Tài xế vạ vật, tiểu thương khóc dở mếu dở vì dưa thối rữa ở cửa khẩu

Thời sựThứ Năm, 09/04/2015 05:30:00 +07:00

Cả nghìn xe chở dưa hấu từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tới cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thì bị ùn ứ nhiều ngày, thối rữa.

(VTC News) - Cả nghìn xe chở dưa hấu từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tới cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) bị ùn ứ nhiều ngày, thối rữa.

Suốt hơn 1 tuần qua, mỗi ngày có hàng trăm xe, tương đương với hàng trăm tấn dưa hấu bị ùn tắc kéo dài nhiều km ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Hầu hết số dưa này được vận chuyển từ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Nắng nóng khiến nhiều trái dưa bị hỏng vứt la liệt bên hông cửa khẩu.

Khảo sát tại một số hàng dưa hấu bán lẻ bên đường vào cửa khẩu Tân Thanh cũng như tại khu vực bến bãi của cửa khẩu những ngày này, phóng viên nhận thấy giá có lúc dưa chỉ được bán trên dưới 1.000 đồng/kg. 

 Đoàn xe chở dưa hấu ùn tắc kéo dài. (Ảnh: Dân Việt)
Ông Hồ Văn Thành, tài xế xe 77K-9536, ngụ Phù Cát, Bình Định cho biết “bán lỗ, dưa hấu bị thải nhiều, tôi không còn tiền về quê”.

Vừa chỉ tay vào thùng xe, ông Thành buồn rầu bảo: “Đấy chú xem, đi từ miền Nam ra đây mất 2 ngày, nằm chờ trên đường vào cửa khẩu thêm 5 ngày trời. Vừa đến lượt xuất hàng qua Trung Quốc, tưởng kéo lại đồng vốn, nào ngờ dưa hấu bị trả về cả nửa xe lên đến gần 6 tấn, tôi hết đường về quê luôn đấy”.

Lý giải về nguyên nhân, ông Thành cho biết, dưa của ông được lấy từ huyện An Khê (Gia Lai). Do khi thu mua, vận chuyển, “nằm” chờ dài ngày nên dưa bị nám, hỏng nhiều, lại thêm việc không có bao bì, nhãn mác như phía bạn hàng yêu cầu nên bị ép giá. Giờ chỉ bán được với giá 1,7 nhân dân tệ/kg dưa loại 1, có lúc giảm còn 1,5 nhân dân tệ/kg (khoảng từ 5.000 đồng đến 9.000 đồng/kg).

 Sau nhiều ngày bị ùn ứ, dưa của người dân bắt đầu thối rữa. (Ảnh: Lao Động)

 Dưa hỏng chất đống gần cửa khẩu. Ảnh: (Dân Việt)
“Không những bị ép giá, mà chủ hàng và lái xe còn phải bỏ ra nhiều chi phí khác lên đến trên dưới 10 triệu đồng tùy vào các loại và kích cỡ, trọng lượng xe. Ví như xe tôi loại 3 chân 12 tấn, chịu tiền bến bãi khoảng hơn 3 triệu đồng, bồi dưỡng bốc xếp 2 triệu đồng… Đến giờ coi như trắng tay, chả biết lấy tiền đâu mà về quê nữa” – ông Thành ngậm ngùi.

Theo ông Thành, còn nhiều xe hàng khác còn rơi vào hoàn cảnh thê thảm hơn. Ví như chủ xe tải 51R-10155 bán lỗ nặng không có tiền đóng bến bãi vẫn “nằm chờ”, xe 71R-004177 chịu lỗ trên 50 triệu đồng…

Cũng rơi vào tình cảnh "khóc dở mếu dở", bà Trần Thị Huyền, một chủ đầu mối thu mua dưa ở An Giang cho biết: “Thời gian đầu ngóng thấy giá còn lên được gần 20.000 đồng/kg, tôi cố thu mua nhiều để lấy lãi. Nhưng đến khi lên cửa khẩu “nằm chờ” 5, 6 ngày, khi giá dưa bị giảm xuống còn 6.000 đồng/kg mới xuất bán được, tính ra lỗ đến cả trăm triệu đồng chứ có ít đâu”.

 Nhiều chủ hàng bán tống bán tháo dưa tại cửa khẩu với giá trên dưới 1.000đ/kg. (Ảnh: Dân Việt)
Cũng theo bà Huyền, nguyên nhân cũng do một phần các chủ thương lái người Việt tránh bị thu phí bến bãi nên găm hàng bên cửa khẩu chờ giá lên mới xuất hàng sang, nhưng càng chờ giá càng giảm, cộng với thời tiết thất thường, dưa, chuối…, hỏng nhiều nên phải gánh lỗ là chuyện rất bình thường.

Tài xế tên Cương chở dưa hấu từ Quãng Ngãi cho hay, xe tải chở 13 tấn dưa xuất phát từ Quãng Ngãi 5 ngày trước, sau hơn một ngày thì tới Lạng Sơn, tuy nhiên phải chờ thêm 4 ngày nữa mới tiến sát được cửa khẩu Tân Thanh mặc dù chặng đường dài hơn 10km.

Bà Đặng Thị Ngân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) - cho hay, nguyên nhân chính xảy ra ùn tắc kéo dài là do năng lực kho bãi của phía Trung Quốc chỉ có thể tiếp nhận tối đa ở mức 300 xe/ngày. Bởi vậy mỗi ngày phía Trung Quốc chỉ có thể cho phép 300 xe nông sản của Việt Nam chở hàng qua, trong khi mỗi ngày tại cửa khẩu có tới hơn 500 xe vào. 

 Ảnh: Dân Việt
 Tài xế vạ vật chờ chở dưa qua biên giới. (Ảnh: Lao Động)
Còn ông Lý Văn Khi - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý cửa khẩu Tân Thanh - Cốc Nam, chỉ ra một nguyên nhân khác. Ngoài nguyên nhân năng lực kho bãi bên phía Trung Quốc thì theo ông Khi, do giá lưu bến của Trung Quốc cũng cao hơn nhiều lần so với Việt Nam, lên tới gần 2 triệu đồng/ngày, trong khi ở Việt Nam cao nhất chỉ 260.000 đồng/ngày. 

“Khi hàng nhiều, giá bán đang chững lại thì nhiều xe chủ động ở lại Việt Nam chờ giá nhích lên mới sang Trung Quốc để tránh tiền lưu bến bãi”, ông Lý nói. 

Ông Trần Hùng - Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn giải thích, do phía Trung Quốc có chủ trương phân luồng các loại mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tại cửa khẩu Tân Thanh, hàng hóa Việt Nam chưa qua bao bì, đóng hộp phía Trung Quốc chỉ cho nhập hàng nông sản củ quả. 

Video: Dưa hấu ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh



Việc này đã diễn ra nhiều năm nhưng đến nay hai bên vẫn chưa thống nhât với nhau được. Vào vụ cao điểm thanh long, dưa nếu phía Trung Quốc cho mở các cửa khẩu khác giảm tải thì chắc không ùn tắc như vậy!

Đà Long (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn