Tài năng nhí: Phải khóc thật to, hoàn cảnh thật éo le?

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 06/08/2014 03:12:00 +07:00

(VTC News) - Hình như, cứ phải khóc thật to, hoàn cảnh xuất thân thật éo le, mới dễ nổi tiếng ở các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi.

(VTC News) - Hình như, cứ phải khóc thật to, hoàn cảnh xuất thân thật éo le, mới dễ nổi tiếng ở các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi.

Các chương trình thực tế dành cho thiếu nhi trên sóng truyền hình đang trở lãnh địa 'béo bở' kéo khán giả ngồi trước  màn hình ti vi.

Giữa những đòi hỏi cạnh tranh khốc liệt, các nhà sản xuất các chương trình truyền hình thực tế đang tung chiêu tạo nên sự khác biệt bằng cách tìm cho được những thí sinh có hoàn cảnh éo le, đặc biệt nhằm ‘mua nước mắt’ người xem, tự tạo nên ‘hiện tượng’ để ‘câu khách’ và những lũng đoạn bắt đầu xảy ra từ đây.

Báo điện tử VTC News giới thiệu tới quý độc giả trong chuyên đề: Bùng nổ truyền hình thực tế nhí: Ít nụ cười, nhiều nước mắt
.

320 triệu đồng/ 30 giây quảng cáo, ai ‘chê’?

Không ít khán giả màn ảnh nhỏ bắt đầu ‘la ó’ vì sự lũng đoạn của truyền hình thực tế trên các kênh phát sóng của nhà đài trong vài năm trở lại đây. Nhưng hẳn sẽ không còn ai ‘la ó’, thay vào đó là sự kinh ngạc khi biết mức lợi nhuận khổng lồ từ các chương trình này mang lại.


Chương trình The Voice – Giọng hát Việt có mức giá quảng cáo 150 triệu đồng/ 30 giây, chung kết The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí 2013 có mức giá quảng cáo 280 triệu đồng /30 giây…đỉnh điểm là chung kết Gương mặt thân quen 2014 công khai mức giá 320 triệu đồng/ 30 giây quảng cáo. Với khoản siêu lợi nhuận kếch xù ấy, ai đủ dũng cảm nói lời từ chối phát sóng?

Thêm vào đó, là sự thoái trào của hàng loạt chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn sau nhiều năm 'làm mưa làm gió' trên sóng đài truyền hình. Các tài năng tuổi trưởng thành bị khai thác đến 'cạn kiệt', nhiều gương mặt bắt đầu quen thuộc đến 'nhẵn mặt' tại nhiều chương trình cùng lúc.

Đó là lý do mà sau hàng loạt chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn, là cuộc xâm lấn của các show dành cho thiếu nhi – lãnh địa béo bở kéo khán giả ngồi trước  màn hình ti vi hơn bất cứ một chương trình nào khác.

Không chỉ là nơi tài năng chưa được khai thác nhiều, các chương trình dành cho thiếu nhi còn là 'vùng an toàn' của nhà sản xuất, bởi dù có chiêu trò đến mấy, dư luận cũng không nỡ 'ném đá'.
truyền hình thực tế
Bão truyền hình thực tế 
Thế nên giờ đây, các chương trình truyền hình thực tế dành cho người lớn ra đời hôm trước, thì ngay hôm sau đến lượt phiên bản gắn thêm chữ ‘Kids – thiếu nhi’ ra đời.

Người lớn có Giọng hát Việt, trẻ em có Giọng hát Việt nhí, người lớn có Thử thách cùng bước nhảy, trẻ em có Vũ điệu tuổi xanh, người lớn có Bước nhảy hoàn vũ, phiên bản Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng rục rịch lên sóng.

Mới nhất, là Vua đầu bếp nhí cũng được ‘nhập khẩu’,  ăn theo sự ăn khách của Vua đầu bếp dành cho người lớn.

Vào những ngày cuối tuần, trên kênh truyền hình giải trí tràn ngập cách show truyền hình thực tế dành cho trẻ em, đủ thể loại từ tìm kiếm tài năng kiểu tạp kỹ đến tìm kiếm năng khiếu âm nhạc, nhảy múa, nấu ăn…

Đến nỗi, nhiều người phải thốt lên, tài năng ở đâu ra mà lắm thế, hoàn cảnh ở đâu mà nhiều nước mắt đến vậy? Cũng không hiếm thí sinh xuất hiện ở vài chương trình một lúc.

‘Mua hoàn cảnh’, câu khách bằng nước mắt


Khi các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi bắt đầu tăng lên theo cấp số nhân, người ta bắt đầu thấy sự ‘hao hao’ giống nhau giữa nhiều show, sự khan hiếm tài năng trầm trọng, dẫn đến việc gây nhàm chán cho người xem.

Giữa những đòi hỏi cạnh tranh khốc liệt kéo khán giả ngồi trước màn hình tivi, các nhà sản xuất tung chiêu tạo nên sự khác biệt bằng cách tìm cho được những thí sinh có hoàn cảnh éo le, đặc biệt nhằm ‘mua nước mắt’ người xem, tự tạo nên ‘hiện tượng’ để ‘câu khách’.

Thế nên thí sinh được chọn trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng chưa hẳn đã là người xuất sắc nhất, mà đôi khi lại là người gây được hiệu ứng khán giả tốt nhất.

Mới đây nhất, ca sỹ Cẩm Ly gây tranh cãi khi chọn cô bé khiếm thị đi tiếp vào vòng trong Giọng hát Việt nhí.

Ở vòng Đối đầu – vòng thi khốc liệt ở cả phiên bản dành cho người lớn và trẻ em, 3 gương mặt Bích Hằng, Đoàn Minh Tài và Cẩm Ly đã trình bày liên khúc ba miền. Bích Hằng hát Cặp ba lá mang âm hưởng dân ca miền Bắc, cô bé khiếm thị Ngọc Anh mang đến 2 ca khúc Huế tình yêu của tôi, Mưa trên phố Huế, còn Minh Tài thể hiện tài năng với Chiếc áo bà ba.
truyền hình thực tế nhí
Trong ba thí sinh, Bích Hằng gây ấn tượng và nổi trội hơn cả ở cả lối hát và phong cách biểu diễn, còn Ngọc Anh bị lạc tông và không thể hiện trọn vẹn ca khúc. Nhưng ‘xét về hoàn cảnh’, Cẩm Ly đã chọn Ngọc Anh khiến nhiều người tiếc nuối cho Bích Hằng.

Đành rằng, dậy trẻ có một tấm lòng nhân ái trước khi dùng đến tài năng là điều cần thiết, nhưng ở một cuộc thi mang tính tìm kiếm tài năng, cách lựa chọn đó ít nhiều làm tổn thương đến cô bé phải ra về.

Quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 Quang Anh cũng từng được nhà sản xuất khai thác triệt để hoàn cảnh xuất thân khó khăn mức nào, để tranh thủ sự thương cảm của khán giả.

Phương Mỹ Chi cũng là trường hợp tương tự, bao khán giả xót xa cho một ngôi sao tương lai ngày ngày phải phụ mẹ đi bán chè. Để rồi ngay sau cuộc thi, cô bé được mời vào học ở ngôi trường quốc tế danh tiếng, chạy show vài bữa đủ tiền mua nhà cho cả gia đình.
phương mỹ chi
Căn hẻm nơi gia đình Phương Mỹ Chi từng ở giờ chỉ còn là kỷ niệm 
Bên cạnh việc 'lao đi' kiếm tìm hoàn cảnh thí sinh, nhà sản xuất còn khéo mua nước mắt khán giả bằng việc tích cực cổ vũ thí sinh khóc trên truyền hình.

Những màn khóc lóc đầy cảm xúc khi con trẻ hoàn thành tiết mục của mình trên sân khấu khiến khán giả nghi ngờ độ ‘chân thực’. Ở lứa tuổi hồn nhiên của các em, liệu đã đủ xúc cảm để hiểu hết ý nghĩa của những ca khúc tiếng Anh, những ca khúc dành cho người lớn, sau đó bật khóc vì tìm thấy sự đồng cảm, hay đơn giản, đã là truyền hình thực tế là phải khóc, nhằm ‘mua’ luôn nước mắt khán giả.

Còn nhớ trong một show truyền hình thực tế Trung Quốc, cậu bé 9 tuổi Uudam đã khiến tất cả người xem bật khóc với phần thể hiện bài hát Mother in the dream (Mẹ về trong mơ) với rất nhiều xúc cảm, vì mẹ cậu bé đã không còn.

Cũng ca khúc này, ở phiên bản Việt trong chương trình Đồ Rê Mí 2012, Trần Nhật Tiến lại không nhận được sự đồng cảm khi khóc ‘như mưa như gió’. Nhiều người thẳng thắn cho rằng tiết mục đã được dàn dựng thái quá, đánh cắp đi sự hồn nhiên con trẻ.
truyền hình thực tế nhí
Trần Nhật Tiến khóc như mưa như gió trên sân khấu 
Với một cậu bé 10 tuổi, sống trong vòng tay bao bọc, yêu thương của đầy đủ mẹ cha, cảm xúc nào cho việc ‘hết nước mắt’ vì một ca khúc thể hiện hoàn cảnh không phải của mình?

Hình như, cứ phải khóc thật to, mua thật nhiều nước mắt, hoàn cảnh xuất thân thật éo le, mới dễ nổi tiếng ở các chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi.

An Yên
Bình luận
vtcnews.vn