Tác giả vẽ nhầm ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh mong được bỏ qua sai sót

Khám pháThứ Năm, 02/02/2023 18:37:04 +07:00

Hoạ sĩ Camelia Phạm, người thực hiện bức vẽ tôn vinh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh cho Google, lên tiếng xin lỗi vì dùng sai ảnh, mong được bỏ qua sai sót.

Chiều 2/2, trên fanpage có hơn 31 ngàn người theo dõi, hoạ sĩ Camelia Phạm đã có phát ngôn chính thức về những lùm xùm vẽ sai hình ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.

Hoạ sĩ Camelia Phạm cho biết trước đó, khi Google ngỏ ý hợp tác vẽ 1 tác phẩm vinh danh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, chủ bút của tờ Nữ Giới Chung - tờ báo nữ giới đầu tiên ở Việt Nam, bên phía Google có đưa ra một số gợi ý.

Sau đó, kết hợp cùng với thông tin tìm kiếm trên mạng về những hình ảnh qua các bài thơ và cuộc đời của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, Camelia Phạm hoàn thiện bức vẽ.

Tác giả vẽ nhầm ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh mong được bỏ qua sai sót - 1

2 hình ảnh sẽ hiện ra trên Google khi người dùng gõ từ khoá "Sương Nguyệt Anh". Người trong ảnh được cho là bà Đặng Kim Chi - hiệu trưởng đầu tiên của trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh. 

Hoạ sĩ cho biết: “Dù kết quả không giống về dung mạo thật của bà thì mình cũng mong là đã có thể gửi gắm được toàn bộ tâm huyết của mình, khắc họa ra được tinh thần của bà một cách trân trọng nhất. Google cũng đã có lời xin lỗi về vấn đề này. Mình rất mong mọi người bỏ qua cho sai sót này và vẫn có thể thích thú quá trình vẽ của mình”.

Dưới bài đăng, hoạ sĩ Camelia Phạm đăng tải một số bước phát thảo bức tranh tôn vinh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Hoạ sĩ đã thử qua nhiều phương án khác nhau trước khi hoàn thiện bức tranh được đăng tải trên Google Doodle vào ngày 1/2/2023.

Tác giả vẽ nhầm ảnh nữ sĩ Sương Nguyệt Anh mong được bỏ qua sai sót - 2

Phác thảo ban đầu của hoạ sĩ được chia sẻ trên fanpage.

Về sai sót mà hoạ sĩ Camelia Phạm nhắc đến, cụ thể là khi tìm kiếm bằng từ khóa “Sương Nguyệt Anh” trên Google, chỉ có một số ít kết quả hiện ra, trong đó có 2 hình ảnh chính. 1 ảnh đen trắng chụp chân dung người phụ nữ vấn tóc cao, mặc áo dài, đeo khuyên tai. Ảnh còn lại là người phụ nữ mặc áo dài xanh.

Hoạ sĩ Camelia Phạm đã vẽ nữ sĩ Sương Nguyệt Anh dựa trên những hình ảnh tìm kiếm được, tuy nhiên, người trong ảnh được cho là bà Đặng Kim Chi - Hiệu trưởng đầu tiên của trường nữ Trung học Tổng hợp Sương Nguyệt Anh, không phải nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.

Chiều 2/2, trên báo chí, đại diện Google ở Việt Nam cũng đã lên tiếng xin lỗi vì thể hiện hình ảnh không chính xác chân dung của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh.

(Nguồn: Phụ nữ Online)
Bình luận
vtcnews.vn