Tâm nguyện 'cha đẻ' tàu ngầm Trường Sa

Thời sựThứ Năm, 27/03/2014 07:44:00 +07:00

Người chế tạo tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa đã có những trải lòng sau khi Viện kỹ thuật tàu quân sự của Bộ Quốc phòng về thăm.

Người chế tạo tàu ngầm Trường Sa, ông Nguyễn Quốc Hòa đã có những trải lòng sau khi Viện kỹ thuật tàu quân sự của Bộ Quốc phòng về thăm.

Cách nghiên cứu có một không hai

Sáng 24/3/2014, đoàn công tác của Viện kỹ thuật tàu quân sự gồm Viện trưởng, Viện phó, cùng nhiều chuyên gia của Viện đã về tham quan tàu ngầm Trường Sa 1, đồng thời tìm hiểu về công nghệ mà ông Nguyễn Quốc Hòa đang nghiên cứu.

Kết thúc buổi làm việc, Viện trưởng Đào Ngọc Thạch khẳng định sẽ giúp đỡ tàu Trường Sa về mặt kỹ thuật, tài liệu trong phạm vi của Viện. Đồng thời, các chuyên viên có kinh nghiệm sẽ là đầu mối liên lạc để hỗ trợ cho ông Hòa. Ngoài ra, Viện trưởng Thạch mong muốn sẽ giúp đỡ biến tàu ngầm Trường Sa thành một dự án khoa học để được trợ giúp từ nguồn vốn của nhà nước.
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng về thăm cơ sở sản xuất của ông Hòa
Đoàn công tác của Bộ Quốc phòng về thăm cơ sở sản xuất của ông Hòa 
Sau khi nhận được những thông tin đáng mừng trên, ông Nguyễn Quốc Hòa đã có những chia sẻ, tâm sự về quá trình chế tạo tàu ngầm Trường Sa.

“Tôi đã nhiều lần trao đổi với ông Phan Bội Trân, người chế tạo chiếc tàu ngầm mini bằng chất liệu composit, tuy nhiên, chất liệu này không phải sở trường của tôi. Tôi muốn một chiếc có thể chứa được một vài người ngồi thoải mái trong tàu, có thể bơi ra biển và bơi về, vì thế động cơ ắc quy cũng không phải là lựa chọn hàng đầu. Do đó tôi nghĩ đến hệ thống tuần hoàn không khí AIP.”

Doanh nhân người Thái Bình tâm sự: “Tôi nhớ những ngày mới bắt đầu có ý định làm tàu ngầm, đang trong giai đoạn tìm tài liệu, tôi đã đi đến đại học Hàng Hải và nhiều cơ quan khác, nhưng mọi tài liệu, kiến thức đều hạn chế chia sẻ. Bực mình tôi tự tìm tài liệu trên mạng, sau đó đối chiếu chéo với nhau. Ví dụ như Liên Xô sử dụng AIP thế nào, Đức ra sao, Thụy Điển ra sao… rồi từ đó rút ra cái tối ưu hóa nhất cho mình.

Bằng phương pháp đối chiếu chéo này, tôi nắm được mấu chốt của vấn đề. Khi đã nắm được điều này rồi, thì việc tìm ra chiếc chìa khóa sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nên nhớ rằng mọi sản phẩm đều có dấu vết công nghệ. Ví dụ như những chiếc máy in, máy cắt giấy tôi sản xuất ra cũng đều do mày mo lần tìm những dấu vết này trên thành phẩm của Nhật Bản.”
Giới thiệu về tàu ngầm Trường Sa cho Phó Viện trưởng Phạm Chí Linh
Giới thiệu về tàu ngầm Trường Sa cho Phó Viện trưởng Phạm Chí Linh 
Cha đẻ của tàu ngầm Trường Sa bày tỏ: “Cho đến ngày hôm nay, tàu Trường Sa đã thành công bước đầu, rất nhiều cơ quan chức năng của nhà nước quan tâm, báo chí và nhân dân cả nước ủng hộ. Tôi tin rằng, bây giờ có đi đến đâu xin tài liệu, người ta cũng đã biết đến ông Hòa và chiếc tàu ngầm mà không nỡ từ chối. Đó là điều tôi cảm thấy vui mừng.”

Tâm nguyện với Trường Sa 1

Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết: “Trong tất cả các cơ quan chức năng đã tới thăm tàu Trường Sa, đoàn của Bộ Quốc phòng vừa qua là được tôi mong đợi nhất. Bởi tôi làm tàu cũng một phần vì các anh ấy, vì nền quân sự nước nhà. Sau lần thử nghiệm trước sự chứng kiến của đơn vị này, tôi sẽ dừng các hoạt động thử nghiệm trong bể và tiến hành bước tiếp theo.”

Ông Hòa chia sẻ, giai đoạn tiếp theo, ông sẽ khảo sát một lòng hồ trong khu công nghiệp về độ sâu, mức bùn, diện tích, sau đó đưa tàu Trường Sa tới đó thử nghiệm khả năng di chuyển trong nước và hệ thống lái.

Sau giai đoạn thử nghiệm khả năng di chuyển, tàu sẽ được mang về xưởng để tân trang, sơn màu sơn mới, viết tên tàu, vẽ hình quốc kỳ và tiến hành thử nghiệm trên sông hoặc biển.
 Nụ cười của người chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1 sau khi con tàu vừa từ đáy bể thử nghiệm nổi lên
Nụ cười của người chế tạo tàu ngầm Trường Sa 1 sau khi con tàu vừa từ đáy bể thử nghiệm nổi lên 
Thời gian vừa qua, gia đình của doanh nhân này có chuyện buồn khi người cha của ông đã qua đời. Ông Nguyễn Quốc Hòa bày tỏ, cha ông trước đây từng là hải quân, đã được chỉ huy tàu trong thời chống Mỹ, nhưng ngày đó chỉ gọi là một con thuyền chứ không thể gọi là tàu đúng nghĩa.

Ông Hòa chia sẻ: “Ngày bố tôi còn sống, ông cũng rất quan tâm đến chiếc tàu này và ủng hộ tôi hết sức. Ông động viên rằng cố gắng làm được một thứ gì đó để cho thế hệ sau này. Đời tôi, thế hệ tôi đã làm được Trường Sa 1, vậy thì Trường Sa 2, Trường Sa 3, không phải là nhiệm vụ của tôi nữa mà là của những người trẻ, những người có khả năng và dám nghĩ dám làm.”

» Ảnh độc hai tàu ngầm Yết Kiêu và Trường Sa
» Người chế trực thăng xin tài liệu 'cha đẻ' tàu ngầm Trường Sa
» Ước mơ trực thăng 200 triệu đồng của 'cha đẻ' tàu ngầm Trường Sa


Theo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn