Tân Đại biểu Quốc hội, Đại tá Đào Thanh Hải: Trấn áp mạnh để côn đồ không còn đất sống ở Thủ đô

Thời sựThứ Hai, 13/06/2016 10:53:00 +07:00

Trở thành tân ĐBQH khóa XIV, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an Hà Nội – người được mệnh danh là “khắc tinh" của tội phạm khẳng định sẽ tiếp tục trấn áp, không cho kẻ côn đồ có “đất” lộng hành ở Thủ đô.

Trả lời phóng viên VTC News sau khi chính thức trở thành ĐBQH, ông Hải nói:

Trở thành ĐBQH, tôi sẽ bám sát dân hơn nữa, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để thấu hiểu và giải quyết được tất cả vấn đề nhân dân đang bức xúc, từ vấn đề an ninh trật tự cho đến các vấn đề đời sống dân sinh.

da thanh hai

 Đại tá Đào Thanh Hải. Ảnh: VTC News

Tôi sẽ tập trung giải quyết dứt điểm, không để nhân dân bức xúc, đặc biệt là với chính quyền, để góp phần tạo ra không khí cũng như cuộc sống bình yên cho người dân.

- Trong chương trình hành động khi ứng cử ĐBQH, ông cho biết có 35 năm làm công tác thực thi pháp luật, giải quyết các đơn thư khiếu nại của dân và đảm bảo các vấn đề về an ninh quốc phòng. Vậy giờ đây, khi chính thức trở thành ĐBQH, ông sẽ làm việc gì đầu tiên?

Việc làm đầu tiên của tôi khi trúng cử là tiếp xúc với các cấp chính quyền của cơ sở quận, huyện mà tôi đã ứng cử tại đó. Qua đó, tôi muốn nắm bắt sâu hơn về tình hình an ninh xã hội, kinh tế, quốc phòng trên địa bàn để có thể nắm rõ hơn cuộc sống thực tại của người dân, xem họ đang có khó khăn, đang bức xúc gì, cần sự giúp đỡ gì của các cấp chính quyền và cao hơn là Quốc hội để giải quyết.

Đặc biệt, tôi cũng mong muốn sẽ góp được tiếng nói quan trọng để cùng các vị ĐBQH khác xây dựng, hoàn thiện và thông qua Luật Công an xã vì đây là luật rất quan trọng đối với lực lượng công an chúng tôi. Lực lượng công an xã là lực lượng sát dân nhất, giúp cho công tác đảm bảo an ninh trật tự trong từng thôn xóm, bảo vệ trật tự an ninh của xã hội.

Bất cập nhất hiện nay, chức năng nhiệm vụ của lực lượng này cũng chưa được rõ ràng, đặc biệt là đồng lương, phụ cấp rất ít ỏi nên hoạt động của lực lượng công an xã còn hạn chế.

Xung quanh vấn đề pháp luật tôi cũng mong muốn thông qua được Luật Hành chính công. Nếu luật này được thông qua thì các cơ quan công quyền sẽ hoạt động minh bạch hơn và người dân được hưởng lợi nhiều hơn.

- Có một thực tế, Hà Nội vẫn còn tồn tại nạn cướp giật, những băng nhóm xã hội manh động gây ra các vụ án mạng, những kẻ côn đồ xăm trổ lộng hành..., với tư cách là ĐBQH ông sẽ có đóng góp thế nào để giải quyết những vấn đề nổi cộm này?

Đầu tiên, tôi mong muốn các ĐBQH sẽ quan tâm hơn đến lực lượng công an, đến các biện pháp mà lực lượng công an đang thực hiện và đặc biệt chúng tôi mong muốn sẽ có sự ủng hộ của Quốc hội cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hiện nay, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, vấn đề chúng tôi gặp khó khăn là công tác tuyên truyền. Kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền đang rất thấp.

Qua tiếp xúc cử tri ở những địa bàn tôi đăng ký, cử tri cũng phản ánh có rất nhiều điều luật mà người dân không biết do công tác tuyên truyền không tới được người dân.

Trong quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, có những ổ nhóm tội phạm khi bị chúng tôi bắt về, đối tượng còn không biết rằng hành vi mình gây ra đã phạm tội hình sự.

Để tăng cường hơn nữa công tác phòng chống tội phạm, tôi kiến nghị tăng thêm kinh phí tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật cho nhân dân, để người dân hiểu biết pháp luật hơn, chấp hành pháp luật tốt hơn. Thuận lợi lớn nhất của tôi là phòng chống tội phạm.

IMG_3612

  Đại tá Đào Thanh Hải trao đổi với PV VTC News. Ảnh: Quang Tuyền

Khi chưa trúng cử ĐBQH tôi vẫn là người tích cực đấu tranh với các loại tội phạm vì đây là nhiệm vụ tôi được giao. Là ĐBQH rồi, việc làm thường xuyên nhất tôi sẽ làm mạnh hơn nữa công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở Thủ đô.

- Có thể thấy rằng ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn xảy ra rất nhiều vụ việc những kẻ côn đồ, bặm trợn chống đối lực lượng công an, cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường. Tuy nhiên, việc trấn áp của lực lượng công an còn yếu, chưa đủ sức răn đe, công cụ hỗ trợ như súng, dùi cui điện...hiếm khi được sử dụng, khiến cho hình ảnh những người đại diện cho pháp luật thiếu đi sự uy nghiêm. Theo ông, đối với những hành vi trên thì việc cảnh sát cần được tăng hơn nữa quyền sử dụng súng, tạo sức mạnh trấn áp là việc làm cấp bách?

Thực tế mà nói, pháp lệnh số 16 ra đời đã tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý vũ khí và vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Nó đã giúp cho cơ quan thực thi pháp luật thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, nhưng trong pháp lệnh số 16 quy định về sử dụng súng đối với các lực lượng làm nhiệm vụ vẫn chưa được cụ thể và chưa rõ nét.

Có những điều còn bó buộc rất nhiều, cho nên trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng có nhiều cái bị kiềm chế. Hiện nay, Bộ Công an đang là một trong những cơ quan thường trực phối hợp với Quốc hội để xây dựng, chỉnh sửa các điều luật trong lĩnh vực quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Điều luật này được thông qua sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đấu tranh phòng chống, răn đe tội phạm vì lực lượng thực thi pháp luật sẽ được nổ súng trong rất nhiều trường hợp và được quy định rất cụ thể.

Tóm lại luật sẽ cá thể hóa từng hành vi, những hành vi nào lực lượng thực thi pháp luật sẽ được phép nổ súng.

- Hà Nội vẫn còn đầy rẫy cảnh những kẻ xăm trổ, đầu trọc ngênh ngang, đi xe chở 3 chở 5, nghênh ngang qua nhiều bốt CSGT mà không bị xử lý. Thậm chí, có những kẻ còn hung hăng chửi bới, thách thức CSGT gây ra sự phản cảm, tạo ra những bức xúc trong nhân dân, làm giảm sức mạnh của lực lượng thi hành công vụ. Cần phải làm gì để trấn áp những đối tượng này, thưa ông?

Trong thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP Hà Nội, Công an thành phố đã triển khai rất nhiều biện pháp trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm cố ý coi thường pháp luật như trên.

Đấy là lý do chúng tôi cho ra đời lực lượng 141 để tập trung trấn áp tội phạm coi thường pháp luật, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông trên đường phố. Trong những năm vừa qua, những loại tội phạm này đã được Công an Hà Nội tập trung đấu tranh và thấy giảm rõ nét.

 
Chúng tôi vẫn sẽ thường xuyên xử lý, trấn áp để những kẻ côn đồ này không còn “đất” lộng hành.

Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số đối tượng coi thường pháp luật, trước hết là coi thường lực lượng cảnh sát công khai làm nhiệm vụ ở ngoài hiện trường. Chúng tôi vẫn sẽ thường xuyên xử lý, trấn áp để những kẻ côn đồ này không còn “đất” lộng hành.

Có những hiến kế của người dân là tại sao không dùng những hình ảnh qua camera giao thông để xử lý những đối tượng đầu trọc, xăm trổ có hành vi coi thường lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Chúng tôi đã có sử dụng các kết quả trong quá trình camera hoạt động để xử lý các xe vi phạm, các hành vi chống đối người thi hành công vụ. Hệ thống camera trong địa bàn thành phố đã phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý điều hành giao thông, trong công tác đảm bảo trật tự xã hội và đã đạt được kết quả bước đầu.

- Được biết, ông từng là du học sinh tại trường Nội vụ Liên Xô cũ ở Matxcơva, một ngôi trường nổi tiếng đào tạo những cán bộ an ninh giỏi. Trên cương vị ĐBQH, ông sẽ có những đóng góp thế nào từ những kiến thức mà mình đã được học trên diễn đàn Quốc hội?

Tôi có thời gian học tại trường Nội vụ Liên Xô cũ ở Matxcơva. Đây là nơi đào tạo nghiệp vụ rất tốt, đặc biệt là chuyên ngành công an. Đây sẽ là cơ hội để tôi áp dụng những kết quả tôi đã học tập được tại nước bạn trong các vấn đề xây dựng pháp luật, xây dựng quy chế để lực lượng công an thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Video: Bầu cử ở trại tạm giam, trung tâm cai nghiện tiến hành ra sao

Quang Tùng - Quang Tuyền
Bình luận
vtcnews.vn