Tại sao đại học Mỹ đắt đỏ?

Giáo dụcChủ Nhật, 14/10/2018 16:46:00 +07:00

Tổng kinh phí dành cho đội ngũ nhân viên như chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần, bộ phận tuyển sinh... còn lớn hơn nhóm giảng dạy.

Từ xưa đến nay, việc học phí giáo dục bậc cao ở Mỹ tăng vọt luôn khiến nhiều người kinh ngạc. “Các quý ông phải chi tiền trong một năm cho con trai nhiều hơn tổng bốn năm họ từng bỏ ra để hoàn thành khóa học”, tờ New York Times viết năm 1875. Tác giả lập luận rằng điều này xảy ra do căn hộ sinh viên ngày càng khang trang, những bữa ăn đắt tiền và việc “nghiện các môn thể thao”.

Ngày nay, Mỹ chi tiêu cho giáo dục đại học nhiều hơn hầu hết quốc gia khác, theo báo cáo về giáo dục năm 2018, được công bố đầu tháng 9 bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Cộng khoản đóng góp của từng gia đình và chính phủ (dưới hình thức cho vay, học bổng và các loại hỗ trợ khác), người Mỹ chi khoảng 30.000 USD cho mỗi sinh viên trong một năm - gần gấp đôi mức trung bình của các quốc gia phát triển.

“Mỹ đang ở đẳng cấp của riêng mình. Chi tiêu cho mỗi sinh viên quá cao và hầu như không có mối liên hệ với giá trị mà sinh viên có thể nhận được”, Andreas Schleicher, giám đốc phụ trách giáo dục và kỹ năng tại OECD cho biết.

Chỉ một quốc gia chi tiêu nhiều hơn cho mỗi sinh viên, đó là Luxembourg - nơi chính phủ chủ trương miễn học phí. Thực tế, một phần ba các nước phát triển cung cấp nền đại học miễn phí cho công dân, và một phần ba giữ học phí ở mức rất rẻ - ít hơn 2.400 USD một năm.

Bài viết của Amanda Ripley trên The Atlantic nhân mùa tựu trường năm 2018 đi sâu phân tích lý do đại học Mỹ đắt đỏ và liệu mức phí đó có xứng đáng? 

Dịch vụ đi kèm

Mỹ xếp thứ nhất thế giới về chi tiêu cho các dịch vụ phúc lợi của sinh viên như nhà ở, bữa ăn, chăm sóc sức khỏe và vận chuyển, nhóm chi tiêu mà các nước OECD kém xa, chỉ xem như “dịch vụ phụ trợ”. Các gia đình và người chịu thuế ở Mỹ chi khoảng 3.370 USD cho những dịch vụ này trên mỗi sinh viên, cao hơn ba lần mức trung bình của các nước phát triển.

Ngoài ra, sinh viên Mỹ có nhiều khả năng sống xa nhà hơn, lý do quan trọng ảnh hưởng đến tổng chi phí. Các chuyên gia nói rằng đại học ở Canada và châu Âu có xu hướng ít ký túc xá và nhà ăn hơn ở Mỹ.

Mỹ là điểm đến hấp dẫn về giáo dục đại học. Ảnh: World Top Listed University

 Mỹ là điểm đến hấp dẫn về giáo dục đại học. (Ảnh: World Top Listed University)

“Gói dịch vụ mà một trường đại học Mỹ và Pháp cung cấp rất khác nhau”, David Feldman, chuyên gia kinh tế mảng giáo dục tại Đại học William & Mary ở Williamsburg, Virginia cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở điều kiện ăn ở. Ngay cả khi không có tất cả dịch vụ này, Mỹ vẫn chi tiêu cho mỗi sinh viên đại học nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, tất nhiên vẫn trừ Luxembourg.

Dữ liệu chỉ ra rằng phần lớn kinh phí được đại học Mỹ sử dụng cho hoạt động giáo dục, như trả lương cho nhân viên và người giảng dạy. Những chi phí này lên tới khoảng 23.000 USD cho mỗi sinh viên một năm - gấp hai lần những gì Phần Lan, Thụy Điển hoặc Đức chi cho các dịch vụ cốt lõi.

Việc kinh doanh giáo dục quá đắt đỏ bởi đại học không giống những thứ người ta thường mua, Feldman và cộng sự Robert Archibald viết trong cuốn sách Why does college cost so much? năm 2011. Giáo dục là một dịch vụ, không phải một sản phẩm, có nghĩa nó không rẻ hơn khi có những thay đổi trong công nghệ sản xuất (các nhà kinh tế gọi đây là “căn bệnh chi phí”). Đại học là dịch vụ được cung cấp chủ yếu bởi những lao động có bằng đại học - những người mà lương đã tăng vọt so với người lao động dịch vụ trình độ thấp trong vài thập niên qua.

Đại học không phải dịch vụ duy nhất tăng giá, Feldman và Archibald chỉ ra. Từ năm 1950, giá thực tế của các dịch vụ liên quan đến bác sĩ, nha sĩ, luật sư đã tăng lên với tỷ lệ tương đương.

Giải thích bằng xu hướng chung của các lĩnh vực có thể hợp lý nếu chỉ tập trung vào Mỹ. Nhưng phần còn lại của thế giới thì sao? Xu hướng này cũng tồn tại. Vậy tại sao mức phí trung bình để học đại học ở các nước khác chỉ bằng một nửa?

Nguồn tài trợ bị cắt giảm

Điểm khác biệt của hệ thống giáo dục bậc cao của Mỹ là có ba hệ thống khác nhau, thường bị gộp làm một: hệ thống đại học công lập, hệ thống tư thục phi lợi nhuận và hệ thống đại học vì lợi nhuận.

Hệ thống lớn nhất cho đến nay là đại học công lập, gồm cả trường cao đẳng cộng đồng hai năm và cơ sở bốn năm. Ba phần tư sinh viên Mỹ theo học hệ thống công lập này, được bang và liên bang trợ cấp tài chính. 

Tuy nhiên, trong ba thập niên qua, nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang đã dần chi tiêu ít hơn cho mỗi sinh viên để cân bằng ngân sách. Sự cắt giảm đặc biệt rõ rệt sau cuộc suy thoái năm 2008, dẫn đến một loạt hậu quả không lường trước.

Cách dễ dàng nhất để các trường đại học bù đắp cho việc cắt giảm nguồn tài trợ là tăng học phí và tìm kiếm sinh viên giàu có. “Một khi khoản tài trợ bền vững bị cắt giảm khỏi các trường này, họ bắt đầu hành động giống doanh nghiệp hơn”, Maggie Thompson, giám đốc điều hành của Generation Progress, một nhóm ủng hộ giáo dục phi lợi nhuận cho biết. 

Một số đại học bắt đầu nhận nhiều sinh viên ngoài bang và sinh viên quốc tế. Chẳng hạn, trong thập kỷ qua, Đại học Purdue đã giảm 4.300 sinh viên trong bang trong khi tăng thêm 5.300 sinh viên ngoài bang và quốc tế, những người trả mức học phí gấp ba lần. “Họ đã chuyển từ mục tiêu giáo dục công dân trong khu vực sang cạnh tranh để có được những sinh viên ưu tú và giàu có - theo cách chưa từng có trước đây”, Thompson nói.

Lương trả đội ngũ nhân viên hỗ trợ và giảng viên 

Cũng theo dữ liệu của OECD, so với các quốc gia khác, đại học Mỹ chi một khoản tiền đáng kinh ngạc cho nhân viên không giảng dạy.

Những người này là thủ thư, chuyên gia tư vấn sức khỏe tâm thần - trực tiếp mang lại lợi ích cho sinh viên. Cũng có nhiều người khác làm những công việc thầm lặng, liên quan đến việc thu hút sinh viên hơn là việc giảng dạy. Đó là người gây quỹ, huấn luyện viên thể thao, luật sư, bộ phận tuyển sinh và nhân viên hỗ trợ tài chính, bảo trì, vận chuyển, an ninh, phục vụ thực phẩm.

Dữ liệu quốc tế không đủ chi tiết để tiết lộ chính xác vị trí công việc nào chiếm nhiều chi phí nhất, nhưng có thể cho thấy khoản chi tiêu mà đại học Mỹ dành cho đội ngũ nhân viên không giảng dạy nhiều hơn đội ngũ giảng dạy, ngược lại với những quốc gia cung cấp dữ liệu cho OECD. 

Ngoài ra, hầu hết bảng xếp hạng đại học toàn cầu đánh giá rất cao số lượng nghiên cứu được công bố bởi giảng viên - số liệu không có mối liên hệ trực tiếp tới việc học của sinh viên. Nhưng trong cuộc đua nảy lửa giành sinh viên, những bảng xếp hạng này thu hút được sự chú ý của lãnh đạo đại học. Họ bắt đầu thúc đẩy tập trung vào việc nghiên cứu và trả tiền cho các giáo sư một cách hậu hĩnh.

Đại học Mỹ hiện có tỷ lệ sinh viên trên giảng viên thấp hơn một chút so với mức trung bình các nước phát triển. Đây cũng là một tiêu chí được ưu tiên trong các bảng xếp hạng đại học, nhưng cũng rất tốn kém để cạnh tranh. Và giữa các nhà nghiên cứu giáo dục, không có sự đồng thuận rõ ràng về việc liệu lớp học nhỏ hơn có xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không.

