Tách Y và Dược, TS.Nguyễn Trí Hiếu: 'Việc làm cấp thiết ngay bây giờ'

Sức khỏeThứ Tư, 06/09/2017 11:40:00 +07:00

Về việc có nên tách Y và Dược, chuyên gia tài chính, TS.Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Tách Dược ra khỏi ngành Y là việc làm cấp thiết ngay bây giờ...".

Ngay sau khi báo điện tử VTC News đăng bài viết Có nên tách Dược khỏi ngành Y tế?, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nên tách Y và Dược khỏi nhau để ngành Y chữa bệnh tập trung vào chuyên môn tốt hơn; còn ngành Dược được minh bạch, rõ ràng, tránh trục lợi từ thuốc như tình trạng xảy ra ở nước ta nhiều năm qua.

Trao đổi với PV VTC News, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, khi tách tách biệt Y và Dược sẽ giúp cho thị trường dược phẩm được quản lý như thị trường thực phẩm. Tức là, nguồn gốc hay giá cả của thuốc sẽ được kiểm định rất nghiêm ngặt, triệt tiêu những nguồn lợi mà các cá nhân hay tổ chức thu được từ chênh lệch tiền thuốc.

duocpham

 'Y - Dược phân ly' - người dân sẽ được hưởng lợi nhiều. (Hình minh họa)

Không chỉ vậy, khi thị trường lưu thông một cách minh bạch, nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng sẽ quyết định lợi ích của công ty sản xuất thuốc, hiệu quả làm việc của các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả trị liệu, từ đó những loại thuốc đắt đỏ mà không hiệu quả sẽ bị xóa sổ khỏi thị trường.

Các chuyên gia đều đồng tình, với thực trạng ngành Dược vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay thì nên sớm cải cách. Tốt nhất là sớm tách Y và Dược ra. Vì sự thực đã cho thấy, nếu Việt Nam vẫn chưa có ý định tách bạch chính sách quản lý đối với lĩnh vực dược phẩm thì những sự vụ bê bối như VN Pharma  vừa qua sẽ còn tiếp diễn.

Trao đổi với VTC News về vấn đề này, Tiến sỹ Bùi Quang Tín (cán bộ công tác tại Trường Đại học Ngân hàng, đồng thời là thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: "Vấn đề tách biệt Y - Dược phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế và cách vận hành của các cơ quan nhà nước hiện nay".

Ông cũng đồng tình với ý kiến của bà Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM rằng, các doanh nghiệp Dược đang chịu cảnh "một cổ hai tròng" bởi sự giám sát song song của Bộ Y Tế và Bộ Công Thương.

Video: Interpol từng cảnh báo Việt Nam là thị trường béo bở của thuốc giả

Tiến sỹ Bùi Quang Tín cho rằng, thực trạng Y - Dược ‘tụ chung một mối’ dẫn tới tình trạng các bệnh viện quá tải trong khâu quản lý. Ngành Dược hiện nay đang được quản lý bởi cả Bộ Y tế và Bộ Công Thương.

Xét về chuyên môn ngành, chất lượng thuốc ra sao, vấn đề cung cấp thuốc thế nào, tất cả đều phải theo đánh giá của Bộ Y tế - Cơ quan chuyên ngành quản lý trực tiếp đối với ngành Dược.

 
Tôi cảm thấy, dường như chuyện thắng thầu đối với các nhà thầu đã được sắp xếp".

TS. Bùi Quang Tín

Tuy nhiên, công tác quản lý dược phẩm hiện tại thực sự có vấn đề, nếu không nói là còn rất lỏng lẻo (điển hình như vụ Pharma vừa qua).

Điều này cho thấy, vấn đề liên quan lớn nhất chính là do đấu thầu. Những vấn đề liên quan đến đấu thầu còn thiếu minh bạch, nặng về chỉ định.

"Tôi cảm thấy, dường như chuyện thắng thầu đối với các nhà thầu đã được sắp xếp", ông Tín nhận định.

Cũng nói về việc có nên tách Y và Dược, chuyên gia tài chính - TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Tách Dược ra khỏi ngành Y là việc làm cấp thiết ngay bây giờ. Việt Nam giờ mới làm là quá muộn, vấn đề này ở trên thế giới đã thực hiện từ rất lâu rồi”.

Ông Hiếu phân tích, nguyên nhân Việt Nam vẫn còn giữ sự hợp nhất có thể hiểu được vì nó đi từ lịch sử chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế Việt Nam. Chỉ khi đất nước phát triển thì thuốc Tây mới du nhập tốt vào nước ta. Sự gắn bó giữa ngành Y và Dược như một sự gắn bó nhằm giúp đỡ nhau trong thời kỳ khó khăn về nhiều mặt.

"Nhưng ngày nay, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, chúng ta cần tôn trọng việc “cạnh tranh công bằng”, tránh việc đóng gộp chung giữa bệnh viện với nhà thuốc bất kỳ, gây ra vấn đề rất lớn về lợi ích nhóm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

418ee5e67bd056b846b0ae985f8f98f7

 Thị trường dược Việt Nam đã đến lúc cần minh bạch, rõ ràng. (Hình minh họa).

Ông Hiếu cũng chia sẻ thêm, tại một số nước phát triển như Mỹ, bệnh nhân sẽ bệnh viện để thăm khám, gặp và trao đổi với bác sỹ về tình hình sức khỏe, sau đó nhận được đơn thuốc và sau đó bệnh nhân có thể tùy ý lựa chọn địa chỉ thuốc mà mình cảm thấy tin tưởng để mua thuốc theo đơn đã được chỉ định.

“Khi đến với bệnh viện, bệnh nhân chỉ phải chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh mà bác sỹ cũng cấp, chứ không phải lo lắng tìm tới đúng nơi bác sĩ yêu cầu và chỉ định vì "chỉ có ở đó mới có thuốc đúng theo đơn" như Việt Nam", ông Hiếu nói.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Vi Yến - Đức Mạnh
Bình luận
vtcnews.vn