Tạ Quang Thắng: Sáng tác để chiều bản thân trước hết

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 03/04/2011 06:32:00 +07:00

(VTC News) - Cái tên Tạ Quang Thắng thực sự được chú ý sau đêm chung kết Bài hát Việt 2010 bởi ba lần đứng lên ôm cúp giải thưởng.

(VTC News) - Cái tên Tạ Quang Thắng thực sự được chú ý sau đêm chung kết Bài hát Việt 2010 bởi ba lần đứng lên ôm cúp giải thưởng. Chàng nhạc sỹ kiêm ca sỹ tiềm năng của làng nhạc Việt này cho biết, thể loại Country rock mà anh theo đuổi hiện vẫn là "của độc" ở Việt Nam, nên anh đành tự viết để… chiều bản thân trước hết.

Quần xắn, áo ba lỗ, biểu diễn… trên thềm nhà

Nếu search cái tên Tạ Quang Thắng trên google, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp nhiều clip rất ngộ về anh chàng này. Như clip Thắng quần xắn, dép lê, áo ba lỗ ngồi ngay trên thềm nhà, cầm ghita say sưa thể hiện tác phẩm. Ấy vậy mà khá nhiều người trẻ lại thích những clip tự quay ấy, thành ra Thắng quyết định không xoá, lưu giữ như những kỷ niệm đẹp trên con đường nghệ thuật của mình.

 
Hỏi Thắng về những “sản phẩm” ấy, chàng trai phân trần: “Tôi không làm vì mục đích nào cả. Mấy cái clip bạn xem là do bạn tôi mang máy ảnh đến nhà chơi rồi nghịch thế thôi, không có chủ đích gì cả. Sau đó chị tôi làm một tài khoản youtube để up lên lấy link chia sẻ cho bạn xem. Giờ thì tôi thường xuyên update những chương trình tham gia lên trang đó”. Thắng thật thà: “Tôi nghĩ, mọi người nghe chứ không phải là xem tôi hát, nếu xem thì mọi người sẽ chọn các công chúa hoàng tử rồi”.


Thắng thuộc đời cuối của thế hệ 8X (sinh năm 1988). Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, bố mẹ đều làm về nghệ thuật dân tộc tại Nhà hát Tuồng Trung ương. Thắng kể, nghệ thuật đã ăn sâu vào tiềm thức của mình qua lời ru của mẹ, qua những vở diễn của bố. Thắng không bỏ sót bất kỳ vở diễn nào của bố, từ tuồng, chèo, cải lương hay kịch nói… Với Thắng, đó chính là những bài học vỡ lòng đầu tiên về nghệ thuật mà bố mẹ truyền lại cho cậu con trai của mình. 

 
Ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất của Nhạc viện Hà Nội, Thắng đã tham gia rất nhiều chương trình ca nhạc, quay hình cho các chương trình của các Đài truyền hình. Nhưng có lẽ, khi tham gia Bài hát Việt, Thắng mới thực sự được chú ý. Nếu vô tình xem Thắng biểu diễn Lá cờ trên sân khấu Bài hát Việt 2010, bạn sẽ ấn tượng ngay bởi nhiều lẽ. Thắng xuất hiện giản dị và mộc mạc, quần bò, áo phông đỏ in hình lá cờ vàng. Giọng hát của Thắng trầm ấm, đầy cảm xúc. Và nữa, lời bài hát tuy dung dị nhưng sâu sắc vô cùng, ẩn ý về một niềm tự hào dân tộc.
Nghe lại ca khúc Lá cờ của Tạ Quang Thắng 


Sáng tác để… chiều bản thân

Thắng có nhiều tài lẻ. Thắng tự nhận mình có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, từ guitar đến kèn trumpet và piano. Tốt nghiệp khoa Thanh nhạc trường Nhạc viện Hà Nội, bản thân không được học sáng tác nhưng Thắng lại tỏa sáng trên cương vị… nghệ sỹ “2 in 1” - nhạc sỹ kiêm ca sỹ. Ít ai biết, Thắng “học lỏm” sáng tác từ các bạn của mình. “Tôi thường mượn sách của các bạn học khoa sáng tác để xem, học hỏi các anh đi trước trong nghề, đặc biệt là nghe nhạc nước ngoài nhiều nên cũng mày mò được”. Tìm tòi và thành công, âu đó cũng là quả ngọt mà Thắng hái được nhờ sự nỗ lực của mình.

 
Thắng tâm sự: “Sau một thời gian làm nhạc, tôi nhận ra là việc mình viết bài hát cũng rất hay. Có nhiều điều trong cuộc sống tạo cho mình những suy nghĩ riêng, cảm xúc riêng, viết bài hát là một cách bày tỏ cảm xúc đối với người nghe, truyền cho họ cảm xúc của mình. Và nếu được thì thôi thúc họ đến với những điều mà mình cho là hay, đẹp và đáng được tôn vinh”.


Ít ai biết, lý do đến với viết nhạc của Thắng rất đơn giản, sáng tác để… chiều chính bản thân. Từng thử nghiệm rất nhiều thể loại khác nhau nhưng country rock mới là bến đỗ của chàng trai này. Theo lý giải của Thắng thì âm nhạc cũng như một cái cây. Nó xuất phát từ một cái gốc rồi từ đó mọc ra các nhánh, các cành khác nhau. Các cành ấy chính là các thể loại nhạc khác nhau. Country được pha màu từ nhiều nguồn, có chất nhạc dân ca của người Ailen, Ý, cũng có nhạc Flamenco của Tây Ban Nha... Country rock là một biến thể của country. Thắng thích country rock vì sự chân thật, đơn giản nhưng không đơn điệu và lại có nhiều màu sắc. Country rock ở Việt Nam vẫn là “của độc” và chưa có người viết. Chính vì sở thích “không giống ai” của mình, Thắng đành tự viết để… phục vụ chính bản thân.

Nguyên mẫu nhân vật trong Lá cờ

Trong đêm chung kết Bài hát Việt 2010, có lẽ Thắng là người hạnh phúc nhất vì “đứa con tinh thần” Thắng mang dự thi liên tục được xướng lên nhận giải: Giải Thể nghiệm sáng tạo, giải của Hội nhạc sĩ và giải của Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho ca khúc có những đóng góp xã hội. Nói về các giải thưởng này, chàng trai xúc động: “Bố mẹ tôi là những người làm nghệ thuật lâu năm nên đối với các cụ, chắc chắn những gì tôi làm chỉ là những bước đầu của một người nghệ sĩ trẻ. Hơn nữa, bố mẹ cũng không thích khoe khoang hay khen ngợi, tâng bốc con cái nên thường tôi vẫn nhận được những lời nhận xét, góp ý. Nhưng tôi biết, mẹ rất vui khi tôi làm được nghề, sống được với niềm đam mê và làm nghề một cách chân chính”.


 Nghe lại ca khúc Lá cờ  
So với nhiều nghệ sỹ trẻ, Thắng mộc mạc, giản dị từ trang phục đến phong cách thể hiện… Đó cũng là con người thật của Thắng, “chứ bây giờ bảo tôi mặc quần áo lòe loẹt xong lên sân khấu vừa hát vừa nhảy thì… tôi chịu”. Thắng cho rằng, người nghệ sỹ cần nhất sự chân thành. Phải chân thành từ chính mình thì người nghe mới thấy đồng cảm, đồng thời trân trọng mình và những bài hát của mình. Thắng thích hình ảnh một người nghệ sỹ vừa hát, vừa chơi nhạc cụ. Bài hát là câu chuyện của mình, xuất phát từ cảm xúc của mình. Có lẽ đó là lý do Lá cờ của Thắng đã chạm được đến trái tim của người nghe. 


Thắng bộc bạch: “Bạn xem tôi hát trên sân khấu thế nào thì ngoài đời cũng thế thôi. Mọi người cũng bảo tôi hiền. Tôi thì thấy cũng bình thường. Cơ bản là tôi yêu ghét rõ ràng, chân thành với mọi người nên chắc là mọi người cũng quý. Mà câu này bạn cũng đừng cho lên báo nhé vì tôi thấy tự nói về mình nó cứ thế nào ấy… ”.

Thái An
Ảnh: nhân vật cung cấp
Bình luận
vtcnews.vn