Tại sao không cách ly F1 tại nhà?

Tin tứcThứ Bảy, 06/02/2021 16:00:27 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia lý giải nguyên nhân các F1 (tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19) không cách ly tại nhà.

Theo PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, F1 là người tiếp xúc trực tiếp với ca dương tính nên nguy cơ bị mắc bệnh rất cao. Có thể nói F1 chính là nguồn lây tiềm tàng nhất. Nếu để cách ly F1 tại nhà có 2 nguy cơ lớn phải đối mặt.

Đầu tiên đó là việc cách ly tại nhà thường rất khó triệt để và khó kiểm soát, chỉ cần người F1 lơ là vi phạm quy định cách ly thì nguồn bệnh sẽ lây ra cộng đồng.

Nhưng nguy cơ thứ hai còn nguy hiểm hơn rất nhiều và thuộc phạm vi y đức. Nghĩa là khi để F1 tại nhà cùng với các thành viên khác trong gia đình thì nguy cơ F1 sẽ làm lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình là rất lớn.

Tại sao không cách ly F1 tại nhà? - 1

PGS. TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

 

 

“Các gia đình ở Việt Nam có nhiều thế hệ cùng sinh sống, người già có, trẻ con có, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền… khi bị lây nhiễm sẽ gây bệnh nặng và tử vong cho người trong cùng gia đình. Nhiều nước áp dụng việc này và để lại hậu quả lớn. Đây cũng chính là vấn đề y đức mà chúng ta phải quan tâm và tôn trọng vì chúng ta phải nghĩ đến việc bảo vệ sức khỏe cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên chúng ta cũng sẽ vừa làm vừa suy nghĩ tổng kết kinh nghiệm để có những điều chỉnh phù hợp nhất mà vẫn đảm bảo được an toàn”, ông Dương nói.

Nghĩ tới chuyện “Chúc Tết qua mạng”

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Tết Nguyên đán Tân Sửu đang đến gần, tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Vì vậy, dù đón Tết trong không khí vui tươi nhưng mỗi người cần nhớ giữ an toàn cho mình và cho mọi người.

Để phòng bệnh, mọi người, mọi gia đình cần thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn tay - Không tụ tập - Khoảng cách - Khai báo y tế.

Tại sao không cách ly F1 tại nhà? - 2

PGS.TS Trần Như Dương trao đổi công việc với các cán bộ làm việc tại khu cách ly ở Hải Dương.

Ngoài ra, người dân cũng không nên đi đến những vùng đang có dịch. Một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cũng cần thay đổi như thay vì đi từng nhà gặp gỡ trực tiếp để chúc Tết thì hãy trở thành công dân thời 4.0. Mọi người có thể chúc Tết qua mạng, chúc Tết qua các ứng dụng Internet, nhắn tin, gọi điện…. Thay vì mừng tuổi lì xì bằng tiền mặt hoặc bằng bao lì xì thì có thể gửi thiếp chúc mừng qua mạng thôi.

"Tôi nghĩ thời điểm này mọi người cũng đều thông cảm cả và đều hiểu rằng an toàn mới là quan trọng nhất”, ông Dương khuyến cáo.

Sáng 6/2, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, số người nhiễm SARS-CoV-2 ở nước ta hiện là 1.976. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện Việt Nam chữa khỏi 1.465/1.976 bệnh nhân. Trong các bệnh nhân đang còn điều trị có 10 người âm tính lần 1, 3 người âm tính lần 2 và 2 trường hợp âm tính lần 3 với SARS-CoV-2.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) ở nước ta là 80.113. Trong đó, 489 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 24.362 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 55.262 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Số ca tử vong đến nay là 35, gồm 31 người tại Đà Nẵng, 3 người ở Quảng Nam và 1 người ở Quảng Trị. Phần lớn trong số họ là người cao tuổi, có bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, tiểu đường type 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp