Tận mắt hố tẩy rửa dioxin duy nhất tại Đà Nẵng

Thời sựThứ Năm, 25/04/2013 07:34:00 +07:00

(VTC News) – 73.000m3 bùn đất bị nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng sẽ được nung nóng ở 335 độ C trong hố tẩy rửa kích thước 70x105m, với thời gian 3-5 tháng.

(VTC News) – 73.000m3 bùn đất bị nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng sẽ được nung nóng ở 335 độ C trong hố tẩy rửa kích thước 70x105m, với thời gian 3-5 tháng. 

Sáng 24/4, Quân Chủng phòng không-không quân (Bộ Quốc phòng), Cơ quan viện trợ phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố tiến độ dự án Xử lý Môi trường tại Sân bay Đà Nẵng.

Buổi công bố có mặt của Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng phòng không-không quân (Bộ Quốc phòng Việt Nam); ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Joakim Parker, Giám đốc USAID Việt Nam và Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, cùng đại diện các cơ quan liên quan Việt Nam và đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. 
Hố xử lý đất bùn nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng 

Phát biểu tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó Tư lệnh Quân chủng phòng không-không quân nói: “Chúng tôi ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID về thực hiện dự án. Và đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu trong việc thực hiện dự án. 

Là đơn vị thụ hưởng dự án, chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ để các đơn vị thực hiện dự án đúng tiến độ. Đến tháng 6/2013, trạm biến áp 12.800KV cung cấp điện cho dự án sẽ được lắp đặt và tháng 10/2013 sẽ hòa vào hệ thống điện chung để cấp điện cho dự án”.

Sẽ có 73.000m3 bùn đất nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng sẽ được tẩy rửa sạch bằng công nghệ xử lý nhiệt 

Cũng tại buổi công bố, ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đã công bố tiến độ thực hiện dự án và cam kết của USAID đối với dự án.

Để xây dựng hố chứa xử lý rộng 7.350m2 (70x105m), các nhà thầu phải sử dụng 28.000 khối bê tông. Sau khi xây xong, toàn bộ lượng đất ô nhiễm sẽ được đưa vào hố rồi được phủ lớp bê tông sau đó khoan 1.200 giếng truyền nhiệt với nhiệt độ khoảng 750-800 độC, cho phép đất bên trong hố được nung nóng ở nhiệt độ tối thiểu 335 độ C từ 3-5 tháng để phân hủy hoàn toàn dioxin. Nước và không khí trong quá trình tẩy rửa cũng được thu gom bằng hệ thống ống thu và xử lý đạt chuẩn trước khi đưa ra bên ngoài. 
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, khối lượng thi công kết cấu hố xử lý hoàn thành 50% khối lượng, tường chắn bê tông đủ chiều cao 7,3m và các nhà thầu đang tiến hành lắp đặt lớp lót bằng nhựa nhằm ngăn chặn hiện tượng thẩm thấu nước giữa hố xử lý và môi trường bên ngoài.

Các nhà thầu cũng đã hoàn tất thi công sân phơi và bãi tập kết an toàn đất bùn nhiễm dioxin trước khi đưa vào xử lý. Đến nay, có khoảng 3.200m3 đất bùn nhiễm dioxin đã được đưa vào sân phơi để chuẩn bị xử lý. Ngoài ra, các hoạt động tư vấn sức khỏe, an toàn cho người dân xung quanh đã được thực hiện.

Dự kiến giai đoạn 1 sẽ được xử lý trong thời gian từ nay đến hết năm 2014. Và Giai đoạn 2 của dự án được thực hiện vào năm 2015-2016, mở rộng xử lý đất bùn ô nhiễm tại khu vực hồ sen tại khu vực hồ sen bên cạnh sân bay Đà Nẵng”, ông Peter Chenevey, Kỹ sư Dự án cho biết. 

Quy trình xử lý bùn đất nhiễm dioxin và hệ thống ống thu gom nước và khí sau khi tẩy rửa 

Khu vực sân bay Quốc tế Đà Nẵng là “điểm nóng” về dioxin do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất còn sót lại sau cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Năm 2011, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin  tại sân bay Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 41 triệu USD triệu USD tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 35 tỉ đồng.
Dự án sẽ làm sạch trên diện tích đất phía đông bác sân bay Đà Nẵng và khu vực hồ sen phía tây sân bay. Sau khi xử lý, đất bùn này sẽ được xét nghiệm để đảm bảo không còn nhiễm dioxin và được tái sử dụng làm đất đắp trên công trường sân bay Đà Nẵng.
Tăng gấp đôi kinh phí tẩy rửa dioxin tại Sân bay Đà Nẵng

Công bố tại buổi họp báo, ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, đến thời điểm này tổng kinh phí dự kiến dành cho dự án đã lên đến 84 triệu USD, tăng gấp đôi so với số liệu đưa ra tại lễ khởi công ngày 9/8/2012.







Bửu Lân

Bình luận
vtcnews.vn