Tai nạn thảm khốc ở đường trên cao: Ô tô vô tội

Pháp luậtThứ Ba, 23/10/2012 12:50:00 +07:00

(VTC News) – Việc ô tô gây tai nạn chết người đối với xe máy vi phạm, đi trên đường cấm sẽ không bị xem xét trách nhiệm trước pháp luật.

(VTC News) – Theo Luật sư, việc gây tai nạn chết người của ô tô đối với xe máy vi phạm, đi trên đường cấm sẽ không bị xem xét mức trách nhiệm trước pháp luật.




Như VTC News đã đưa tin, 23h ngày 21/10, tức chỉ hơn 10 tiếng sau khi thông xe, đường trên cao vành đai 3 đoạn gần nút giao Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc làm một người chết.

Theo đó, khi một chiếc ô tô lưu thông với tốc độ cao từ hướng Mai Dịch về Linh Đàm bất ngờ va chạm với xe máy BKS 29F9 - 2684 lưu thông theo chiều ngược lại.

Cú va chạm mạnh khiến người điều khiển xe máy (nam, khoảng 30 tuổi) bắn lên cao rồi ngã xuống khoảng trống giữa hai dải phân cách và rơi xuống chân cầu ở độ cao trên 5m, tử vong tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc.

Theo lực lượng chức năng, căn cứ vào vết máu để lại trên dải phân cách và phía dưới thành cầu cơ quan chức năng đã kết luận nguyên nhân cái chết chỉ do va chạm giao thông đơn thuần. Phần lỗi được xác định do người điều khiển xe mô tô.

 
Trong trường hợp xe máy đi vào đường cấm, lại đi ngược chiều rồi bị ô tô tông tử vong thì người điều khiển ô tô không phải chịu mức trách nhiệm hình sự cũng như bồi thường thiệt hại dân sự.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
 
Đường vành đai 3 là tuyến đường cấm xe máy, chỉ dành riêng cho ô tô với tốc độ lên đến 80 - 100km/h.

Để hiểu vụ việc dưới góc độ pháp luật, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (Quốc Tử Giám, Văn Chương, Đống Đa, TP.Hà Nội).


Theo Luật sư Truyền, với hành vi đi vào đường cấm xe máy, lại đi ngược chiều rồi bị ô tô tông tử vong của người thanh niên, lực lượng chức năng đã xác định lỗi thuộc về người điều khiển xe máy, do đó “trong trường hợp này, người điều khiển ô tô không phải chịu mức trách nhiệm hình sự cũng như bồi thường thiệt hại dân sự”.

Tuy nhiên, Luật sư Truyền cho rằng, với đạo hiếu và truyền thống của người Việt, và do điều kiện kinh tế cao thấp của người đi ô tô và xe máy, người đi ô tô có thể hỗ trợ cho nạn nhân nhưng mức hỗ trợ này là tự nguyện, không bắt buộc.

Chiếc xe máy vỡ nát, chủ nhân của nó cũng tử vong sau khi đi lên đường cấm.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng cho rằng, việc vi phạm trật tư an toàn giao thông cần phải được xem xét dưới góc độ là tội phạm xâm phạm sức khỏe tính mạng chứ không chỉ xem xét dưới góc độ các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng như trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam đang quy định.

Vì theo các số liệu thống kê của Ủy ban an toàn giao thông, hàng năm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông ở nước ta năm sau luôn cao hơn năm trước.

N
ếu đem số liệu tử vong do tại nạn an toàn giao thông so với bất kỳ loại tội phạm nào được quy định trong phần xâm phạm tính mạng sức khỏe của Luật hình sự Việt nam hoặc thm chí bệnh dịch nguy hiểm nào thì có lẽ mọi người đều sẽ giật mình.


“Theo tôi, các hành vi vi phạm an toàn giao thông một khi được xem xét dưới góc độ tội phạm xâm hại sức khỏe tính mạng một cách chi tiết rõ ràng hơn hiện tại cũng như có các chế tài mạnh mẽ có sức thuyết phục hơn, tôi tin là việc vi phạm, tai nạn giao thông sẽ giảm xuống” – Luật sư Truyền nói.

Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cụ thể như sau:

Điều 202.  Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ  
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ  sáu tháng đến năm năm.
 2. Phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;  
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn  giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn