Tài chính tiêu dùng: Vay và cho vay thế nào để tránh rủi ro?

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Ba, 22/05/2018 14:30:00 +07:00

Tại buổi Tọa đàm về lĩnh vực tài chính tiêu dùng với chủ đề "An toàn cho nhà đầu tư và người tiêu dùng", các chuyên gia về kinh tế và đại diện từ Ngân hàng Nhà nước có những chia sẻ cũng như lời khuyên cho nhà đầu tư và người tiêu dùng nhằm đảm bảo tính an toàn khi thực hiện hoạt động cho vay tiêu dùng.

Sáng nay, 22/5, Báo Đầu tư phối hợp cùng Công ty Elife tổ chức buổi Tọa đàm về lĩnh vực tài chính tiêu dùng với chủ đề "An toàn cho nhà đầu tư và người tiêu dùng".

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận định, trong vòng một năm qua, lĩnh vực tài chính tiêu dùng nói chung và cho vay tiêu dùng nói riêng đang phát triển với tốc độ rất cao tại Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân toàn thị trường đạt 2 con số mỗi năm và cán mốc 1 triệu tỷ đồng dư nợ vào năm 2017.

Sự phát triển nhanh của thị trường cho vay tiêu dùng một mặt phản ánh nhu cầu rất lớn về tài chính cá nhân chưa được thỏa mãn của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời là minh chứng về tính đúng đắn của hệ thống cơ chế, chính sách và sự nhạy bén của các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính.

toa-dam

Toàn cảnh buổi tọa đàm. 

Tính thiết thực của cho vay tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), sự phát triển của cho vay tiêu dùng chính là sự mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi và những người không có thu nhập cao. Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều là nhỏ và có tuổi đời còn thấp do đó rất khó để có đủ điều kiện tiếp cận vốn theo hình thức cho vay doanh nghiệp.

Cũng theo ông Tú Anh, cho vay tiêu dùng phát triển chính là mở ra kênh tiếp cận tín dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể vay để mua tài sản lưỡng dụng: Vừa phục vụ nhu cầu đời sống vừa phục vụ mục đích kinh doanh. Ví dụ, các hộ nông dân có thể vay tiêu dùng mua xe máy để vừa làm phương tiện đi lại, vừa là phương tiện giúp họ tham gia các hoạt động thương mại trong khu vực rộng hơn, có nhiều lợi nhuận hơn.

Sự phát triển cho vay tiêu dùng làm cho việc sử dụng nguồn lực trong nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn. Nó cho phép biến các tài sản cố định như đất đai, nhà cửa trở thành các tài sản có thể sử dụng vào các mục đích đầu tư và tiêu dùng.

Hầu như tại tất cả các nước trên thế giới thì thế chấp nhà cửa để vay tiêu dùng là cách hầu như duy nhất cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập có thể sử dụng để vay tiền cho mục đích phục vụ cuộc sống và kinh doanh.

“Như vậy, cho vay tiêu dùng phát triển là điều kiện cần thiết để hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp phát triển, đặc biệt là tại các nước mà các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp còn rất ít và mỏng” ông Tú Anh nói.

1_zypu

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) 

Theo TS Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, hoạt động cho vay tiêu dùng tại các quốc gia trên thế giới rất phát triển, ví dụ như Mỹ.

“Tại bất kỳ thời điểm nào luôn có những cá nhân/hộ gia đình mong muốn có một lượng tài chính hỗ trợ từ bên ngoài để thỏa mãn tốt hơn các nhu cầu cuộc sống của mình, đặc biệt với tâm lý không ngại vay mượn của người Mỹ dẫn đến lượng cầu về vay tiêu dùng ngày càng gia tăng”, bà Linh chia sẻ.

Theo bà Linh, hệ thống pháp luật liên quan đến mảng hoạt động vay tiêu dùng rất chặt chẽ, đặc biệt là những đạo luật về bảo vệ khách hàng vay tiêu dùng.

Đồng thời, các nhà cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng trên thị trường rất đa dạng, nhiều loại hình, bao gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, hiệp hội tiết kiệm và cho vay, công ty bảo hiểm nhân thọ, các tổ chức tài chính vi mô, hiệu cầm đồ, công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company), trung tâm thương mại (rent to own centers)…

Mỗi một loại hình nhà cung cấp sẽ phục vụ những nhóm khách hàng có độ rủi ro khác nhau, từ đó dẫn đến lãi suất của cho vay tiêu dùng giữa các loại hình cũng rất khác nhau.

1_wscd 3

TS Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân 

Vẫn tiềm ẩn những rủi ro

Tuy vậy, khi nhận định về thị trường tín dụng tiêu dùng, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao.

Theo thông tin của TS Lực, tỷ trọng cho vay tiêu dùng hiện nay chiếm 17% tổng dư nợ năm 2017 (so với tỷ trọng 20% của Trung Quốc hay 34% của ASEAN-5); trong đó, dư nợ tín dụng của các công ty tài chính chỉ chiếm có 8,2%.

Đồng thời, thị trường tài chính tiêu dùng đang chỉ tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%) khi chiếm tổng 90% thị phần, có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng…

Cũng theo TS Lực, nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng và không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt, dẫn đến không tuân thủ các điều kiện tín dụng và bị chịu lãi phạt cao, khiến công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Đây cũng là lý do nhiều khách hàng cảm thấy mất thiện cảm và bức xúc với các công ty tài chính.

3_lysx 4

  TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, đã có nhiều khiếu nại của khách hàng với các công ty tài chính, trong đó phần lớn là những phản ánh việc các công ty này đã không giải thích rõ ràng điều khoản của hợp đồng như lãi suất, thời hạn, các mức phạt, hoặc các nhân viên tư vấn cung cấp thông tin không chính xác, chưa đầy đủ…

Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phản ánh trên các diễn đàn về tình trạng bị đòi nợ liên tục, trong khi thái độ của một số nhân viên đòi nợ chưa đúng mực, dẫn đến mâu thuẫn, thiếu hợp tác từ phía người vay vốn.

Theo TS Lực, xét về dài hạn, hoạt động tín dụng tiêu dùng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thiếu bền vững do tập trung nhiều vào một phân khúc khách hàng, không có tài sản thế chấp, thẩm định khách hàng chưa kỹ lưỡng…, trong khi hoạt động này lại nhạy cảm với điều kiện kinh tế vĩ mô (kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi nền kinh tế khó khăn, nợ quá hạn từ thẻ tín dụng và cho vay tiêu dùng thường tăng nhanh).

"Cuối cùng, thiếu hệ thống thông tin dữ liệu quốc gia gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng và các TCTD nói chung", ông Lực nhấn mạnh.

Giải pháp hạn chế rủi to, cho vay tiêu dùng an toàn

Theo ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC, thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, nhưng cũng cần những điều chỉnh để tránh những rủi ro có thể xảy ra.

Thứ nhất, tình trạng bất cân xứng về thông tin giữa các công ty tài chính và người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ.

Tình trạng bất cân xứng thông tin là tình trạng các TCTD không có đầy đủ thông tin từ phía khách hàng của mình mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác thẩm định.

Riêng đối với cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính luôn cố gắng đơn giản hóa các thủ tục xét duyệt cho vay, dẫn đến thủ tục vay khá đơn giản (chỉ cần giấy tờ tùy thân như CMND hoặc sổ hộ khẩu, bằng lái xe là có thể vay được tiền), thì tình trạng bất cân xứng thông tin xảy ra càng trầm trọng hơn.

Điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro như: công ty tài chính có thể lựa chọn sai các đối tượng khách hàng có rủi ro không trả nợ cao hoặc không thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng… dẫn đến các khoản vay có thể không được hoàn trả đúng hạn, làm tăng nợ xấu cho công ty đó.

1_mcsx 5

 Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC

Ông Phong cũng đưa ra lời khuyên đối với các công ty tài chính là cần tìm hiểu kỹ các thông tin về khách hàng trước khi đưa ra quyết định cho vay. Các thông tin này có thể là lịch sử vay nợ của khách hàng, có thể là các lịch sử thanh toán (nếu có) của khách hàng, nhằm hỗ trợ các công ty tài chính có cái nhìn cụ thể và chính xác hơn về khách hàng vay của mình.

Bên cạnh đó, việc áp lãi suất quá cao trong cho vay tiêu dùng có thể dẫn đến việc mất khả năng trả nợ của khách hàng, hay còn là nợ xấu cho chính các công ty tài chính.

Lãi suất cao trong cho vay tiêu dùng đến từ nhiều nguyên nhân như rủi ro cao, chi phí vốn cao, các chi phí thẩm định, quản lý, thu hồi nợ cao. Tuy nhiên, mức lãi suất cao này có thể dẫn đến áp lực trả nợ lớn, khiến khách hàng vay bùng nợ, trốn trả nợ hoặc không có khả năng trả nợ.

Video: Từ hôm nay, 15 tuổi được dùng thẻ tín dụng không cần tài sản đảm bảo

“Do vậy, lời khuyên của tôi là các công ty tài chính cần đầu tư nhiều hơn nữa hệ thống công nghệ và xây dựng hệ thống quản lý khách hàng vay, áp dụng các chuẩn mực trong quản trị rủi ro, áp dụng mức lãi suất hợp lý với mức độ tín nhiệm của khách hàng. Vì nếu không làm tốt và chặt chẽ các quy định trong việc cấp tín dụng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của chính các công ty tài chính và ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng vay”, ông Phong chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Về những giải pháp đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của cho vay tiêu dùng tại Việt Nam. ông Tú Anh cho biết, từ đầu năm 2017, để có cơ sở theo dõi, giám sát chặt chẽ và toàn diện diễn biến cho vay đối với lĩnh vực này, NHNN đã bổ sung các biểu mẫu thống kê yêu cầu các TCTD báo cáo đầy đủ phạm vi cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, NHNN đã hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay, lãi suất  cho vay của TCTD đối với khách hàng.

Mai Tâm
Bình luận
vtcnews.vn