Tâm không sáng thì cúng bao nhiêu vàng mã cũng bằng không

Thời sựThứ Sáu, 23/02/2018 16:56:00 +07:00

Không có tâm sáng, không sống hướng thiện, thì dù có cúng nhiều vàng, mã đến đâu, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ được nhận lại những điều tốt đẹp.

Những ngày đầu Xuân Mậu Tuất, khi mọi người còn đang chìm đắm trong không khí lễ hội, du xuân, đi lễ cầu may, có thể nói, việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn số 31 do Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch thường trực ký khiến nhiều Phật tử hết sức vui mừng, phấn khởi.

Nội dung của công văn nêu rõ: "Đề nghị Ban thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hoá tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo.

Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".

dot vang ma

 (Ảnh: Zing)

Với nhiều người, đây là điều mong đợi từ lâu. Hệ lụy của việc dâng, đốt vàng mã tràn lan, không đúng địa điểm là quá rõ: Gây lãng phí, mất an toàn cháy nổ, ô nhiễm môi trường...

Cơ quan quản lý văn hóa và nhiều người dân không phải không nhận thấy, song chưa có một văn bản chính thức nào để chấn chỉnh, thay đổi thói quen đó. Vì vậy, ngay khi công văn này ra đời, nó đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, kể cả các Phật tử.

Nhiều người cho rằng, đây là công văn mang tính cấp thiết, kịp thời, có giá trị thời sự rất cao, vì đúng thời điểm mà nhiều người dân Việt Nam quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Mà chốn “ăn chơi” dịp đầu Xuân của đa số người dân thường là chốn tâm linh, nơi cửa Phật, những địa điểm diễn ra các lễ hội gắn liền với văn hóa tâm linh, các cơ sở thờ tự.

Cũng chỉ ít ngày nữa, là đến ngày Rằm tháng Giêng, một ngày Rằm đặc biệt so với các Rằm khác bởi dân gian ta quan niệm “Cúng cả năm không bằng cúng Rằm tháng Giêng”. 

Có thể coi tháng Giêng là thời điểm mà người dân sử dụng nhiều nhất vàng mã vào các hoạt động tâm linh, tại các nơi thờ tự, từ gia tiên đến các đình, chùa, đền…

Việc công văn ban hành vào ngay những ngày đầu năm, khi những chốn thờ tự bắt đầu mở cửa, khai hội đã là hết sức kịp thời, có tác dụng ngay lập tức. Những đệ tử chân chính của Phật giáo đều hiểu, việc đốt vàng, mã tại chốn cửa Phật là điều sai trái, bị coi như một “hủ tục” cần được chấn chỉnh, dần loại bỏ.

Theo quan điểm của nhà Phật, chốn cửa Phật là nơi thanh tịnh, uy nghiêm, tuyệt đối không tiếp nhận đồ thờ cúng là vàng mã hay các đồ lễ mặn.

Tuy nhiên, do tập tục để lại từ lâu và nhận thức của đông đảo người dân nên hiện nay, hầu hết các chùa đều vẫn cho phép các Phật tử, du khách dâng vàng mã tại các ban thờ. Và hầu hết các chốn thờ tự của nhà Phật có xây riêng nơi hóa vàng để hóa những đồ lễ lỉnh kỉnh, tốn kém kia.

Đáng nói, cái gì đã là thói quen thì rất khó loại bỏ. Nhất là khi tâm lý người dân Việt Nam vốn trọng lễ nghĩa, thậm chí là có tật xấu là "a dua", thấy người khác làm, mình cũng cố bắt chước, thậm chí làm to hơn, vừa là để "ra oai", vừa là tin rằng cứ lễ nhiều, dâng đồ lễ to là sẽ được ban lộc lớn theo tỉ lệ thuận.

Việc nhiều người quan niệm "phú quý sinh lễ nghĩa", ngày càng nhiều người dâng lễ vàng, mã hoành tráng, cầu kỳ tại cửa Phật, trong khi đó, tại các cơ sở thờ tự lại không có quy định, hướng dẫn cụ thể, nên các Phật tử, du khách không nhận thức được cái sai, hệ lụy của việc cúng vàng, mã để điều chỉnh, thay đổi.

Mặt khác, các chùa lại "cả nể", không muốn gây căng thẳng với du khách nên dù biết để người dân cúng vàng mã là chưa đúng, song lại ngại lên tiếng, nhắc nhở.

Việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn này được coi là bước “đột phá”, là cơ sở để các cơ quan, hệ thống cơ sở thờ tự các cấp của Giáo hội Phật giáo dựa vào chấn chỉnh lại hoạt động tín ngưỡng chốn cửa Phật, trả lại nét đẹp vốn có nơi thâm nghiêm, thanh bạch này.

Đây cũng là tiếng nói chính thống để định hướng lại tư tưởng, quan điểm, tạo cho các Phật tử, du khách cái nhìn đúng đắn, tâm thế mới khi hành lễ, tránh việc gây lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Video: Giải mã tục đốt vàng mã của người Việt

Còn không ít các ý kiến trái chiều, hoài nghi như việc có ý kiến cho rằng đây là quyền tự do tín ngưỡng cá nhân, nếu pháp luật không cấm thì nhà chùa cũng không  được cấm người dân đốt vàng, mã.

Hoặc có ý kiến khác cho rằng đây là nét văn hóa cổ truyền từ bao đời nay, bây giờ đời sống người dân được nâng lên, tại sao lại bỏ đi?

Song, tin chắc rằng, công văn này sẽ được đông đảo người dân đón nhận, ủng hộ và nghiêm túc chấp hành.

Cũng cần phải hiểu thêm rằng, công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ yêu cầu các cơ sở hướng dẫn người dân không đốt vàng, mã tại nơi thờ tự do Giáo hội Phật giáo quản lý, chứ không phải cấm cúng, đốt vàng mã trong mọi hoạt động tín ngưỡng.

Kể cả việc đốt vàng mã ở bàn thờ gia tiên, mỗi người cũng cần có sự nhận thức đúng đắn, văn minh để duy trì, thực hiện sao cho hợp lý, bảo đảm vừa giữ được nét đẹp, truyền thống đạo lý nhớ ơn tổ tiên một cách thành kính, vừa tiết kiệm, an toàn.

Đừng để xảy ra những trường hợp có gia đình phải “chạy ăn từng bữa” nhưng vẫn bấm bụng cố gắng vay mượn để sắm đồ cúng, lễ, vàng mã thật to, thật hoành tráng cho tổ tiên, thánh thần. Để rồi, chẳng hiểu thánh thần, tổ tiên chứng giám, ban tài tiếp lộc được đến đâu, nhưng, món nợ ấy khiến gia chủ đã nghèo lại càng thêm nghèo mãi.

Văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng đức Phật, tổ tiên, thánh thần là vấn đề nhạy cảm, là nét văn hóa cần được tôn trọng. Song, thiết nghĩ, điều gì cũng cần có giới hạn và mỗi người cần tỉnh táo, đúng mực, tránh đặt niềm tin một cách mù quáng dẫn tới mê tín, dị đoan.

Nếu thành tâm, chỉ cần chắp tay khấn, đầu nghĩ điều thiện, miệng nói lời trong sáng, thế đã là đủ. Khi không có tâm sáng, không sống hướng thiện, thì dù có cúng nhiều vàng, mã đến đâu, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ được nhận lại những điều tốt đẹp. Bởi, dân gian vẫn có câu "gieo nhân nào, gặt quả nấy".

Đó mới là điều có thật!

Chiến Văn
Bình luận
vtcnews.vn