Tại sao giá chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình đắt gấp đôi BV Bạch Mai?

Pháp luậtThứ Ba, 29/05/2018 17:02:00 +07:00

Sáng 29/5, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn đã lên tiếng phân trần tại phiên tòa về cáo buộc mức giá chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình 7,7 USD/ca, đắt gấp đôi so với BV Bạch Mai Hà Nội.

Chiều 29/5, phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương tiếp tục nóng với phần làm rõ trách nhiệm của các bên.

Luật sư Nguyễn Danh Huế - đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình tại phiên tòa xét xử vụ sự cố y khoa làm 9 người thiệt mạng đã cáo buộc mức giá chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình 7,7 USD/ca, đắt gấp đôi so với mức giá chạy thận tại Hà Nội. Đáng nói, trong chi phí này, Công ty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu chạy thận do là đơn vị trang bị máy.

nguyen danh hue

 

Sáng 29/5, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Sơn đã lên tiếng phân trần tại phiên tòa.

Bà Hương cho rằng cần làm rõ hơn về việc thuê máy, giá thuê máy là 7,7 USD cho tất cả các hợp đồng. Toàn bộ bệnh nhân chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình được bảo hiểm trả tiền, không phải bệnh nhân trả cho Bệnh viện hay cho Công ty Thiên Sơn.

Đáp lại lời bào chữa trên, luật sư Huế cho rằng dù bảo hiểm y tế hay bệnh nhân trả tiền, mức giá trên là giá “trên trời”, và việc “kê” giá cao lên như vậy càng chứng tỏ Thiên Sơn đã hưởng số tiền rất lớn, trong khi quỹ bảo hiểm đang gặp khó khăn.

Hành vi này của Thiên Sơn, theo lời luật sư Huế, cần phải khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Sơn) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tiếp tục bảo vệ cho Công ty Thiên Sơn, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương cho biết mức giá chạy thận cao hay thấp phụ thuộc vào hợp đồng giữa bệnh viện và Công ty Thiên Sơn về mặt vật tư, dịch truyền phục vụ chạy thận, chứ không phải Công ty đến Bệnh viện để thu tiền.

“Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình quản lý toàn bộ may móc, đặc biệt là hệ thống RO 2. Nội dung này thể hiện Thiên Sơn đã hoàn thành hợp đồng cung cấp hệ thống RO 2 từ năm 2010. Tại thời điểm đó, BVĐK tỉnh Hòa Bình có một Hội đồng lập ra nghiệm thu và thuê đơn vị tư vấn về việc cung cấp hệ thống này… Điều này thể hiện rõ trong hồ sơ”, bà Hương nói.

Ngay sau đó, bà Hương quay sang đổ lỗi cho BVĐK tỉnh Hòa Bình trong việc thiếu trách nhiệm gây nên sự cố y khoa: “Việc dùng nước chưa đảm bảo là vô cùng nguy hiểm, thể hiện sự cẩu thả nhưng cũng thể hiện Thiên Sơn không có lỗi trong hành vi này. Sự cố là đau lòng, chưa biết đúng sai thế nào nhưng Công ty Thiên Sơn đã ngay lập tức chia sẻ đau thương mất mát…”.

Bà Hương cũng cáo buộc phía Bệnh viện cho rằng họ đã có trách nhiệm với gia đình các nạn nhân thông qua việc phúng viếng mỗi gia đình nạn nhân 10 triệu đồng.

Tại phiên tòa sáng nay, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) bảo lưu quan điểm cho rằng Thiên Sơn phải liên đới cùng với BVĐK tỉnh Hòa Bình bồi thường cho gia đình các nạn nhân. Còn luật sư của BVĐK tỉnh Hòa Bình thì đề nghị HĐXX tuyên phía Thiên Sơn phải có trách nhiệm bồi thường thay cho bệnh viện. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương tiếp tục phản đối quan điểm này của cả VKS và luật sư Huế.

“Tôi không đồng ý vì bệnh viện tự ý đưa nước đang sửa chữa, đang thực hiện hợp đồng vào chạy thận là ngoài mong muốn của Thiên Sơn và Công ty không thể ngăn cản nổi. Với quan hệ bồi thường ngoài hợp đồng, bệnh viện cho rằng Thiên Sơn phải liên đới bồi thường là không đúng”.

Video: Ai là người chỉ đạo thêm nhiệm vụ cho bác sĩ Hoàng Công Lương

Bà Hương cũng nêu quan điểm cho rằng phía bệnh viện là bị đơn dân sự duy nhất trong vụ án này, và hành vi của Thiên Sơn không có mối nhân quả trực tiếp tới hậu quả. Cụ thể là Thiên Sơn thực hiện hợp đồng, không đưa nguồn nước chưa đảm bảo vào chạy thận. Theo đó, đại diện của công ty Thiên Sơn đề nghị HĐXX chấp nhận ý kiến đề nghị xem xét trách nhiệm của Bộ Y tế liên quan đến việc ban hành quy trình lọc máu.

“Chỉ vì bao nhiêm năm họ không ban hành, nhưng sau vụ án vài tháng kể từ khi xảy ra sự cố họ ban hành rồi, vậy bao nhiêu năm trước họ ở đâu?”, luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương đặt câu hỏi.

Sau khẳng định việc đưa nước chưa đảm bảo vào lọc máu không có lỗi của Thiên Sơn, bà Hương đề nghị HĐXX bác yêu cầu của VKS và luật sư Huế về việc Thiên Sơn phải liên đới bồi thường cho gia đình các nạn nhân, đồng thời đề nghị HĐXX bác quan điểm khởi tố ông Đỗ Anh Tuấn.

Đối đáp với luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng cho rằng trách nhiệm dân sự thuộc Bệnh viện và Thiên Sơn phải liên đới bồi thường. Tại tòa, 2 bên đều thừa nhận có ký hợp đồng, có giao dịch và bị cáo Bùi Mạnh Quốc thực hiện hợp đồng với tư cách người của Thiên Sơn.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn