Tai nạn giao thông ở Việt Nam là thảm họa

Thời sựThứ Ba, 22/11/2011 06:46:00 +07:00

(VTC News)– Chính phủ nêu rõ, thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu.

(VTC News) – Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu.

Báo cáo của Chính phủ ủy quyền Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi tới đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII về tình hình và các giải pháp ngăn chặn tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông (UTGT) nêu rõ, trong 10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 11.036 vụ TNGT, làm chết 9.265 người, bị thương 8.379 người.


   
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (Ảnh: Internet) 
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, tính bình quân 5 năm trở lại đây, mỗi năm cả nước có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do TNGT.

Như vậy, trung bình số người chết vì TNGT hàng năm ở Việt Nam so với động đất sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3/2011 vừa qua bằng 75,55% (số người chết do thảm họa sóng thần là 15.790 người), còn số người bị thương vì TNGT bằng 156,58% so với số người bị thương do thảm họa sóng thần (5.933 người).


Theo đó, Chính phủ cho rằng, thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra đang là một thảm họa và có thể coi là quốc nạn mà chúng ta cần kiên quyết giảm thiểu.


Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do TNGT hàng năm. Cùng với đó, giảm thiểu tối đa các vụ UTGT kéo dài trên 30 phút.


Giải pháp được Chính phủ đưa ra nhằm đạt được mục tiêu trên về lâu dài là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông đảm bảo tính đồng bộ và xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính mạnh, nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông…


Cùng với đó, đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ trọng yếu, mở rộng tuyến quốc lộ 1 đủ để tổ chức giao thông một chiều và tách làn ô tô, xe máy; đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam; đầu tư hệ thống giám sát giao thông bằng camera trên các tuyến quốc lộ và đường đô thị; thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân…


Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm cũng sẽ được tăng cường; đẩy mạnh phong trào chống tiêu cực trong khi thi hành nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông…


Cùng với báo cáo về lĩnh vực giao thông, Chính phủ cũng ủy quyền Bộ Tài chính gửi tới đại biểu Quốc hội báo cáo về tình hình đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.


Theo đó, tính đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư 3.576 tỷ đồng vào chứng khoán, 5.379 tỷ đồng vào bất động sản, 2.236 tỷ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 495 tỷ đồng vào quỹ đầu tư và 10.128 tỷ đồng cho lĩnh vực ngân hàng.
Như vậy, ngân hàng là lĩnh vực đầu tư ngoài ngành lớn nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Theo báo cáo, Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cơ cấu để giảm dần tỷ lệ vốn góp vào các lĩnh vực nêu trên.


Còn tại báo cáo của Chính phủ do Bộ Công thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi tới Đại biểu Quốc hội cũng nêu về giải pháp đảm bảo an toàn cho các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên.

Theo đó, hiện Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam thuê đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để tái thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ Tân Rai, cùng với đó, tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu, rút kinh nghiệm về đảm bảo an toàn cho các dự án bauxite. Hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đang được thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 11/2011.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn