở đâu xuất hiện hổ, người dân cầu cứu, cha ông H. lại vác súng vào rừng tiêu diệt giúp dân.

 

Thời bình, khi đã ngoài 70 tuổi, cha ông H. vẫn vác súng vào rừng Huổi Luông, tiêu diệt bọn chó sói về bắt trâu bò, phá hoại cuộc sống của đồng bào. Ngay từ nhỏ, ông H. thường xuyên được cha mình dẫn vào rừng săn thú. Vậy nên, máu săn thú ngấm vào ông từ nhỏ. Sau này, khi cha ông H. già cả, mắt mờ, chân yếu, không thể vào rừng được nữa, thì ông H. là chỗ dựa cho bản làng.

La liệt khắp phòng là thú rừng nhồi bông. 

Xưa kia, đồng bào ở quanh đại ngàn Huổi Luông, rộng hàng trăm ngàn héc-ta, chu vi cả trăm km, hễ cầu cứu ông giết hổ, giết sói trả thù cho đàn trâu bò, cho tính mạng của người dân, ông đều có mặt. Thậm chí, ở đâu xuất hiện thú dữ, không cần ai bảo, ông sẽ tìm đến.

Ông H. sẵn sàng bỏ ra cả tháng trời để truy tìm vết hổ, hoặc kiên trì nằm cả tháng trời trong rừng chờ đợi chúa tể rừng già lỡ bước sa chân qua họng súng của ông.

Ông H. dẫn tôi vào căn phòng phía trong của ngôi nhà. Ông bảo, khách đến nhà ông thì nhiều, nhưng không phải ai cũng được ông dẫn vào căn phòng này. Riêng phụ nữ thì ông không cho vào, vì ông sợ họ bị ám ảnh.

 

Ông H. mở cửa phòng, dù đã chuẩn bị tinh thần, song tôi cũng phải choáng. Căn phòng rộng thênh thang bày la liệt các loại thú. Khắp sàn nhà là hươu, nai, hoẵng, chó, cầy, khỉ, vượn… thậm chí nhiều loài tôi chưa từng biết đến.

Khắp 4 bức tường là cả trăm cái đầu, nào là hổ, báo, trâu rừng, bò rừng, với đủ các loại màu sắc, kích cỡ, hình dáng. Những cái đầu với cặp sừng trâu, sừng bò cong lên, quặp vào trông rất kỳ dị. Con nào con nấy như đang sống, nhe nanh, há miệng, mắt thao láo nhìn đối phương như chực ăn tươi nuốt sống.

 

Trang trọng giữa phòng là một “ông hổ” khổng lồ nhe nanh dữ tợn. Nhìn mà lạnh cả người. Góc phòng là mấy con gấu, con to, con nhỏ, đứng nằm chỏng chơ. Gia chủ lấy vải bạt đậy lên cho đỡ bụi bặm.

Tôi trộm nghĩ, căn phòng này xứng đáng được bầu là “bảo tàng giết chóc các loài thú” khủng khiếp nhất Việt Nam.


Còn tiếp…

Quân Lê - Phong Nguyệt
Bình luận
vtcnews.vn