Tác hại không phải ai cũng biết của việc ngủ nướng

Đời sốngThứ Tư, 15/04/2015 03:39:00 +07:00

Theo nghiên cứu của các chuyên gia Hoa Kỳ, những người ngủ trên 9 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao hơn 70% so với những người chỉ ngủ 7- 8 tiếng.

(VTC News) - Theo nghiên cứu của các chuyên gia Hoa Kỳ, những người ngủ trên 9 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao hơn 70% so với những người chỉ ngủ 7 – 8.

Ngủ nhiều khiến bạn tăng nguy cơ đột quỵ. 
Tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp

Có thể bạn không ngờ, nhưng 1 đêm trong phòng ngủ, bạn đã làm ô nhiễm bầu không khí của chính mình. Nếu bạn vẫn cố ngủ trong bầu không khí ô nhiễm gồm vi khuẩn, khí CO2 và bụi bẩn ấy, bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc cảm cúm, viêm họng, ho và đau đầu... hơn những người dậy sớm khác.

Theo các nhà nghiên cứu, buổi sáng không khí trong phòng ngủ khá ô nhiễm, trong không khí có rất nhiều vi khuẩn, khí các-bon đi-ô-xít và bụi, dễ làm tổn thương hệ hô hấp, không những gây ra cảm cúm, viêm họng, mà còn dẫn đến ho, đau đầu …

Trí nhớ giảm sút

Sau khi ngủ nướng, chúng ta thường có cảm giác đau đầu, khó tập trung tinh thần… Nguyên nhân là do ngủ nướng khiến não phải tiêu hao nhiều oxy, gây nên triệu chứng “thiếu dinh dưỡng” tạm thời và mất cân bằng hormone. 

Nếu tình trạng trên kéo dài, nó có thể gây tổn thương não bộ và thính lực, khiến chúng ta bị giảm sút trí nhớ và thính giác, giảm trí thông minh, nhất là ở những người trẻ tuổi.

Tăng nguy cơ đau dạ dày

Khi bạn ngủ nướng, đương nhiên việc ăn uống của bạn sẽ trở nên thất thường. Dạ dày hoạt động không đúng giờ sẽ gây nên sự co thắt đường tiêu hóa. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, có thể bạn sẽ mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính và chứng khó tiêu.

Tăng nguy cơ đột quỵ

Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Hoa Kỳ, những người ngủ với thời gian trên 9 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ cao hơn 70% so với những người chỉ ngủ 7 – 8 giờ trong một ngày. 

Không chỉ thế, tác hại của ngủ nướng còn có thể khiến các hoạt động của hệ tim mạch bị suy yếu, dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc các căn bệnh như tim mạch vành, đau tim và đột quỵ nữa đó!

Dễ bị trầm cảm

Chứng trầm cảm được mọi người biết đến với mối quan hệ của việc ngủ không đủ thời gian. Tuy nhiên, nếu ngủ quá nhiều, nguy cơ mắc trầm cảm cũng tăng lên 15%.

Dễ mắc chứng đau lưng

Vì thời gian không hoạt động quá nhiều, cơ thể và các cơ bắp của bạn sẽ mất dần tính linh hoạt, từ đó gây ra đau lưng. Đó là lý do giải thích tại sao các bác sĩ vẫn khuyên những bệnh nhân đau lưng cần vận động nhẹ nhàng sẽ giúp nhanh khỏi bệnh hơn là việc nằm một chỗ.

Tăng tần suất các cơn đau đầu

Việc ngủ quá nhiều vào buổi đêm, ngủ nướng vào ngày nghỉ lễ hoặc ngủ ngày quá nhiều sẽ khiến các cơn đau đầu xuất hiện với mật độ ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do rối loạn giấc ngủ khiến quá trình dẫn truyền thần kinh trong não bị ảnh hưởng.

Thời gian ngủ tối ưu đối với từng đối tượng

- Trẻ sơ sinh (0-3 tháng): 14-17 giờ mỗi ngày.

- Trẻ từ 4-11 tháng: 12-15 giờ mỗi ngày.

- Trẻ từ 1-2 tuổi 11-14 giờ mỗi ngày.

- Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi) 10-13 giờ mỗi ngày.

- Trẻ tiểu học (6-13): 9-11 giờ mỗi ngày.

- Thanh thiếu niên (14-17 tuổi): 8-10 giờ mỗi ngày.


An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn