Tai nạn bất ngờ từ công trình trên cao

Thời sựThứ Sáu, 18/09/2015 01:28:00 +07:00

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 số vụ ngã rơi từ trên cao chiếm 26,1% trong tổng số vụ và 22,6 % trong tổng số người chết trong các vụ tai nạn lao động.

(VTC News) - Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2015 số vụ ngã rơi từ trên cao chiếm 26,1% trong tổng số vụ và 22,6 % trong tổng số người chết trong các vụ tai nạn lao động, con số đó không dừng lại từ vụ tai nạn sập giàn giáo và sập tầng sàn bê tông ở quận 7 Tp. Hồ Chí Minh.

Hơn một năm, nếu tính từ tháng 5/2014 thì hàng loạt các vụ tai nạn trên cao liên tiếp xảy ra nhất là tại công trình xây dựng đường sắt trên cao ở Hà Nội, tuyến Cát Linh –Hà Đông. Vụ sập giàn giáo ở Vũng Áng Hà Tĩnh, ở quận 7 Tp. Hồ Chí Minh, sập cần cẩu ở Đồng Tháp, Cần Thơ…làm hàng chục người chết và bị thương. Nỗi kinh hoàng đó ở trên các công trình  xây dựng trên cao gây bất an cho người lao động, người đi đường những tang tóc khó lường từ sự chủ quan thiếu trách nhiệm… 
Tai nạn thi công đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông
Vụ tai nạn xảy ra vào sáng 12/5, trên đường Nguyễn Trãi theo hướng từ Hà Đông về Ngã Tư Sở, một thanh sắt từ công trình đường sắt trên cao đã bất ngờ rơi trúng vào ôtô Honda Civic, khiến xe bị hư hỏng. Đáng lưu ý, đây cũng chính là dự án đã từng xảy ra tai nạn sập giàn giáo vào cuối tháng 12/2014 và sự việc một thanh sắt rơi từ công trình làm chết người vào ngày 6/11/2014.
Ngay sau đó, vào chiều cùng ngày, tại khu vực đường Cầu Giấy, gần ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy, cần cẩu của công trình đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội bất ngờ bị gãy và đổ sập xuống đường. Vụ tai nạn xảy đã khiến hai người bị thương, trong đó có một phụ nữ đang mang thai. 
 

Cuối năm 2014 chỉ trong hơn 1 tháng, tại công trình thi công đường sắt trên cao Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã liên tiếp xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng. Đó là ngày 6/11/2014, tại khu vực thi công xây dựng Nhà ga Thanh Xuân III đường Nguyễn Trãi đã xảy ra sự cố thanh thép của công trình rơi xuống dưới mặt đường khiến 1 người chết và 2 người bị thương. 
Ngày 28/12/2014 tại vị trí ga bến xe Hà Đông cách đó khoảng hơn 100 mét lại xảy ra sự cố sập đà giáo và bê tông khi thi công xà mũ trụ H7 khiến bê tông và sắt thép đè bẹp một xe taxi đang lưu thông trên đường.
        
Đó chưa kể đến những vụ tai nạn khác gây hoang mang, bất an trên một công trình trọng điểm và những nơi khác ở Hà Nội. Những vụ tai nạn ở công trình này là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công, làm đội giá công trình, làm mất uy tín, năng lực quản lý của nhà đầu tư và nhất là bộc lộ yếu kém của nhà thầu không chấp hành tốt  an toàn vệ sinh lao động.

Đến nỗi kinh hoàng ở Vũng Áng, Hà Tĩnh
Ngày 25/3/2015, tại công trường thi công đổ bê tông hệ thống thùng chìm đê chắn sóng cầu cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm ít nhất 13 người chết và 28 người bị thương. 
Bước đầu xác định do sự cố má phanh ở hệ thống thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo đúc trụ bê tông (cao 25 m, dài 40 m và rộng 35 m) bị sập. Trong khi có khoảng 50 công nhân đang làm việc ở phía dưới (Nhà thầu thi công: Công ty Sam Sung C&T Hàn Quốc; nhà thầu thầu phụ là Công ty Cổ phần xây dựng và Cung ứng lao động quốc tế NIBELC). 
Vụ sập giàn giáo ở công ty Formosa Hà Tĩnh để lại nỗi sợ hãi cho người lao động bởi trách nhiêm cùa nhà thầu khi hiện tượng sụp đổ đã được báo trước nhưng những người có trách nhiệm thi công không nghe lời công nhân Việt Nam. Vụ án này đã được khởi tố điều tra.

Và vụ sập giàn giáo liên tiếp ở Quận 7, TP.HCM
                                                                               
Ngày 10/7/2015 công trình Saigon South Office (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP HCM) bất ngờ bị đổ sập, thời điểm có 5 người được đưa ra ngoài, trong đó 2 người đã tử vong. Trao đổi với chúng tôi buổi chiều trong cuộc họp báo, đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC Tp. Hồ Chí Minh cho biết, một phó giám đốc đơn vị đã có mặt tại hiện trường để chỉ huy công tác cứu hộ. Theo ông Bửu, khu vực xảy ra tai nạn rộng hơn 2.000 m2 là công trình xây dựng siêu thị 19 tầng. 
Đại tá Lê Tấn Bửu thông tin: Khi hàng tấn sắt bất ngờ đổ sập thì có nhiều công nhân đang làm việc, có ít nhất 7 người bị nạn, 5 nạn nhân đã được đưa ra ngoài chuyển đến bệnh viện. Hiện đội cứu nạn cứu hộ Cảnh sát PCCC Tp. Hồ Chí Minh, phòng Cảnh sát PCCC quận 7 khẩn trương tìm kiếm nạn nhân cuối cùng. 
 

Anh Nguyễn Văn Lâm công nhân tại hiện trường cho hay: Lúc đó chúng tôi đang làm việc phía bên sàn, còn bên xảy ra tai nạn là là phía sàn một, lầu 2. Sự việc diễn ra rất nhanh, chúng tôi chỉ kịp nghe tiếng rắc nhìn qua thì thấy hai nam công nhân kịp nhảy xuống, số còn lại bị chôn vùi trong khối bê tông lớn. Tất cả chúng tôi đều bỏ việc để chạy qua cứu người bị tai nạn.
Cũng vào chiều 10/7, thông tin chính xác nhất về vụ tai nạn sập giàn giáo, đại tá Lê Tấn Bửu cho biết: “Cơ quan chức năng xác định vụ tai nạn khiến 2 công nhân chết, 1 công nhân còn mắc kẹt trong đống đổ nát, 4 công nhân bị thương. Trong các công nhân bị thương được đưa đi cấp cứu, có 1 công nhân bị thương nhẹ đã xuất viện, các công nhân còn lại được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa quận 7 và Bệnh viện FV. Các công tác điều tra nguyên nhân vụ tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành”.
          
Trước đó, sáng 10/7, khu vực giàn giáo rộng gần 2.000 m2 là công trình xây dựng khu phức hợp tòa nhà văn phòng Mapletree Bussiness Centre đổ sập hoàn toàn. Công trình đã hoàn thành phần hầm, tầng 1, đang trong quá trình thi công sàn tầng 2 thì xảy ra sự cố. Tất cả nạn nhân đều là công nhân của đơn vị thi công công trình.
Đi tìm nguyên nhân
      
Đánh giá sơ bộ về sư cố này ông Tần Trọng Tuấn Giám đốc Sở Xây Dựng Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Qua kiểm tra ban đầu cho thấy, công trình sụp đổ từ trên xuống không phải nguyên nhân do mưa, nguyên nhân là chất lượng giàn giáo có đảm bảo hay không? Quá trình thi công có đúng thiết kế hay không? Đồng thời không loại trừ đột biến về tải trọng. Sau khi xác định nguyên nhân sẽ có biện pháp xử lý trách nhiệm tổng thầu xây dựng, tư vấn giám sát quản lý, chủ đầu tư và một số cá nhân khác.
Có nhiều ý kiến nói về bảo đảm an toàn lao động, có một đồng nghiệp của chúng tôi nói rằng: Để giảm thiểu rủi ro tai nạn cho người lao động, Sở Lao động –Thương binh Xã hội phải xiết chặt công tác quản lý, kiểm tra an toàn lao động tại các công trình. Đơn vị sử dụng lao động phải nghiêm túc thực hiện nội quy lao động, phải đặt vấn đề an toàn lao động lên hàng đầu thì những vụ tai nạn không đáng có mới giảm được.
           
Các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra không chỉ đe dọa tính mạng người lao động, người tham gia giao thông, mà còn khiến dư luận lo lắng, sợ hãi mỗi khi đi qua gần khu vực thi công các dự án. Theo ông Nguyễn Anh Thơ – Phó cục trưởng cục An toàn vệ sinh lao động Bộ Lao động – Thương binh xã hội phân tích: Một phần nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn lao động vừa qua thuộc về người lao động. Đặc thù của lực lượng lao động trong ngành xây dựng của Việt Nam hiện nay là có nhiều nhóm lao động từ nông thôn ra thành thị làm việc theo mùa vụ. Trong đó, nhiều nhóm người lao động lại được luân chuyển, thay đổi nhiều. Bên cạnh đó, người lao động lại thiếu nhiều kỹ năng nghề nghiệp cũng như chưa được huấn luyện về an toàn lao động một cách nghiêm túc. 
        
Video: Tổng hợp các vụ tai nạn nghề nghiệp

Ông Vũ Anh Đức – Phó ban Quan hệ lao động Tổng liên đoàn lao động Việt Nam nêu vấn đề: Cần xem xét lại khâu thiết kế biện pháp thi công, đồng thời cũng không thể bỏ qua trách nhiệm quản lý của Ban quản lý dự án và bộ phận giám sát hiện trường thi công trong những công trình xây dựng hiện nay. 
       
Nói về chất lượng của các Ban quản lý dự án và cơ quan tư vấn, giám sát thi công hiện nay, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết: Nếu ở các dự án làm việc ở điều kiện bình thường thì các ban quản lý dự án ít xảy ra vấn đề. Tuy nhiên, nếu dự án thực hiện trong những điều kiện khó lường như gặp vấn đề địa chất hay ở những địa điểm thành thị không có không gian đảm bảo cho hành lang an toàn, thì rõ ràng những quy định bình thường không còn an toàn nữa. Thực tế từ khảo sát các dự án cũng cho thấy năng lực của một số nhà thầu giám sát không thể hiện được.
        
Ở bài viết này chúng tôi mới nêu những vụ tai nạn điển hình từ trên cao gây thiệt hại về tính mạng người lao động, còn hàng trăm vụ tai nạn từ trên cao không thể đề cập hết được vì nhà đầu tư và chủ thầu xây dựng bưng bít che giấu. Bất cứ lý do nào để xảy ra tai nạn lao động cũng đều bắt đầu từ sự chủ quan, thiếu năng lực và thiếu trách nhiệm của nhà thầu, của cơ quan giám sát chất lượng. Hãy vì tính mạng con người, vì chất lượng công trình, người lao động và người sử dụng lao động phải tuyệt đối bảo đảm an toàn lao động, có như vậy mới mong giảm thiểu tai nạn lao động xảy ra.
Bài viết phục vụ Dự án “Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về an toàn lao động, vệ sinh lao động năm 2015”.

Quỳnh Như
                                                                                        
Bình luận
vtcnews.vn