Bi kịch đêm 30: Lời gan ruột của một bác sĩ

Tâm sựThứ Tư, 03/03/2010 03:30:00 +07:00

(VTC News) - Bức thư của một bác sĩ, đồng nghiệp của nhân vật chính trong Bi kịch đêm giao thừa, tâm sự và sẻ chia sâu sắc về nghề nghiệp và cuộc sống.

(VTC News) - Câu chuyện Bi kịch đêm giao thừa đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc của đông đảo độc giả VTC News với vô số comment gửi về. Có những lời khuyên, lời động viên, những phân tích nhằm giúp người bạn gái bất hạnh của chúng ta tìm được cho mình lối thoát.

 

Tuy nhiên, trong những phản hồi gửi về, có một bức thư đã khiến BBT vô cùng xúc động. Đó là những lời "gan ruột" trong bức thư của một bác sĩ, đồng nghiệp của nhân vật chính trong câu chuyện này, với những tâm sự và sẻ chia sâu sắc về nghề nghiệp và cuộc sống.

Bạn thân mến!


Tôi đọc được những dòng tâm sự của bạn vào đúng tối ngày 27/2, ngày của chúng ta, những người thầy thuốc, những người được gọi bằng cái tên đẹp đẽ là “những thiên thần áo trắng”. Và câu chuyện của bạn đã khiến tôi trăn trở suốt đêm, không thể nào chợp mắt. Tôi ngồi dậy và viết những dòng này gửi đến bạn, người đồng nghiệp không biết tên của tôi, những lời tâm sự và cả những giọt nước mắt – ngay lúc này, tôi không biết làm thế nào để chúng ngừng rơi.


 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Làm bác sĩ, cũng chỉ là một nghề như bao nghề nghiệp khác. Cũng phải so đo chuyện lương bổng ít nhiều, cũng lo lắng chuyện thăng chuyện thưởng. Bệnh nhân là khách hàng, là người trả tiền cho chúng ta, và chúng ta, bằng học vấn và kinh nghiệm của mình,"bán" cho họ sức khỏe của chính họ.

Nhưng chúng ta được xã hội gọi bằng “thầy” – “thầy thuốc”. Thầy thuốc như mẹ hiền. Để khoác được trên người chiếc áo blouse trắng, chúng ta trải qua 6 năm đại học thay vì 4 năm như bạn bè. Chúng ta trải qua những giờ thực tập kinh hoàng với tai nạn và tử thi. Chúng ta ở một nơi sạch sẽ và vô trùng nhất thế giới, nhưng lại là nơi đầu tiên có thể tiếp xúc với các mầm bệnh nguy hiểm mà chưa ai trên đời này biết mặt đặt tên. Không, tôi sẽ không nói nhiều về tất cả những khó khăn khác trong nghề, bạn hiểu cả mà, đúng không? Nghề nghiệp nào chẳng có những khó khăn riêng. Nhưng quả thực, có những điều đau đớn quá, có những nỗi đau giấu tên đè nặng lên tôi, khi mang trên vai mình gánh nặng của hai chữ “thầy thuốc”.


Hãy bắt đầu bằng chính câu chuyện của bạn đi. Tôi sẽ không như nhiều độc giả khác, đặt vấn đề nghi ngờ này khác. Tôi hoàn toàn tin như bạn: đó là một tai nạn. Nhưng là một bác sĩ, chúng ta đều hiểu rằng, để xảy ra tai nạn, trước hết phải có những nhân tố khiến cho tai nạn phát sinh. Trong trường hợp này, đó là số phận éo le đã đặt ca trực của bạn vào ngày 30 tết, ngày mà bạn, như mọi phụ nữ khác, cần phải ở bên gia đình, cúng tất niên, ăn bữa cơm sum họp, và cùng nhau đón giao thừa. Nếu tất cả đều bình thường như thế, thì đâu có gì xảy ra!


Tôi hiểu rằng bạn cũng như tôi, coi việc phải thực hiện nhiệm vụ của mình là điều đương nhiên, và ngay cả khi rời khỏi nhà tối 30, trong lòng bạn vẫn tràn ngập niềm vui, niềm hân hoan chờ đón năm mới, bạn chia sẻ khoảnh khắc giao thừa với những đồng nghiệp và bệnh nhân của mình; và sáng mùng 1 khi trở về nhà, trong lòng bạn đầy những điều tốt đẹp, yêu thương và ấm áp muốn sẻ chia với chồng và em gái… Thật tàn nhẫn biết bao, những gì bạn đã phải chịu đựng!


