SV năm nhất làm thêm: Cơ hội duy nhất để được học!

Giáo dụcThứ Tư, 21/03/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) – Sau khi nghe tin đỗ đại học, việc đầu tiên khi họ đặt chân tới thủ đô là tìm một công việc phù hợp, chuẩn bị cho mình nguồn thu nhập ổn định.

(VTC News) – Sau khi nghe tin đỗ đại học, việc đầu tiên khi họ đặt chân tới thủ đô là tìm một công việc phù hợp, chuẩn bị cho mình nguồn thu nhập ổn định, để chiến đấu nơi đất khách quê người mà không có sự hỗ trợ của người thân.

Với không ít sinh viên Việt Nam, làm thêm là một phần không thể thiếu trong quãng đời học trò. Một số bạn, để có thể tốt nghiệp đại học là bấy nhiêu thời gian họ phải làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng cũng có bạn làm thêm để tìm kiếm cơ hội khẳng định mình, tích lũy thêm kinh nghiệm, để sống những ngày có ý nghĩa hơn; có những du học sinh kiếm tiền để tìm thêm cơ hội khám phá chân trời mới; Và có rất nhiều cựu sinh viên thành công trong cuộc sống sau này nhờ những ngày tháng làm thêm trước đó.

VTC News xin giới thiệu loạt bài về những nẻo đường làm thêm và tìm kiếm sự thành công của không ít sinh viên hiện nay.


Em gái bỏ học đi làm để chị được là sinh viên

Ngay từ nhỏ Hoàng Thị Sen, Phó bí thư lớp 35-20 –Đại học Luật Hà Nội đã ước mơ trở thành một nữ luật sư. Khi ước mơ đó đến, cô và gia đình rất vui và phấn khởi. Tuy nhiên, niềm vui không được kéo dài vì kèm theo đó là nỗi lo về tiền bạc.

Hoàng Thị Sen (ngoài cùng bên phải) may mắn tìm được công việc văn phòng đủ để trang trải cho cuộc sống của mình. 

Sen sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Lục Nam, Bắc Giang, mảnh đất thuộc vùng chính sách 135. Gia đình có 3 chị em, nhưng ở vùng quê nghèo nên bố mẹ nuôi được mấy chị em học hết THPT đã là rất khó khăn. Hơn nữa, bố Sen thường hay đau ốm do căn bệnh sốt rét rừng, di chứng của chiến tranh. Vì thế mọi công việc đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ.


Thương bố mẹ, nên em gái Sen vừa học hết 12 đã không dự thi đại học dù học lực khá. Em học ngoại ngữ để đi xuất khẩu, phụ giúp bố mẹ và giúp chị hoàn thành được ước mơ của mình.

Thế nên, khi Sen vừa bước chân đến thủ đô là ngay lập tức cô đi tìm việc làm thêm. Sen cho biết: “Mình đắn đo rất nhiều vì nếu đi học thì mọi chi phí sẽ tăng lên rất nhiều mà bố mẹ không thể lo nổi. Cũng có khi nghĩ đến khả năng bỏ cuộc. Nhưng rồi vì ước mơ và sự cổ vũ của bạn bè, sự hi sinh của người em, mình quyết định đi học và làm thêm kiếm tiền”.

Gần hai năm trôi qua, vừa học vừa làm thêm, Sen vẫn luôn tự dặn lòng, phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ, đặc biệt là em gái. Sen chia sẻ: “Mình luôn sắp xếp thời gian hợp lý cho việc học và làm thêm. Dù làm thêm nhưng mình vẫn đặt việc học tập lên hàng đầu và xem đó là mục đích chính cho tương lai của bản thân”.

Học cùng trường và cũng có hoàn cảnh giống Sen, Đặng Thị Quỳnh Lương – SV lớp 35-23 cũng vừa học vừa làm thêm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em ở Hà Tĩnh, Lương là con thứ hai trong gia đình, chị đầu hiện đang là SV năm cuối Sư phạm Vinh. Bố mẹ quanh năm chỉ biết có “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nên rất khó khăn, vất vả.

Cô SV Đặng Thị Quỳnh Lương vẫn phải vật lộn với nhiều công việc khác nhau để duy trì việc học tập của mình. Song sự tự tin luôn đi bên cạnh cô 

Khi nhận được giấy báo nhập học, Lương đã xác định cho mình là phải đi làm thêm để có thể phụ giúp bố mẹ. Thế nhưng khó khăn lại càng thêm khó khăn khi đưa con gái ra nhập học thì bố cô cũng phát hiện là bị ung thư, phải xạ trị. Bao nhiêu tiền bạc đều lo chữa bệnh cho bố.


Để tiết kiệm chi tiêu, cô cùng 2 bạn nữa thuê một phòng chật chội ở tầng hầm một nhà làm gỗ tại đường Đê La Thành. Suốt ngày trong phòng phải đỏ điện thì mới có ánh sáng. Thuê phòng được 3, 4 ngày Lương đã cùng với bạn đi kiếm việc làm thêm.

Căn nhà Lương ở là một hầm ẩm thấp ở đường Đê La Thành 

Lương tâm sự: “Đi làm thêm ảnh hưởng nhiều đến việc học. Có những hôm đi làm về rất mệt nhưng vẫn phải cố gắng ngồi vào bàn học. Nhiều khi cảm thấy nản, không muốn học hành hay làm gì. Nhưng mỗi khi như thế chị gái lại là nguồn động viên, an ủi mình phấn đấu vươn lên”.


Dù vất vả, khó khăn nhưng Lương vẫn luôn cố gắng trong học tập. Cô còn dành thời gian tham gia vào Hội luật gia trẻ, nâng cao kiến thức của mình.

Những trải nghiệm thú vị từ làm thêm

Đi làm thêm không chỉ giúp chi trả cuộc sống mà nó còn giúp cho các bạn trưởng thành hơn trong cuộc sống. Chính việc làm thêm đã giúp cho các bạn có được những kỹ năng sống, những bài học quý báu.

Sen đang làm việc tại một văn phòng với mức lương 1,3 triệu đồng. Công việc tại đây không quá vất vả nhưng lại có nhiều áp lực. Sen tâm sự: “Chính sự va vấp cuộc sống giúp mình có được cách nhìn nhận thực tế hơn so với các bạn chỉ đi học. Nó giúp mình năng động, tự tin hơn và mở rộng được các mối quan hệ trong xã hội”.

Không may mắn như Sen, gần hai năm trôi qua, Lương liên tục phải vật lộn, bươn chải bằng đủ mọi nghề để có thể trụ lại trên giảng đường đại học. Nhưng cũng chính vì bươn chải trong cuộc sống mà bạn biết được nhiều điều hơn về cuộc sống hơn.

Lần đầu tiên tìm việc, khi đó mới chỉ ra Hà Nội được 4 ngày, Lương đã rất háo hức khi nhặt được tờ rơi làm việc 120.000đ/ca ở Minh Khai. Thế nhưng may mắn cho Lương là khi xuống đó họ bắt nộp 100.000 đồng tiền thủ tục hồ sơ nhưng Lương không mang theo nên đành quay về. Khi về phòng trọ kể cho các chị phòng bên nghe thì mới biết đó là những trung tâm chuyên lừa đảo. Kể từ đó, Lương biết được về những chiêu lừa đảo sinh viên.

Sau đó Lương làm tại quán café, làm ở cửa hàng KFC và giờ cô đang làm chạy việc tại một quán photo. Những ngày lễ như 14/2, 8/3, Lương cũng nhóm bạn tranh thủ kinh doanh thêm hoa bất tử khô.

Ngày 8/3 vừa rồi, Lương không may bị lừa mất 300.000 đồng khi bán hoa. Có lần Lương còn nhận phải tờ 500.000 đồng giả… nhưng tất cả không làm cho cô bạn này nản chí.

Lương chia sẻ: “Lúc ấy mình cảm thấy rất buồn và mất hết tinh thần. Mình không nghĩ có những người lại lừa đảo một cách chuyên nghiệp như thế. Nhưng nhờ hai bạn bán cùng động viên và chia sẻ nên sau đó mình cũng không cảm thấy nặng nề nữa. Tất cả đều không quan trọng bằng qua đó, tình cảm của bọn mình càng thêm gắn bó hơn”.

 
Nguyễn Thị Kim Thương – SV năm nhất khoa Kế toán hệ Cao đẳng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hiện đang làm tại quán cháo dinh dưỡng ở Khâm Thiên. Ngay sau khi nhận giấy báo nhập học, Thương bắt xe từ Quỳnh Lưu, Nghệ An ra Hà Nội và tìm được việc này. Mỗi tháng Thương nhận được 1,8 triệu tiền lương. Một triệu đồng đóng tiền ăn ở cho anh chị (cô ở cùng chị gái và anh rể ở Nhổn), còn lại Thương dành để trả tiền xăng xe và chi tiêu cá nhân.


Thương cho biết 11h20 đi học về, ăn trưa xong 1h Thương lại đi làm. Làm đến 8h tối Thương mới được nghỉ. Ngày nào Thương cũng dành hơn 2 tiếng cho việc học hành. Hai ngày cuối tuần Thương dành để học bù. Thương cho biết vừa học vừa làm cũng khá vất vả nhưng bạn vẫn luôn học tốt. Trong lớp Thương luôn là sinh viên chăm chỉ, hoàn thành các bài tập được giao.


 
Phạm Duy Nho (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) – SV Xây dựng năm nhất hệ Cao đẳng trường Đại học Tây Đô cũng phải đi làm ngay khi đặt chân tới Cần Thơ để kiếm tiền ăn học. Đối với Nho, cậu không chỉ nuôi được mình mà còn có tiền gửi về nhà.

Vốn khéo tay và có khiếu về mộc nên cậu xin vào làm tại xưởng mộc gần chỗ trọ. Với tiền lương 2 triệu đồng/tháng, cậu gửi anh chị 800 nghìn đồng tiền ăn ở, số tiền còn lại gửi về cho bố mẹ. Ngoài ra, Nho còn tranh thủ lượm lặt các nguyên liệu thừa như mùn cưa, gỗ, vận chuyển vật liệu… để bán kiếm thêm tiền. Tết vừa rồi Nho cũng không về quê để ở lại trông xưởng kiếm thêm tiền.

Nho dự định sẽ phải học liên thông lên đại học vì học chính là con đường để vươn lên làm giàu, cải thiện được cuộc sống hiện tại, giúp bố mẹ được an nhàn lúc về già.


Phạm Lài






Bình luận
vtcnews.vn