Tách Mobifone khỏi VNPT: 'Đau nhưng vẫn phải làm'

Kinh tếThứ Hai, 17/02/2014 03:40:00 +07:00

(VTC News) - "Trong 1 - 2 năm đầu sau khi chia tách VNPT sẽ có nhiều khó khăn nhưng với tiềm lực và cơ chế hiện có VNPT sẽ chịu đựng được, không bị sốc quá lớn về mặt tài chính."

Đó là chia sẻ của Tiến sỹ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT&TT) với VTC News về quá trình tái cơ cấu lại Tập đoàn VNPT trong thời gian tới.
mai liem truc

 Tiến sỹ Mai Liêm Trực: Tách MobiFone là thiệt thòi rất lớn cho VNPT

Theo Đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông mà Bộ TT&TT trình Chính phủ chờ phê duyệt, MobiFone sẽ tách khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động, đồng thời quá trình cổ phần hóa đơn vị này sẽ được đẩy mạnh.
Câu chuyện chia tách không chỉ có tác động tới VNPT mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của thị trường viễn thông Việt Nam nhiều năm tới. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, VTC News đã thực hiện cuộc trao đổi ngắn với Tiến sỹ Mai Liêm Trực.
- Trong phương án cuối cùng được Bộ TT&TT và VNPT trình lên Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra "ở riêng". Được coi là "con gà đẻ trứng vàng", nếu mất đi MobiFone, VNPT sẽ phải đối mặt với những khó khăn nào?
Tôi từng có thời gian dài làm Tổng giám đốc VNPT, chính vì vậy tôi rất hiểu nỗi lòng của người VNPT trước sự chia tách này, đây là một thiệt thòi rất lớn. MobiFone đang làm ăn rất tốt, chiếm tới 60% lợi nhuận của VNPT, chẳng ai muốn tách ra cả. Tuy nhiên tới thời điểm này thì dù đau nhưng vẫn phải làm.
Việc của ngày hôm nay cũng có phần lỗi của VNPT, nếu như VNPT thực hiện cổ phần hóa từ năm 2006 theo chủ trương của Chính phủ thì vẫn có thể chiếm tới 80% cổ phần của MobiFone chứ không phải chia ra để cạnh tranh nhau như bây giờ.
Trong 1 - 2 năm đầu sau khi chia tách, VNPT sẽ có nhiều khó khăn nhưng với tiềm lực và cơ chế hiện có VNPT sẽ chịu đựng được, không bị sốc quá lớn về mặt tài chính.
Mất MobiFone, VNPT phải ngay lập tức làm mới mình, tiến hành tái cấu trúc lại hoạt động, xác định những hướng đi hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế, đầu tư phải tập trung hơn chứ không thể dàn trải như trước được nữa.
Hiện nay, ở VinaPhone, phần hạ tầng và dịch vụ vẫn ở chung với nhau, nhiều lúc sẽ khiến hoạt động không ăn khớp, đổ lỗi cho nhau khi hoạt động không hiệu quả. Cần tách các phần này ra, thành lập các công ty thành viên, qua đó nâng cao được chất lượng dịch vụ cũng như hệ thống mạng lưới.
- Ông có đánh giá thế nào về thực trạng của thị trường viễn thông Việt Nam khi hiện có tới 95% thị phần thuộc về các nhà mạng có 100% vốn nhà nước?
Từ năm 2000, Pháp lệnh Bưu chính viễn thông đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào dịch vụ Viễn thông, tuy nhiên sau hơn 13 năm, thị trường viễn thông vẫn có tới 95% thị phần thuộc về doanh nghiệp nhà nước.
Quá trình cổ phần hóa trong các đơn vị viễn thông có 100% vốn nhà nước diễn ra hết sức chậm chạp, điển hình là trường hợp của MobiFone, đã kéo dài 8 năm nay mà vẫn chưa có kết quả. Đồng thời, các nhà mạng nhỏ cũng như các thành phần kinh tế khác muốn tham gia thị trường viễn thông đều gặp phải rất nhiều khó khăn.
Để thị trường viễn thông là thực sự cạnh tranh thì cần phải có từ 1 - 2 doanh nghiệp chiếm 1/3 thị phần không phải là của nhà nước. Còn tại Việt Nam hiện nay, mặc dù toàn doanh nghiệp nhà nước và vẫn có tính cạnh tranh nhưng vẫn chưa đầy đủ.
Lý do là tại cạnh tranh kiểu này giống như một ông bố cho 3 đứa con ra ở riêng, mặc dù 3 đứa con hoàn toàn tự chủ về mặt tài chính nhưng ông bố vẫn giữ khối tài sản chung. Chính bởi vậy nếu thị trường chỉ có doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh thì đó chưa thể coi là cạnh tranh thực sự.
- Theo ông các hãng viễn thông cần phải làm gì để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai?
Dự đoán tới năm 2020, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước trên thế giới, thị trường viễn thông truyền thống sẽ không còn thực sự hấp dẫn. Thay vì chỉ kinh doanh các dịch vụ truyền thông như "nghe - gọi" các hãng viễn thông cần phải chuyển đổi mô hình sang nhà cung cấp đa dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ dựa trên cơ sở hạ tầng mạng sẵn có.
Chính bởi vậy các hãng viễn thông cần phải tái cấu trúc lại bộ máy, đồng thời thay đổi chiến lược kinh doanh cũng như định hướng lại cho sản phẩm của mình.
Xin cám ơn ông!
Bình luận
vtcnews.vn