Việc cắt giảm ngân sách nhà nước không đồng đều trên cả nước. Chẳng hạn, học phí cho sinh viên trong bang ở Wyoming hiện bằng một phần ba ở bang Vermont. Ở những nơi chi phí sinh hoạt thấp, một tấm bằng đại học Mỹ vẫn có thể là một món hời, đặc biệt là đối với những sinh viên không ngại sống ở nhà và mức tài chính đủ thấp để đạt điều kiện nhận tài trợ liên bang. Tính đến chi phí sinh hoạt, Alex Usher của công ty tư vấn Higher Education Strategy Associates cho biết sinh viên ở trường công lập thuộc bang Mississippi thường phải bỏ một khoản tiền túi tương đương sinh viên Thụy Điển.

Usher, người gốc Toronto (Canada), là nhà nghiên cứu tâm huyết về chi phí giáo dục đại học trên toàn cầu. Năm 2010, anh và đồng nghiệp Jon Medow tạo một bảng xếp hạng thông minh về hệ thống giáo dục bậc cao của 15 quốc gia - sử dụng nhiều cách để đánh giá tính hợp lý về giá cả.

Đọc bản báo cáo này giống như bóc vỏ hành tây. Lớp đầu tiên tập trung đánh giá dựa trên học phí, sách, chi phí sinh hoạt chia cho thu nhập trung bình của một quốc gia cụ thể. Theo tiêu chí này, thứ hạng của Mỹ rất thấp, xếp thứ ba từ dưới lên, chỉ trên Mexico và Nhật Bản. Nhưng khi tính đến các khoản trợ cấp và tín dụng thuế, Mỹ nhích lên một thứ hạng.

“Các khoản trợ cấp của Mỹ thực sự hào phóng so với mọi quốc gia khác”, Usher nhận xét. Học phí ở Mỹ cao hơn, do đó các khoản trợ cấp không thể bao gồm toàn bộ mức giá. Tuy nhiên, 70% sinh viên toàn thời gian nhận được một số loại trợ cấp nhất định, theo College Board. Từ cách phân tích “chi phí ròng” này, Australia đắt đỏ hơn Mỹ.

Tiếp theo, nếu chỉ xét đại học công lập, thứ hạng của Mỹ lại nhích lên một chút, nằm ở giữa trong bảng phân tích của Usher, trên Canada và New Zealand.

Dữ liệu này được thu thập từ năm 2010, và Usher cảnh báo mọi thứ có thể ít màu hồng hơn nếu anh bắt tay làm lại nghiên cứu. 

Sự tương quan giữa lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe 

Mỹ về cơ bản có 50 hệ thống giáo dục bậc cao, mỗi hệ thống thuộc một bang, mỗi bang gồm công lập, tư thục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Chi phí thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào địa điểm và đối tượng cụ thể.

Hệ thống giáo dục đại học khó hiểu của Mỹ có thể được so sánh với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong cả hai lĩnh vực, người Mỹ trả gấp đôi người dân ở các nước phát triển khác và nhận được kết quả rất không đồng đều.

Mỹ chi gần 10.000 USD một người cho chăm sóc sức khỏe mỗi năm (nhiều hơn 25% so với Thụy Sĩ, quốc gia xếp thứ hai), theo báo cáo sức khỏe năm 2017 của OECD, nhưng tuổi thọ của người Mỹ hiện thấp hơn gần hai năm so với mức trung bình của các nước phát triển.

Bệnh viện và trường đại học tính giá khác nhau cho những người khác nhau, làm cho cả hai hệ thống trở nên phức tạp, Douglas Staiger của Đại học Dartmouth, một trong số ít các nhà kinh tế Mỹ nghiên cứu cả về giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho biết. 

Trong cả hai lĩnh vực, những người dễ bị tổn thương nhất có xu hướng đưa ra những quyết định ít lý tưởng hơn. Ví dụ, trong số học sinh thu nhập thấp, có điểm số và điểm thi thuộc 4% học sinh top đầu của Mỹ và đủ điều kiện nhận khoản hỗ trợ tài chính hào phóng tại các trường đại học ưu tú, đại đa số không nộp đơn vào trường có mức cạnh tranh cao, theo nghiên cứu của Caroline Hoxby và Christopher Avery.

"Trớ trêu thay, các sinh viên này thường trả nhiều tiền hơn để vào một trường đại học bốn năm bình thường hoặc thậm chí là một trường cao đẳng cộng đồng, trong khi họ có khả năng đến những cơ sở tốt nhất ở Mỹ", Hoxby nói với NPR.

Trong khi đó, nói đến chăm sóc sức khỏe, người Mỹ có thu nhập thấp có xu hướng ít quen thuộc với khái niệm về khoản khấu trừ, đồng bảo hiểm và mạng lưới nhà cung cấp, theo nhiều nghiên cứu khác nhau. 

Cuối cùng, lý do đại học Mỹ đắt đỏ cũng giống với sự đắt đỏ của dịch vụ y tế: Không có cơ chế trung tâm để kiểm soát việc tăng giá. “Các trường đại học bòn rút tiền sinh viên vì họ có thể làm vậy. Đó là kết quả không thể tránh khỏi của việc chi phí không được kiểm soát", Schleicher của OECD nói. 

Theo vị giám đốc về giáo dục và kỹ năng, bạn không thể buộc mọi người bỏ tiền ra mua thứ gì đó, nhưng nên để người mua thấy rõ giá trị sẽ đạt được. 

Giá trị của tấm bằng

“Mỹ có những trường đại học tốt nhất trên thế giới”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi đầu năm. Trước đó, cựu tổng thống Barack Obama nói điều tương tự.

Nhưng điều này có thực sự đúng không? Không tồn tại dữ liệu thực sự có ý nghĩa về chất lượng của các trường đại học trên toàn cầu. Nước Mỹ có một số đại học nổi trội, chỉ chấp nhận ít hơn 10% ứng viên, và những nơi này tuyển dụng một số học giả xuất sắc tạo ra những nghiên cứu có tính đột phá. Tuy nhiên, dưới 1% sinh viên Mỹ theo học các trường có tính chọn lọc cao như vậy.

Tấm bằng đại học giúp bạn kiếm được lương cao ở Mỹ. Ảnh: PBS

Sinh viên tốt nghiệp đại học kiếm được lương cao gấp nhiều lần người chỉ tốt nghiệp trung học ở Mỹ. (Ảnh: PBS)

Hơn ba phần tư sinh viên Mỹ theo học các trường đại học "làng nhàng" hơn, chấp nhận ít nhất 50% số người nộp đơn. Không ai đánh giá chính xác về hiệu quả của các trường này trong nhiệm vụ cốt lõi là giáo dục sinh viên. Nhưng trong Chương trình đánh giá khả năng dành cho người lớn của OECD mới đây, người Mỹ dưới 35 tuổi sở hữu một bằng cử nhân thể hiện kém hơn những người đồng trang lứa có trình độ giáo dục tương đương ở 14 quốc gia khác khi kiểm tra kỹ năng toán học thực tiễn.

Nói cách khác, họ chỉ làm tốt hơn một chút so với những học sinh tốt nghiệp trung học ở Phần Lan. Những người tốt nghiệp đại học của Mỹ thể hiện khả năng đọc hiểu tốt hơn, chỉ xếp dưới sáu quốc gia khác, nhưng lại tụt hạng trong một bài kiểm tra về khả năng giải quyết các vấn đề bằng công nghệ kỹ thuật số, với điểm số thấp hơn 13 quốc gia. 

Tuy chưa bổ sung giá trị học thuật rõ ràng và nhất quán, đại học Mỹ cho thấy rõ giá trị về tài chính. Người Mỹ có bằng đại học kiếm được nhiều hơn 75% so với những người trình độ trung học. Trong suốt cuộc đời, những người có bằng cử nhân kiếm được hơn nửa triệu đôla so với những người không có bằng đại học ở Mỹ. Trên thực tế, không một quốc gia nào khác trao thưởng cho tấm bằng đại học hào phóng như Mỹ và rất ít quốc gia trừng phạt người khác một cách tàn nhẫn như vậy vì không có một tấm bằng.

Đó là một vòng tuần hoàn kinh khủng: Các trường đại học tốn rất nhiều tiền để hoạt động, một phần vì trả lương rất cao cho những người lao động có tay nghề.  Nhưng mức lương cao hơn đó làm cho bằng đại học cực kỳ có giá trị, có nghĩa là người Mỹ sẽ trả rất nhiều tiền để có được chúng. Và vì vậy đại học có thể tính phí nhiều hơn. Như Carey, tác giả của End of College, tóm tắt: “Sinh viên đang bị dồn vào đường cùng”.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào trường đại học mà bạn theo học, mức lương sẽ rất khác nhau. Một phần tư sinh viên tốt nghiệp kiếm được nhiều hơn mức trung bình mà học sinh tốt nghiệp trung học kiếm được. Bằng liên kết hai năm từ các trường đại học vì lợi nhuận mang lại mức lương ít hơn so với tấm bằng tương đương từ các trường cao đẳng cộng đồng, vốn có học phí rẻ hơn. Hai phần ba sinh viên đại học vì lợi nhuận bỏ học trước khi lấy bằng, có nghĩa nhiều người sẽ mất nhiều năm để vật lộn với khoản nợ mà họ không thể trả hết. 

Hệ thống phức tạp, không nhất quán này tiếp tục tồn tại và tiếp tục đắt đỏ vì tấm bằng đại học ở Mỹ vẫn đáng giá đối với một số người ở một số trường đại học nhất định, đặc biệt là khi họ hoàn thành chương trình học.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn