Tâm sự nhói lòng của những người bán hoa dịp Tết

Thời sựThứ Bảy, 02/02/2019 19:31:00 +07:00

Thời tiết nắng nóng, tâm lý đợi tới 30 Tết mua hoa cho rẻ khiến các tiểu thương bán hoa chỉ biết "khóc ròng".

TP.HCM những ngày cuối năm trở nên trầm lắng hơn so với ngày thường vì phần lớn người dân về quê đón Tết cùng gia đình, nhưng không vì thế mà thành phố bớt nhộn nhịp. Những ngày này, hàng quán 2 bên đường bày bán đầy vật dụng trang trí nhà cửa với màu sắc sặc sỡ, trên vỉa hè chất đầy những gian hàng bán hoa Tết.

Trái với không khí mua sắm đang tất bật, trên khuôn mặt các tiểu thương bán hoa là những nét âu lo, trăn trở khi lượng hoa vẫn còn rất nhiều, khi ngày 30 Tết chỉ còn cách vài ngày nữa. Đối với họ, số hoa này chính là canh bạc cho cả một mùa Tết.

Nhiều năm nay, người dân có xu hướng chờ đến gần sát giờ giao thừa mới chịu đi mua hoa, vì khi ấy giá sẽ rẻ hơn. Nếu tiểu thương không bán thì ngày mai số hoa còn lại cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thậm chí có người không mua mà chỉ chực chờ để lấy số hoa bị ế mà tiểu thương bỏ lại.

hoatet

Những chiếc chòi tạm được mắc trên vỉa hè là chỗ ăn ngủ của tiểu thương bán hoa vào những ngày Tết. 

Làm tạm cái chòi nhỏ phía sau những chậu hoa được bày ra vỉa hè, chị Lê Thị Hạnh và chồng nhiều ngày không về, bởi nhà ở tận huyện Củ Chi (TP.HCM).

Ba năm gần đây, tranh thủ những ngày cận Tết, vợ chồng chị mua một ít hoa ở nhà vườn tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) rồi đem lên thành phố để bán, mong kiếm chút tiền lo cho con cái Tết êm ấm.

Năm đầu tiên may mắn chị bán xong trước Tết, nhưng từ đó đến nay, năm nào chị cũng khóc vì bị "ép" giá hoa, thậm chí phải vứt hoa. 

"Họ nghĩ rằng thời điểm đó sẽ mua được giá rẻ hơn nên đến mua và ép giá chúng tôi. Thà là người không có điều kiện, nhưng năm ngoái còn có người đánh ô tô đến mua. Nhiều khi bán được một chậu hoa không bằng tiền thuê vận chuyển.

Chúng tôi không sợ cực khổ để ngủ ngoài đường, nhưng họ chờ chúng tôi giảm giá mới chịu đến mua", chị Hạnh ngậm ngùi chia sẻ.

Chia sẻ với PV, chị Tâm - chủ một sạp hoa trên đường Lê Văn Khương (Quận 12, TP.HCM) kể: "30 Tết là lúc này chúng tôi bắt đầu phải giảm giá để xả hàng, mong vớt vát được chút tiền để về đón giao thừa. Nhưng nhiều người cũng không mua, họ đứng đợi chúng tôi vứt hoa lại rồi chở về".

Video: Cuộc sống mưu sinh giữa đêm tại chợ hoa TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk

Vì không đủ vốn, chị Tâm chỉ nhập những chậu hoa cúc nhỏ với giá 200.000 đồng/cặp. Với mức giá này, chị chỉ lời chưa đến 30.000 đồng. Thế nhưng đến thời điểm cận Tết, chị cũng phải tính toán giảm giá để có thể vớt lại chút tiền vốn đã bỏ ra, thậm chí là chấp nhận bán lỗ.

"Để trồng một cây hoa, cây quất đâu có phải dễ, phải chăm sóc, tưới tiêu rất tốn kém, chưa kể phải căn làm sao cho hoa, quả ra đúng thời điểm vì chỉ cần trật một chút thôi là cả nhà mất Tết.

Nhiều người bảo rằng tiểu thương chúng tôi đẩy giá cao hơn so với ở nhà vườn, nhưng họ không tính đến tiền vận chuyển, tiền thuê mặt bằng, đủ thứ tiền khác thì chúng tôi mới có một chỗ yên ổn để bán hoa.

Chưa kể chúng tôi phải nằm ngoài trời cả ngày, cả đêm chứ sung sướng gì. Tôi chỉ mong người dân đặt mình vào vị trí của chúng tôi mà suy nghĩ, đừng mua hoa 30 Tết nữa", anh Hoàng Tùng - chủ một sạp hoa trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) chia sẻ.

Cũng vì lo sợ tâm lý đi mua hoa vào 30 Tết của người dân, gia đình anh Tùng không dám nhập những chậu hoa lớn vì sợ khó bán. "Bỏ ra mấy chục triệu mà không biết có thu về đủ vốn hay không, chúng tôi đang lo không biết sẽ thế nào.

Đã nhiều trường hợp, vì tức mà người ta đập bỏ hết chậu hoa, chậu quất còn lại thay vì chấp nhận bán rẻ cho mấy người mua vào đêm giao thừa. Vì đường nào cũng lỗ rồi, người ta giận nên người ta không thèm bán nữa, đó là tâm lý bình thường", anh Tùng chia sẻ.

hoa

 Những chậu hoa này chính là niềm hy vọng vào một cái Tết êm ấm của các tiểu thương.

Khác hoa mai hay quất có thể được đem về chăm sóc lại để chờ cho năm sau, những chậu hoa cúc chỉ bán được đúng một dịp Tết. Thế nên, những câu hỏi cho vui rồi lắc đầu bỏ đi của người mua đã kéo theo không biết bao nhiêu tiếng thở dài não nề của người bán.

Anh Lê Xuân Đào (ngụ Quận 12), một khách mua hoa chia sẻ: "Tâm lý mua hoa 30 Tết đang ăn sâu vào ý thức của nhiều người, tôi nghĩ điều này không tốt vì sẽ khiến người ta mất đi sự đồng cảm. Tôi cho rằng nếu ai có điều kiện thì nên mua hoa sớm hơn, mình muốn nghỉ Tết thì người ta cũng muốn nghỉ thôi".

Trong khi đó, trên mạng xã hội hiện nay đang truyền tay thông điệp "đừng đi mua hoa, cây cảnh hôm 30 Tết nếu bạn có điều kiện mua trước đó" được nhiều người tích cực hưởng ứng.

hoatet 3

Nhiều người đã bất chấp thời tiết, ngày đêm để ngủ lại bên những chậu cảnh chưa bán kịp. 

Theo đó, thông điệp kêu gọi mọi người hãy cùng làm nhau vui dịp Tết: "Mình muốn vui Tết, người nông dân cũng muốn vui, vậy thì cùng làm nhau vui nếu như bạn có điều kiện mua cây, hoa cảnh trước đó. Đừng đợi trưa 30, đừng đợi chiều 30, tối 30 thậm chí giao thừa xong... đi mua cho rẻ.

Người trồng hoa quanh năm vất vả, chăm sóc tỷ mỉ, chu đáo, nhiều công đoạn lắm, đến khi cuối năm họ mang cả chăn màn ra chỗ bán ngủ canh suốt cả tuần, đứng giữa đường để bán dù thời tiết mưa, giá rét, đêm ngủ co ro trong bạt, trong khi bạn ngủ chăn ấm.

Vậy thì đừng tiếc trao nhau niềm vui, nụ cười cuối năm - Đừng để đến 30 Tết mới mua. Khi đó chỉ còn lại nước mắt, nỗi buồn và thà đập bỏ còn hơn bị hôi của".

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn