Tái cơ cấu VNPT: Cửa sống cho nhà mạng nhỏ

Kinh tếThứ Hai, 17/02/2014 09:07:00 +07:00

(VTC News) - Việc chia tách MobiFone khỏi VNPT sẽ giúp thị trường viễn thông Việt Nam tạo thành thế chân vạc, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà mạng nhỏ hơn vươn lên.

Theo các con số thống kê, hiện thị trường viễn thông Việt Nam đang có khoảng cách phân chia thị phần rất lớn giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Trong khi 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone chiếm tới 95% thì phần thì các đơn vị còn lại chỉ chia sẻ số 5% ít ỏi.
Điểm đáng chú ý là cả 3 doanh nghiệp đứng đầu thị trường viễn thông đều thuộc chủ sở hữu Nhà nước 100%. Theo các chuyên gia nhận định, chính điều này đã khiến nhiều đơn vị nhỏ hơn không thể cạnh tranh nổi, phải sáp nhập, thậm chí còn đối mặt với nguy cơ phá sản.
Gmobile

Tách MobiFone khỏi VNPT sẽ giúp những nhà mạng nhỏ nhủ Gmobile có cơ hội vươn lên

Chia sẻ tại một buổi tọa đàm viễn thông diễn ra mới đây, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông có đưa ra những thông tin rất đáng chú ý về khó khăn của các nhà mạng nhỏ. Theo đó, ngoại trừ bộ 3 doanh nghiệp đứng đầu, hiện HanoiTelecom có khoảng 10 triệu thuê bao, kế đó là Gtel với 4 triệu thuê bao, SPT gần như không có hoạt động nào.
Từ những thực tế trên, ông Hải khẳng định việc tái cơ cấu là đòi hỏi cấp thiết nhằm giúp cho thị trường viễn thông Việt Nam có được sự phát triển bền vững trong tương lai.
Trong quá trình tái cấu trúc lại thị trường thì tái cơ cấu VNPT sẽ đóng vai trò rất quan trọng, với việc MobiFone tách ra thành một đơn vị độc lập sẽ hình thành thế chân vạc cùng VinaPhone và Viettel. Điều này sẽ tăng đáng kể khả năng cạnh tranh của các nhà mạng với nhau, ông Hải nhấn mạnh.
Cùng quan điểm như vậy, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành khẳng định việc tái cơ cấu thị trường viễn thông là điều kiện bắt buộc và mang tính sống còn. Điều này không chỉ giúp gia tăng lợi ích cho người dùng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà mạng trước khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế trong thời gian tới.
Tuy nhiên ông Thành nhấn mạnh, bên cạnh việc chia tách VNPT, thì cổ phần hóa MobiFone cũng đóng vai trò rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp Nhà nước bớt đi một khoản đầu tư từ ngân sách mà còn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tư nhân gia nhập thị trường viễn thông, thông qua đó phát huy được nguồn lực xã hội.
Nói về việc cổ phần hóa MobiFone, ông Nguyễn Trung Chính Tổng Giám đốc CMC cho biết: MobiFone tách ra khỏi VNPT đồng thời sẽ tiến hành cổ phần hóa là tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp nhỏ. Xóa bỏ đi việc cả 3 doanh nghiệp cùng thuộc Nhà nước thống trị thị trường viễn thông như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho nhà mạng nhỏ hơn có cơ hội phát triển.
Về phía MobiFone, Chủ tịch của công ty này ông Lê Ngọc Minh cho biết, sau quá trình chia tách, doanh nghiệp mình sẽ đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa. Dự kiến quá trình này sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm, người đứng đầu MobiFone cam kết.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Hồng Hải Cục trưởng Cục Viễn thông cho rằng sau quá trình tái cơ cấu VNPT, kết hợp với Luật Viễn thông sẵn có, các nhà mạng nhỏ sẽ có nhiều cơ hội để chứng tỏ mình hơn. Tuy nhiên theo quy luật thị trường tất yếu sẽ có doanh nghiệp vươn lên hoặc phải rời cuộc chơi.
Mặc dù vậy đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc thậm chí bị thu hồi giấy phép hoạt động thì "cửa sống" vẫn còn. Thay vì phá sản hoặc ngừng kinh doanh, các đơn vị này có thể đưa ra phương án sáp nhập với đối tác khác hoặc chuyển qua cung cấp loại hình dịch vụ khác nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng mà mình đã đầu tư trước đó, ông Hải khẳng định.
Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp trên là câu chuyện giữa Viettel và EVN Telecom. Sau quá trình kinh doanh không hiệu quả, thay vì ngừng hoạt động, nhà mạng Điện lực đã được sáp nhập vào Viettel nhằm tận dụng tốt cơ sở hạ tầng sẵn có.
Bình luận
vtcnews.vn