Nhưng, ngay cả nếu đêm đó bạn không phải trực, thì cũng sẽ có một đồng nghiệp khác phải làm thay. Và ai mà biết được, có bao nhiêu bi kịch có thể xảy ra, khi ai đó vắng nhà trong đêm 30 tết ấy! Thật quá tàn nhẫn khi nói ra điều này, nhưng biết đâu đấy, bạn còn may mắn hơn nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn tệ hơn nữa, mà không hề hay biết!


Không, không bao giờ tôi có ý trách cứ đặc thù nghề nghiệp ấy của chúng ta. Tôi tự hào khi mặc trên người chiếc áo blouse trắng. Tôi hạnh phúc vì được đổi chút thời gian riêng tư mỗi tuần 1 lần để nhìn thấy nụ cười và nét mặt hồng hào của bệnh nhân. Nhưng tôi cũng thấy buồn chứ, đôi lúc. Đó là khi tôi phải gửi đứa con trai mới mấy tháng tuổi của mình bên nhà bà, mặc dù biết thằng bé sẽ khóc suốt đêm, vì không thể nhờ ai thay ca. Đó là khi tôi đang dở ca mổ không kịp về gặp mặt lần cuối đứa bạn thân mất vì tai nạn. Đó là khi tôi nhìn thấy chồng mình bên cạnh một người đàn bà mà nhìn thoáng đều hiểu là – ai – đấy. Đó là ngày hai vợ chồng tôi kí vào tờ đơn ly hôn, chấm dứt chuỗi ngày như anh ta nói là “không biết mặt vợ”.


Và những gánh nặng thì cứ ngày một đè lên. Gia đình, con cái ngày càng cần đến bàn tay người mẹ. Còn người nhà bệnh nhân thì cứ luôn xin “nốt một ca này nữa thôi”. Và rồi ở đâu đó, những ai đó có những hành động không đẹp, thì tất cả “những thiên thần áo trắng” lại được đưa lên báo chí, lên Gala cười với giọng mỉa mai… Và rất nhiều lần, bệnh nhân nhìn chúng ta cũng kính cẩn gần bằng nhìn chiếc phong bì trên tay họ. Và cũng không dưới vài lần, bị người nhà bệnh nhân giúi vào tay “một chút tấm lòng”, thoái thác kiểu gì cũng không được, để rồi chưa đi hết hành lang đã nghe giọng “người có lòng” đắc thắng: “Có một tí vào là xong hết…”


Không, tôi chẳng đời nào bênh vực cho những cái tiêu cực đã quá rõ, đã thành phong trào, thành “lệ làng” ở rất nhiều nơi trong ngành. Nhưng tôi cũng xót xa cho những y tá, những kĩ thuật viên, xét nghiệm viên mà đồng lương không đủ mua sữa cho con. Làm sao mà họ có thể yên tâm làm những thiên thần, nếu ở nhà còn có những đứa con nhắc họ chưa hoàn thành nghĩa vụ làm vợ, làm mẹ!


Bạn và tôi, hai người không quen biết, nhưng tình cờ lại là đồng nghiệp, và cùng là những người phụ nữ khổ đau. Chắc cũng là duyên gì đó. Bạn còn trẻ, còn cả sự nghiệp và tương lai phía trước, tôi không dám khuyên bạn điều gì, nhưng tôi tin dù bạn có quyết định ra sao, bạn cũng sẽ không phải hối hận với lựa chọn của mình. Bạn nói đúng, là bác sĩ, nhưng chúng ta không tự cứu chữa được nỗi đau của chính mình. Nhưng hãy tin tôi đi, sẽ có những người khác giúp chúng ta chữa lành nỗi đau đó. Như khi những bệnh nhân nhìn chúng ta với ánh mắt long lanh niềm mong mỏi, biết ơn. Như khi đứa con trai lên 8 của tôi thỏ thẻ: Lớn lên con làm bác sĩ giống mẹ… Cuộc sống là như vậy, luôn có những sẻ chia, luôn có những cách để hàn gắn nỗi đau và lau khô nước mắt. Điều quan trọng là, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, cũng đừng quên niềm hạnh phúc khi mặc trên người chiếc blouse trắng của chúng ta, bạn nhé!


Tôi không được biết tên và địa chỉ email của bạn, nên những dòng này, tôi gửi qua trang báo nơi bạn đã tin tưởng chia sẻ tâm sự với mọi người. Biết đâu đấy, qua đây, sẽ có những đồng nghiệp khác của chúng ta sẽ nhận được chút ấm áp, sẻ chia và đồng cảm, phải không bạn.


Cố lên, và kiên cường lên, bạn nhé!


Thu Tâm (Hà Nội)

Bình luận
vtcnews.vn