Tâm tư của 2 giáo sư đặc biệt nhất Việt Nam 2014

Giáo dụcThứ Năm, 05/02/2015 07:36:00 +07:00

Hai giáo sư đặc biệt nhất năm 2014 đã chia sẻ nhiều tâm tư về nền khoa học nước nhà trước thềm năm mới

(VTC News) – Hai giáo sư đặc biệt nhất năm 2014 đã chia sẻ nhiều tâm tư về nền khoa học nước nhà trước thềm năm mới.

Trong buổi lễ vinh danh, GS Lê Ngọc Canh (81 tuổi) – chuyên ngành nghệ thuật, nguyên Viện Nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã chia sẻ những tâm tư về ngành nghệ thuật múa của nước nhà. GS Lê Ngọc Canh cũng là người lớn tuổi nhất từ trước tới nay được phong chức danh giáo sư.
GS Lê Ngọc Canh
Ông Lê Ngọc Canh được phong hàm giáo sư khi 81 tuổi 
Vị giáo sư lớn tuổi cho rằng để đạt được thành quả như hiện nay là một chặng đường đầy gian khổ, vô cùng vất vả và phải kiên trì.

Ông cũng là tác giả của hàng loạt cuốn sách nổi tiếng như “Sách lịch sử múa Việt Nam, Nghệ thuật múa thế giới, Đại cương nghệ thuật múa” và nhiều công trình cấp bộ, cấp Nhà nước nhiều năm.

“Đó là những tích lũy cả cuộc đời”, GS Lê Ngọc Canh chia sẻ.

Vị giáo sư lớn tuổi cho rằng ngành múa rất hiếm trí thức có trình độ cao để làm nghiên cứu do nhiều thập kỷ vừa qua nhà nước không cử người đi đào tạo ở nước ngoài. Bản thân GS Canh cũng đã tốt nghiệp tiến sĩ  cách đây hơn 40 năm.

GS Canh cũng chỉ ra thực tế người cuối cùng được đào tạo tiến sĩ về ngành múa ở nước ngoài từ năm 1983.  Trong khi đó, ở Việt Nam lại chưa thể đào tạo bậc cao nghệ thuật múa.

“Hiện nay khoảng cách đó còn đang chờ đợi chính sách của nhà nước và sự phấn đấu của bản thân anh em văn nghệ sĩ”, GS Canh chia sẻ.

Vị giáo sư này cũng mong muốn được nhìn thấy một thế hệ trẻ năng động, chủ động phấn đấu rèn luyện để đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học.

“Chuyên ngành múa chưa có nhiều tiến sĩ, thạc sĩ. Phấn đấu là cả chặng đường gian khổ nên tôi mong thế hệ trẻ tự rèn luyện trong điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Bản thân nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ rất ham học, cầu tiến, nhiều ước vọng nhưng chưa thực hiện được. Vì thế một mặt họ vừa vươn lên, mặt khác Nhà nước phải có chủ trương đào tạo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho người trẻ để họ được cống hiến”, GS Canh đề xuất.
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao quyết định công nhận cho giáo sư trẻ nhấtPhan Thanh Sơn Nam sáng 4/2 (Ảnh: Ngọc Thắng)
Trong khi đó, phát biểu trong buổi lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2014 diễn ra sáng 4/2, giáo sư trẻ nhất  Phan Thanh Sơn Nam cho biết, với độ tuổi của ông (U40) vẫn được xem là giáo sư trẻ ở Việt Nam. Nhưng trên thế giới, ông đã không còn là trẻ nữa.

“Chức danh giáo sư là điểm khởi đầu của một giai đoạn mới với trách nhiệm nặng nề hơn. Nhưng không phải là sự kết thúc với sự nghiệp khoa học. Sau khi đạt giáo sư, tôi luôn ghi nhớ ngoài đạt được chức danh cho riêng mình, tôi còn phải có trách nhiệm hỗ trợ các bạn trẻ hơn trên con đường nghiên cứu khoa học.

Tôi xin làm cầu nối giữa các bạn trẻ hơn và thế hệ cha anh để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm thế hệ đi trước cũng như hỗ trợ lẫn nhau đi tới chân trời khoa học” GS. Nam chia sẻ.

Mới đây, trong lễ kỷ niệm 25 năm Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, GS. Phan Thanh Sơn Nam cũng bày tỏ: “Tôi cũng hiểu rằng còn khá nhiều nhóm nghiên cứu trong thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh hiện đang làm việc trong những phòng thí nghiệm với cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu cũng như kinh phí nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn”.
Giáo sư trẻ nhất năm 2014 Phan Thanh Sơn Nam
Giáo sư trẻ nhất năm 2014 Phan Thanh Sơn Nam 
Vị giáo sư trẻ nhất Việt Nam 2014  chia sẻ: “Tôi luôn nhớ rằng nếu không được thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đầu tư, nhóm nghiên cứu của chúng tôi cũng sẽ không khác gì họ. Trong bối cảnh đó, tôi cảm nhận được sức nặng của nhiệm vụ mà Ban giám đốc thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh giao cho phòng thí nghiệm chúng tôi, cũng như sức nặng từ sự kỳ vọng của nhiều người trên vai chúng tôi”

Trong điều kiện mới, tân giáo sư trẻ nhất Việt Nam mong muốn, các cấp lãnh đạo trung ương có những chính sách thích hợp để thêm nhiều cán bộ giảng dạy khác của thống Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có điều kiện phát huy hết năng lực của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

 “Tôi muốn bày tỏ nguyện vọng với các cấp lãnh đạo là giới khoa học chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, đặc biệt là trong việc tiếp tục đổi mới và cải tiến cơ chế quản lý khoa học công nghệ và cơ chế về tài chính, để các nhà khoa học chúng tôi có thể toàn tâm toàn ý dành trọn thời gian vào các hoạt động chuyên môn” GS. Nam mong muốn.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn